Giáo dục

Khát khao ly sữa học đường

Miền núi, tại các bản làng khó khăn, học sinh thường còi cọc vì suy dinh dưỡng. Ly sữa trong bữa ăn ở trường là mong ước, là khát khao với trẻ nhỏ ở những vùng cam khó ấy.

Mục tiêu cao đẹp

Điểm trường Ký Thì (Yên Cường, Bắc Mê, Hà Giang) nằm chót vót trên đỉnh núi. Những đứa trẻ ở chốn mù sương này đến lớp ngoài cặp sách còn mang theo cặp lồng cơm tướng đại. Cơm với muối trắng. Đó là nguồn dinh dưỡng duy nhất để những "búp trên cành" ở đây tồn tại.

Ký Thì có 58 hộ, 375 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 hộ thuộc diện cận nghèo còn lại là nghèo xơ xác. Điểm trường có 78 học sinh, từ mẫu giáo đến lớp 4. Thiếu chất nên bọn trẻ lít nhít, cọc còi như nhau. Gánh chữ lên non, nhưng bấy nay các thầy cô giáo ở Ký Thì lại cháy bỏng ao ước học sinh của mình được giống như miền xuôi, có bữa cơm để đủ no, có ly sữa để đủ chất.

Ao ước cháy bỏng ấy không phải của riêng các thầy cô giáo ở Ký Thì. Bất cứ đâu những mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước cũng cần, cũng thèm ly sữa để tăng cường thể trạng cũng như trí tuệ. Theo số liệu gần đây của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao, chiếm tới gần 25%.

Hình ảnh học sinh dùng bữa tại trường học Canada vào năm 1943 (nguồn: wikipedia)

Tăng cường thể trạng, cải thiện thể chất cho trẻ em, học sinh thời gian gần đây là yêu cầu cấp bách của toàn xã hội và chương trình sữa học đường trọn vẹn đáp ứng yêu cầu ấy.

"Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai", đó chính là mục tiêu của chương trình sữa học đường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016.

Cụ thể, sữa học đường bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các em thông qua khẩu phần ăn hàng ngày và hướng đến mục tiêu đáp ứng 90-95% nhu cầu năng lượng của trẻ vào năm 2020. 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

Hình ảnh học sinh dùng bữa tại trường học Nhật Bản (nguồn: internet)

Ngoài ra, chương trình sữa học đường sẽ cải thiện chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 – 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

“PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.

Theo bà Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày.

Bà Nhung khẳng định việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn của bữa ăn hàng ngày. Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm”.

Theo quyết định này, chương trình sữa học đường tại Việt Nam sẽ được tiến hành theo hình thức xã hội hóa, với sự tham gia đóng góp của 3 bên: Nhà nước, gia đình và doanh nghiệp hỗ trợ.

Sau 3 năm thực hiện, đến nay cả nước mới chỉ có được 10 tỉnh thành triển khai chương trình. Với ý nghĩa vô cùng nhân văn, chương trình đã mang lại lợi ích từ nhiều phía. Gia đình có thể hoàn toàn yên tâm khi con em mình được uống sữa tại lớp dưới sự giám sát, hướng dẫn cảu giáo viên. Thêm nữa, chi phí mua sữa chỉ bằng phần nửa ở ngoài, thậm chí thấp hơn. Đặc biệt, với con em gia đình chính sách, hộ nghèo sẽ được nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ 100% chi phí.

Hình ảnh cổ động cho Ngày hội sữa học đường thế giới tại Anh (được FAO và LHQ phát động từ năm 2000, được tổ chức vào thứ 4 cuối cùng của tháng 9 hàng năm)

Với những địa phương vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều khó khăn thì sữa học đường là động lực để học sinh đến lớp. Ở Ký Thì và nhiều điểm cam khó khác, các thầy cô giáo bảo, mùa giáp hạt, học sinh tới lớp giảm hẳn bởi phải vào rừng, xuống suối tìm cái ăn. Giữ chân học sinh, các thầy cô giáo phải vận động các nhà hảo tâm, thiện nguyện chia sẻ lương thực, thực phẩm. "Nếu tới lớp mà sữa uống thì sự nghiệp trồng người của chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn", nhiều thầy cô giáo đang làm nhiệm vụ trồng người ở vùng cao đã nói với phóng viên như vậy.

Cải thiện nguồn nhân lực Việt Nam

Cải thiện chế độ dinh dưỡng nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao thể lực, tầm vóc, trí tuệ của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, tiến tới cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, đó là mục tiêu cuối cùng mà sữa học đường hướng tới.

Theo số liệu công bố mới nhất, hiện tại, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam là 163,9cm đối với nam và 153,7cm đối với nữ. Con số này ở Thái Lan, quốc gia cùng khu vực là 170,3cm và 159cm. Quốc gia láng giềng Trung Quốc là 172,1cm và 160,1cm. Xa hơn, ở Mỹ con số này là 175,9cm và 162,1cm.

Các em học sinh Việt Nam hào hứng với ly sữa trên tay trong một buổi sinh hoạt tập thể

Để có được thể trạng như trên, tại các quốc gia trên, chương trình sữa học đường đã được triển khai từ rất sớm. Ở Thái Lan, chương trình đã được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985. Ở Nhật, ngay sau thế chiến lần thứ II, dù còn nhiều khó khăn nhưng sữa đã xuất hiện trong bữa ăn của học sinh. Ở Trung Quốc, từ năm 2000, học sinh đã được uống 2 hộp sữa mỗi ngày. Còn ở Mỹ, từ năm 1940 sữa đã trở thành khẩu phần không thể thiếu trong bữa ăn của học sinh ở một số bang và đến năm 1946 thì sữa học đường trở thành chương trình của quốc gia.

Bởi những mục tiêu và ý nghĩa cao đẹp, thiết thực trên nên ở Việt Nam và những quốc gia đang thực hiện chương trình sữa học đường, sản phẩm sữa đưa vào trường học được kiểm duyệt vô cùng chặt chẽ, sát sao. Sản phẩm sữa được nghiên cứu lâm sàng, không những đảm bảo những yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm mà quan trọng hơn, sản phẩm sữa phải bổ sung những vi chất đang bị thiếu hụt của trẻ em đang độ "tuổi ăn tuổi lớn".

Hà Nội hỗ trợ 1.290 tỷ đồng cho Chương trình Sữa học đường, đó là thông tin được các cơ quan chức năng thủ đô công bố tại buổi họp báo ngày 25/9/2018.

Chương trình Sữa học đường được Hà Nội thông qua ngày 5/7/2018. Đối tượng thụ hưởng chương trình sữa học đường là trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thủ đô. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng, doanh nghiệp hơn 890 triệu đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.

Chương trình sữa học đường sẽ được triển khai từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020 trên tinh thần tự nguyện tham gia của phụ huynh. Sở Giáo dục đã gửi văn bản đến Hiệu trưởng từng trường tiểu học mầm non thông báo về việc này.

Tác giả: Hoàng Yến

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP