Mái trong kênh chính Kẻ Gỗ đoạn k5+680 – k5+725 (bờ tả) bị sạt, trượt nghiêm trọng
Nặng nề nhất là tuyến kênh chính Kẻ Gỗ khi mái trong (lát tấm đan bằng bê tông) đoạn từ k5+680 – k5+725 (bờ tả) thuộc địa bàn xã Cẩm Duệ và k13+150 – k13+185 (bờ hữu) thuộc địa bàn xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) bị trượt, lún nặng với chiều dài hơn 80m.
Đoạn từ k5+680 – k5+725 (bờ tả) bị trượt, lún với chiều dài hơn 40m
Đoạn k13+150 – k13+185 (bờ hữu) bị trượt, lún với chiều dài gần 40m
Nếu như hiện tượng trượt, lún mái trong kênh chính đẩy các tấm bê tông rớt xuống lòng kênh thì tình trạng sạt lở mái ngoài (đất đắp) hai bờ kênh với tổng chiều dài gần 1.000m từ k14 – k17 đã khiến khoảng 16 ngàn khối đất trôi ra đồng, tràn vào các ao hồ lân cận. Sạt lở nghiêm trọng nhất là các đoạn từ k14+440 – k14+570 (bờ tả) thuộc địa bàn xã Cẩm Quang và đoạn từ k15+050 – k15+550 (bờ tả) thuộc địa bàn xã Cẩm Yên, trong đó có nhiều vị trí, đất đã “ăn” sâu vào mặt kênh.
Mái ngoài bờ tả đoạn từ k14+440 – k14+570 sạt lở gần 2.500m3 đất
Mái ngoài bở tả đoạn k15+050 – k15+550 sạt lở gần 10 ngàn m3 đất
Nguy hại hơn là các cung trượt mái kênh (có chiều sâu bình quân từ 1,5 – 2m, chiều rộng từ 3 – 5m kéo dài lên đến bờ mặt kênh) đang có chiều hướng phát triển dài thêm, sâu thêm nếu trời tiếp tục có mưa. Với tình trạng sạt lở lớn như hiện nay, kênh chính Kẻ Gỗ không chỉ mất ổn định mà còn tiềm ẩn nguy cơ vỡ do hai bờ đã ngấm nước lâu ngày.
Ngoài tuyến kênh chính, tình trạng sạt lở cục bộ còn diễn ra ở các tuyến kênh cấp 1 Kẻ Gỗ như: N1, N1-9, N1-20, N2, N3-3, N4, N5, N6, N7, N8, N9 với khối lượng từ vài chục đến hàng ngàn khối đất…
Kênh không chỉ mất ổn định…
… mà còn tiềm ẩn nguy cơ vỡ khi đất đã lở sâu vào thân kênh, thu hẹp mặt kênh
Ông Phạm Đăng Nhật – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho hay, khoảng hơn 2 tháng nữa, hệ thống kênh Kẻ Gỗ sẽ phải đảm nhiệm tưới cho khoảng 20 ngàn ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vụ xuân 2014 cho hàng chục vạn hộ dân ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh. Nhận thức tầm quan trọng của nguồn nước Kẻ Gỗ đối với gần phân nửa diện tích nông nghiệp tỉnh nhà, sau khi kết thúc đợt mưa hoàn lưu bão số 11, Công ty đã huy động hàng trăm CBCNV ra quân đào đắp, tu sửa các tuyến có tính chất kỹ thuật không quá phức tạp.
Riêng tuyến kênh chính, muốn xử lý nhanh phải có nguồn kinh phí không ít (khoảng 4,5 tỷ đồng), nhất là cần khối lượng đất đắp cực lớn (hơn 13 ngàn m3) nên đơn vị đề nghị UBND tỉnh sớm cho chủ trương khắc phục sự cố, đồng thời chỉ đạo quyết liệt để UBND huyện Cẩm Xuyên và các xã có những vị trí kênh hư hỏng cho phép Công ty sử dụng đất hai bên tuyến kênh nhằm giảm cả về chi phí tu sửa lẫn rút ngắn thời gian vận chuyển.
Hải Xuân – Thanh Hoài
Báo Hà Tĩnh