Thế giới xung quanh phong phú đa dạng bao nhiêu thì có nhiều thứ thu hút chúng ta bấy nhiêu. Những việc cần dùng mắt cũng ngày càng nhiều, vậy nên chiếc kính đã trở thành vật bất li thân của rất nhiều người, đi đâu cũng phải mang theo.
Cận thị khiến chúng ta nhìn mọi vật mơ hồ, không rõ. Do đó rất nhiều người không tiếc tiền đến bệnh viện chữa trị chứng cận thị. Cũng có một số người đeo những cặp kính áp tròng đủ màu sắc để trông đẹp hơn hoặc lựa chọn điều trị bằng tia lazer.
Lại có người coi cận thị là chuyện bình thường, không có gì to tát, đeo kính vào là xong.
Thực ra, không khó để được giữ được đôi mắt sáng, nguyên lý cũng đơn giản đến mức bất ngờ…
Quan điểm của Đông y về cận thị:
Mắt kém đi là do thiếu dương khí.
Cận thị là cách nói của Tây y, còn trong Đông y, cận thị được gọi là “chứng nhìn rõ các vật ở gần mà không nhìn rõ các vật ở xa” hay còn gọi là “tật nhìn nheo mắt”.
Nguyên nhân chủ yếu là do mắt hoạt động quá độ, gây tổn thương can huyết, kinh lạc trong mắt bị tắc nghẽn làm mất đi chức năng thư giãn bình thường. Biểu hiện rõ rệt nhất là nhìn rõ các vật ở gần mà không nhìn rõ các vật ở xa.
Mắt chúng ta phải dựa vào dương khí để bổ trợ và điều tiết. Mắt mệt mỏi thôi vẫn chưa thể gây ra chứng cận thị, mà nguyên nhân gây ra cận thị chính xác là khi mắt thiếu dương khí điều tiết kèm theo mệt mỏi quá độ.
Giữ nguyên mãi một tư thế làm việc sẽ cản trở việc lưu thông dương khí. Khi duy trì cùng một tư thế cúi đầu làm việc hoặc học tập trong thời gian dài, phần cơ thể phía trên đổ về phía trước, xương cổ căng ra, sẽ ép mạch Đốc trước tiên. Do mạch Đốc điều chuyển toàn bộ dương khí của cơ thể, nên khi bị chèn ép thì dương khí của toàn cơ thể cũng bị chèn ép theo. Dương khí không đủ để bổ sung cho mắt, như vậy chức năng thư giãn nghỉ ngơi bình thường của mắt sẽ bị khống chế, dễ gây ra chứng cận thị.
Chúng ta đã biết nguyên nhân dẫn đến cận thị thì cũng có thể tìm ra một huyệt chính xác để điều trị, đó chính là huyệt Hậu khê. Huyệt đạo này khai thông dương khí!
Huyệt Hậu khê là huyệt thứ 3 thuộc kinh tiểu trường, khi gấp ngón tay vào bàn tay, sẽ lộ rõ đường chỉ tâm đạo (giống như khe suối = khê), huyệt ở cuối (sau = hậu) của đường vân này.
Vị trí là chỗ lõm phía sau khớp xương ngón và bàn của ngón thứ 5, ngang với đầu trong đường vân tim ở bàn tay, nơi tiếp giáp da mu tay
Huyệt hậu khê là nơi giao nhau của kỳ kinh bát mạch, là huyệt khai của mạch Đốc, tả Tâm thủy, tăng cường dương khí, điều chỉnh xương cổ, lợi mắt, cột sống.
Như trên đã nói, cận thị là do tư thế làm việc cúi lâu làm đè nén Đốc mạch, cản trở sự phân tán dương khí. Huyệt hậu khê lại có thể tăng cường bổ sung dương khí, làm chức năng thư giãn của mắt hoạt động bình thường trở lại, ngăn chặn cận thị.
Khi mát xa huyệt Hậu khê, tốt nhất là dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng lúc ấn nhẹ huyệt. Mọi huyệt vị trên tay đều khá nhạy cảm, nên khi mát xa chú ý dùng lực vừa phải, không được dùng lực quá mạnh sẽ gây tổn thương vùng da trên tay.
Mát xa huyệt hậu khê có thể điều hòa những ảnh hưởng bất lợi do cúi đầu làm việc hoặc học tập trước máy tính trong thời gian dài. Chỉ cần bạn kiên trì, huyệt vị này không chỉ giúp bạn giải quyết những lo ngại trước mắt mà còn đem lại cho bạn những kết quả không ngờ sau này.
Mẹo mát xa huyệt Hậu khê
Nói đến việc kích thích huyệt hậu khê, ở đây có 1 mẹo nhỏ: khi chúng ta cúi đầu lâu hoặc dùng máy tính một thời gian, nên dừng nghỉ một chút, khi đó hãy thả lỏng tay, để huyệt hậu khê của 2 tay xuống cạnh bàn nắm ra nắm vào hoặc day nhẹ, mỗi lần thực hiện 3-5 phút, mỗi giờ chỉ cần thực hiện 1 lần.
Trong ngày kiên trì làm như vậy, gập duỗi phần thắt lưng và xương cổ, đến khi hết giờ làm bạn sẽ thấy lưng không còn đau, cổ gáy và mắt cũng không bị mỏi, mắt nhìn mọi vật cũng rõ hơn rất nhiều!