Xã hội

Khi cô dâu Việt bị coi như 'món hàng còn trinh' ở Hàn Quốc

Truyền thông Hàn Quốc cho rằng việc cô dâu ngoại bị quảng cáo như "món hàng còn trinh, biết phục tùng" là hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng và có thể kéo theo nhiều hệ lụy.

Trước thực trạng kết hôn xuyên biên giới ngày càng phổ biến tại Hàn Quốc, mới đây đài truyền hình MBC của nước này phát sóng phóng sự điều tra về hoạt động của các cơ sở môi giới hôn nhân quốc tế.

Trong đó, nhiều trường hợp đàn ông Hàn Quốc tìm vợ với tiêu chí "còn trinh" và "biết phục tùng". Trên YouTube và website của các cơ sở môi giới, cô dâu ngoại quốc, chủ yếu là người Việt Nam, được quảng cáo như những "món hàng" với đầy đủ chỉ số cơ thể, ảnh chân dung, hoàn cảnh gia đình, tình trạng hôn nhân (chưa kết hôn, đã ly dị...) và cả tính cách.

Yêu cầu cô dâu "còn trinh", "biết phục tùng"

Theo điều tra của MBC, để thu hút đàn ông Hàn Quốc, các công ty môi giới quảng cáo những cô gái này là "các quý cô xinh đẹp, có thân hình đẹp".

Các cơ sở môi giới quảng cáo hình ảnh cô dâu ngoại với thông tin chi tiết. Ảnh: Chụp màn hình từ YouTube.

Phóng sự cũng ghi lại đoạn hội thoại giữa một người đàn ông Hàn Quốc và một nhân viên của cơ sở môi giới.

- Người môi giới: "Hôm nay anh đã xem mặt hơn 20 người rồi. Tính từ đầu tới giờ là người thứ 100 rồi. Anh hài lòng chứ?"

- Người đàn ông: "Tôi chưa hài lòng. Tôi vẫn muốn xem mặt nữa".

Sau đó, người đàn ông nói trên bắt đầu đưa ra yêu cầu về tiêu chuẩn của phụ nữ mà người này muốn lấy làm vợ.

- Người môi giới: "(Khách yêu cầu) cô dâu nặng 43 kg, chiều cao không được dưới 1m55. (Tất cả những cô gái) đều cỡ đó".

Thậm chí, bên môi giới còn đảm bảo là các cô gái này "còn trinh".

- Người đàn ông: "Tôi còn nhớ đêm đầu tiên. Đúng là còn trinh".

- Người môi giới: "Như vậy là chính anh xác nhận rồi đúng không?".

- Người đàn ông: "Vâng, vâng".

- Người môi giới: "Như vậy là vật chứng đã rõ ràng rồi. Về sau anh đừng có hỏi nữa đấy".

Theo MBC, một số đàn ông Hàn Quốc có nhu cầu kết hôn quốc tế còn nhấn mạnh yếu tố là tìm những cô dâu nước ngoài biết phục tùng.

Trả lời MBC, một người đàn ông lấy vợ nước ngoài khoe: "Vợ tôi còn đi tất cho tôi. Dù tôi về nhà muộn, cô ấy vẫn không ăn cơm mà cứ chờ tôi. Tôi bảo vợ ăn cơm trước đi, nhưng cô ấy nói là phải ăn cùng".

Theo điều tra của MBC, trong số 500 bài quảng cáo về cô dâu lấy chồng nước ngoài trên YouTube, cứ 10 cơ sở môi giới thì có bốn cơ sở giới thiệu cô dâu như một "món hàng", và đây là hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét cách thức trấn áp những cơ sở môi giới này. Tuy nhiên, rất khó để quản lý có hiệu quả vì các cơ sở này liên tục sử dụng quảng cáo bất hợp pháp bằng các địa chỉ Internet đăng ký tại nước ngoài hoặc thay đổi tên công ty khi có vấn đề phát sinh.

Công khai "tuyển dâu" cho chú rể Hàn Quốc

Ngược lại, ở phía Việt Nam, nhiều cơ sở môi giới hôn nhân cũng công khai đăng tải thông tin cá nhân của những chú rể Hàn Quốc. Trong đó, đáng chú ý nhất là mô tả về ngoại hình và mức thu nhập, cũng như khả năng chu cấp cho cô dâu và gia đình. Những chú rể này cũng nêu rõ yêu cầu "tuyển vợ".

Theo khảo sát của Zing.vn, chỉ cần tìm kiếm cụm từ "hôn nhân Việt Hàn" trên Facebook, kết quả trả về là hàng loạt tài khoản của người có thể là môi giới và các nhóm công khai dành cho hoạt động này với hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn thành viên.

Các bên môi giới đăng tải bài viết "tuyển dâu" cho chú rể Hàn Quốc trong những nhóm công khai trên Facebook. Ảnh: Chụp màn hình từ Facebook.

Đính kèm ảnh chân dung chú rể Hàn Quốc, bên môi giới đăng tải nhiều bài viết "tuyển dâu", cung cấp cả tên, tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, tình trạng hôn nhân, mức lương tháng, khối tài sản sở hữu (tiền tiết kiệm, bất động sản...) của chú rể.

Đáng chú ý, nhiều bên môi giới đưa ra số tiền mà cô dâu và gia đình cô dâu nhận được khi kết hôn.

"Dâu được trợ cấp 6 triệu mỗi tháng. Cho dâu 80 triệu trở lên để làm đám cưới tại nhà", một tài khoản môi giới quảng cáo trên Facebook. "Tiền và vàng cưới rể trực tiếp cho không thông qua người khác (từ 3.000 USD đến 7.000 USD tùy rể)", một tài khoản khác viết.

Trên trang cá nhân, một người môi giới còn đăng tải hình ảnh cô dâu Việt Nam đeo vàng cưới trên người để quảng cáo cho dịch vụ mai mối. Tuy nhiên, tài khoản này cũng lưu ý: "Nếu như trong thời gian tìm hiểu hoặc sau cưới dâu muốn hủy thì bắt buộc dâu phải hoàn trả lại cho chú rể đúng những gì đã nhận được trước đó".

Tiêu chí "tuyển dâu" của các chú rể Hàn Quốc cũng rất chi tiết, bao gồm độ tuổi, tình trạng hôn nhân (thường ưu tiên chưa kết hôn lần nào, hoặc ly hôn nhưng không có con hay không nuôi con), ngoại hình ưa nhìn. Có bên môi giới còn nhấn mạnh điều kiện "hiền, dễ thương, hiếu thảo".

Một số chú rể chấp nhận cả cô dâu ngoại là lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nếu kết hôn, những cô gái này sẽ được nhập quốc tịch Hàn Quốc và có cơ hội ở lại lâu dài.

Hình ảnh hai cô dâu Việt khoe vàng cưới được một người môi giới đăng tải trên Facebook. Ảnh: Chụp màn hình từ Facebook.

Trong khi đó, nhiều cơ sở chỉ cung cấp thông tin rất chung chung.

Ví dụ, trong một nhóm môi giới trên Facebook, một tài khoản đăng tải bài viết quảng cáo như sau: "Các nàng ơi! Rể về ngập đoàn luôn rồi ạ. Ngày mai tất cả đoàn có 8 rể về nhưng có 6 chàng Đài Loan, còn lại 2 chàng Hàn Quốc thôi các nàng ơi".

"Tuổi các chàng từ 35-55, cơ bản đều có công việc và nhà cửa ổn định. Ngoại hình dễ nhìn và nghiêm túc khăn gói sang Việt Nam tìm một nửa phù hợp. Chị em nào từ 18-35 tuổi, không chồng con hoặc ly hôn nhưng chưa có con muốn tìm chồng ngoại quốc đừng ngần ngại liên hệ với mình để được tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc nha", đoạn quảng cáo tiếp tục.

Tiếp đó là những lời cam kết như "có hỗ trợ chỗ ở lại cho các chị em ở xa, không giam giữ giấy tờ, không thu phí nếu không đậu".

Hành vi "mua bán cô dâu"

Tháng 7 vừa qua, dư luận Hàn Quốc phẫn nộ về vụ việc cô dâu Việt Nam tên L.G., 30 tuổi, bị người chồng Hàn Quốc 36 tuổi đánh đập tàn nhẫn trong suốt 3 giờ đồng hồ, ngay trước mặt con trai 2 tuổi. Tờ Hankyoreh sau đó đăng tải bài viết cho rằng môi giới hôn nhân quốc tế là một trong những nguyên nhân cơ bản của nạn bạo hành.

Chồng Hàn Quốc say xỉn và đánh đập người vợ Việt Nam trước mặt đứa con trai 2 tuổi. Ảnh: Korea Times.

Từ đầu những năm 1990, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu khuyến khích hôn nhân quốc tế với chương trình tìm vợ cho đàn ông độc thân ở nông thôn. Những người này ngày càng khó tìm được bạn đời, theo Hankyoreh.

Các cơ sở môi giới hôn nhân quốc tế lập ra những "cửa hàng", đưa phụ nữ từ nước ngoài đến Hàn Quốc. Trong khi đó, một số chính quyền địa phương có chính sách trợ cấp cho người độc thân kết hôn. Nếu họ tìm được nửa kia vừa ý, khoản trợ cấp có thể lên tới hàng triệu won.

Mô hình nói trên dựa theo một chính sách của Nhật Bản. Nước này từng phải đối mặt với vấn đề tương tự trong những năm 1980. Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực mai mối phụ nữ từ Philippines cho người độc thân có cha mẹ là nông dân.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các cơ sở môi giới hôn nhân chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng, và thường rút ngắn giai đoạn mai mối. Đôi khi, những cơ sở này còn đăng thông tin giả về lịch sử hôn nhân, tình trạng nghề nghiệp và sức khỏe.

Số khác lên tiếng chỉ trích hoạt động này cấu thành hành vi "mua bán cô dâu", dựa trên nhu cầu kết hôn và tiền bạc của hai đối tượng với nhau.

Theo khảo sát về môi giới hôn nhân quốc tế do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc thực hiện năm 2017 (với sự tham gia của 1.010 người Hàn Quốc và 514 người nước ngoài kết hôn tại nước này), khoảng thời gian trung bình từ khi cô dâu, chú rể gặp gỡ lần đầu cho tới khi kết hôn thực tế chỉ là 4,4 ngày.

2,5% số người tham gia khảo sát tổ chức hôn lễ vào đúng ngày gặp nhau lần đầu. 29,2% kết hôn vào ngày thứ hai gặp gỡ. Trong khi đó, 20,9% kết hôn vào ngày thứ ba.

Môi giới hôn nhân quốc tế và hệ lụy

Hoạt động môi giới với nhiều bất cập như trên dẫn tới tình trạng bất bình đẳng thường thấy trong hôn nhân xuyên biên giới ở Hàn Quốc. Giới phê bình cho rằng nhiều người đàn ông lạm dụng thể xác và tinh thần vợ vì thất vọng rằng người phụ nữ họ "dùng hết tiền để mua" lại không chiều theo ý họ.

Hình ảnh các cô dâu ngoại được một cơ sở môi giới hôn nhân Hàn Quốc đăng tải trên mạng. Ảnh: Hankyoreh.

Song Ran Hui, người đứng đầu tổ chức vì quyền phụ nữ Korea Women’s Hot Line (Đường dây nóng Phụ nữ tại Hàn Quốc), nhận định: "Hôn nhân quốc tế do các bên môi giới sắp xếp khiến người Hàn Quốc rất khó coi người vợ/chồng ngoại quốc là bình đẳng với mình. Điều này góp phần dẫn đến nạn lạm dụng tinh thần và thể xác".

Theo Hankyoreh, các cơ sở môi giới hôn nhân quốc tế phải tuân theo Đạo luật về Quy định của Cơ quan Môi giới Hôn nhân, có hiệu lực vào năm 2007. Luật này yêu cầu bên môi giới tuân thủ quy định sắp xếp hôn nhân tại các khu vực pháp lý địa phương, đồng thời cấm quảng cáo ngụ ý buôn bán người hoặc vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, nội dung luật này không tập trung vào việc bảo vệ quyền con người của các cô dâu.

Hiện nay, số cơ sở môi giới hôn nhân quốc tế tại Hàn Quốc đang có xu hướng giảm. Vào năm 2014, con số này là 449 cơ sở, đến năm 2015 còn 403 cơ sở. Khi chính phủ bắt đầu thắt chặt quy định cấp thị thực kết hôn, con số này giảm mạnh hơn, còn 362 cơ sở vào năm 2016, nhưng lại tăng nhẹ lên 366 vào năm 2017.

"Tuy số cuộc hôn nhân quốc tế thông qua môi giới đã giảm kể từ năm 2014, nhưng chúng tôi lại thấy nhiều lời giới thiệu hơn thông qua mạng lưới người di cư kết hôn, những người đã đến Hàn Quốc trong hai thập kỷ qua", Heo Oh Yeong Suk, đồng chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Di cư Hàn Quốc, nói với Hankyoreh.

"Các cơ quan xử lý thủ tục cấp visa đang tạo ra thị trường mới cho hôn nhân quốc tế. Xã hội Hàn Quốc không kiểm soát các cơ sở môi giới hôn nhân quốc tế là vì xu hướng coi phụ nữ như công cụ sinh sản trong thời đại tỷ lệ sinh đang ở mức thấp", chuyên gia này nhận định.

Tác giả: Thủy Tiên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP