Xã hội

Khi bà bầu đòi… phẫu thuật thẩm mỹ!

Mỗi loại phẫu thuật ngực, má, môi, mắt sẽ có những chống chỉ định riêng, do đó bệnh nhân phải đảm bảo sức khỏe ổn định, bác sĩ mới đồng ý tiến hành phẫu thuật.

Nhu cầu làm đẹp của phụ nữ là vô hạn, không kể thời gian hay độ tuổi. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu đang trong quá trình mang thai.

“Em mang bầu, nâng mũi, bấm mí được không?”

Dư luận đang dậy sóng quanh sự việc một cô gái 22 tuổi tử vong sau khi phẫu thuật nâng ngực ở một (bệnh viện) BV tại TP.HCM. Và mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi biết thông tin cô này đã mang thai gần 17 tuần.

Câu hỏi được dư luận đặt ra khá nhiều trong vụ việc này chính là vì sao đang có thai lại đi phẫu thuật thẩm mỹ? Phẫu thuật thẩm mỹ khi mang thai có được hay không? Và phẫu thuật thẩm mỹ khi mang thai sẽ gặp những biến chứng gì?

Trên các mạng xã hội, các trang web làm đẹp, BV thẩm mỹ chuyên nghiệp, không khó để tìm thấy các thắc mắc về việc làm đẹp khi đang mang thai của các chị em phụ nữ. Chẳng hạn: “Chào bác sĩ, em đang mang thai bốn tuần và một tháng nữa em làm đám cưới. Em muốn đi sửa mũi để trông đẹp hơn trong ngày cưới, em muốn hỏi liệu nâng mũi khi mang thai có được không, sửa nâng mũi thì phải tiêm thuốc tê và uống thuốc nên em cũng có ít nhiều lo lắng. Em sợ ảnh hưởng đến thai nhi, mong bác sĩ tư vấn giúp…”.

Hay: “Em đang ở Hàn Quốc, trước khi qua bên này công tác em đã nghĩ đến việc sẽ phẫu thuật nâng mũi luôn cho đẹp. Điều khiến em băn khoăn là em mới khám và biết mình có thai được gần hai tháng. Mà chỉ còn một tháng nữa là em phải về Việt Nam luôn rồi. Bác sĩ cho em hỏi nâng mũi khi mang thai có được không ạ…?

Một khách hàng khác cũng băn khoăn: “Đã tìm hiểu kỹ lưỡng và chuẩn bị đi phẫu thuật bấm mí thì em phát hiện mình mang bầu. Vậy xin bác sĩ cho em hỏi mang bầu có bấm mí mắt được không? Em chỉ sợ sau sinh bận rộn con cái lại không có thời gian thẩm mỹ”.

Thực tế, việc băn khoăn phẫu thuật thẩm mỹ khi đang mang thai trước nay đều được chị em đặt ra khá nhiều. Và những lời khuyên của các bác sĩ đều luôn cùng một quan điểm đó là “không nên phẫu thuật thẩm mỹ khi đang mang thai”.

Nhan nhản những thắc mắc của bà bầu xung quanh việc phẫu thuật thẩm mỹ trên các trang web. Ảnh: HP

Biến chứng gấp năm lần người bình thường

BS Huỳnh Văn Mạnh, Giám đốc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Hanali, Hội Phẫu thuật bàn tay TP.HCM, cho biết chưa nói đến phụ nữ mang thai, khi bất kể chị em phụ nữ bình thường nào muốn bước vào một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ cũng đều phải tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện như gan, thận, tim mạch, chức năng đông cầm máu, hô hấp,... Mỗi loại phẫu thuật ngực, má, môi, mắt sẽ có những chống chỉ định riêng, do đó bệnh nhân phải đảm bảo sức khỏe ổn định, bác sĩ mới đồng ý tiến hành phẫu thuật.

Riêng đối với phụ nữ mang thai, các bác sĩ càng chắc chắn không làm bất kỳ một phẫu thuật thẩm mỹ nào. bởi vì trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phải dùng các loại thuốc gây tê, gây mê cho người phẫu thuật. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến cả thai phụ và thai nhi, có thể dẫn tới những biến chứng khó lường trước được.

“Khi có thai, cơ thể phụ nữ có nhiều sự thay đổi và thường rất nhạy cảm với các loại thuốc.vì thế nếu tiêm các loại thuốc có liều lượng nhiều như gây tê, gây mê…, các biến chứng có thể dễ xảy ra gấp năm lần so với người bình thường. Với loại tai biến này, nếu có sự theo dõi hậu phẫu chu đáo có thể phát hiện sớm do ngực bệnh nhân bị căng, đau và bắt buộc phải được đưa vào phòng mổ kiểm tra để xử lý kịp thời” - BS Mạnh cho hay.

Đồng thời BS Mạnh cũng lưu ý các chị em phụ nữ sau khi nâng ngực không nên ngồi hoặc nằm tại chỗ lâu mà nên đi lại để hít thở giúp máu huyết dễ dàng lưu thông. Không vận động quá mạnh cũng như ăn uống, vệ sinh vết mổ đúng cách bác sĩ căn dặn.

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ thai phụ 22 tuổi tử vong sau khi nâng ngực

Sự việc xảy ra vào khoảng giữa tháng 4-2017, chị SBT đến BV đa khoa Vạn Hạnh (quận 10) để phẫu thuật đặt túi nâng ngực. Tuy nhiên, sau khi về nhà, chị T. xuất hiện dấu hiệu khó thở, tụt huyết áp… nên được người nhà đưa vào BV đa khoa khu vực Hóc Môn. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị bị nhiễm khuẩn hậu phẫu.

Đến ngày 25-4, chị T. được chuyển đến BV Nhân dân 115 theo dõi, điều trị và được chẩn đoán mang thai khoảng 16-17 tuần, bị tụt huyết áp, suy hô hấp, suy đa tạng phủ, không hồi phục phải thở máy, lọc máu… Đến ngày 4-5, chị T. rơi vào hôn mê, sau đó tử vong.

Ngày 8-8, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đến các BV liên quan niêm phong hồ sơ và tiến hành kiểm tra sự việc. Theo đó, bác sĩ chính thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho nạn nhân không được cấp phép nâng ngực.Ngày 9-8, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế gửi công văn yêu cầu Sở Y tế TP.HCM nhanh chóng kiểm tra, báo cáo lại Bộ trước ngày 16-8.

Quy định của Bộ Y tế về phẫu thuật thẩm mỹ

- Một số trường hợp không được chỉ định phẫu thuật nâng mũi: Người chưa đủ 18 tuổi; phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai hoặc kỳ kinh nguyệt; những người bị huyết áp cao; những người có thể trạng sức khỏe yếu.- Nâng ngực phải thực hiện trong phòng mổ đạt chuẩn y tế: Vô khuẩn, vô trùng, có hệ thống máy thở gây mê, hệ thống ôxy trung tâm, máy nén khí, máy hút, máy phá rung trong trường hợp ngừng tim... Vì thế, khi cần làm biện pháp phẫu thuật nên đến các BV, cơ sở uy tín, được cấp chứng chỉ hành nghề để tiến hành.

Tác giả: HÀ PHƯỢNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP