Kinh tế

Khai thác thủy sản xa bờ ở 4 tỉnh miền Trung đã khôi phục được 80%

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho biết, sau một năm xảy ra sự cố môi trường Formosa ở miền Trung, các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, môi trường biển đã phục hồi và khai thác, nuôi trồng, chế biến đã trở lại gần như bình thường, tuy nhiên tầng đáy thì chưa được phép khai thác.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, ông vừa đi kiểm tra ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế về thì thấy rằng khai thác thủy sản người dân đã khôi phục, nhất là khai thác xa bờ đã khôi phục được 70-80%, còn khai thác gần bờ có kém hơn một chút và khai thác ở tầng đáy hiện nay chưa cho khai thác mà chủ yếu khai thác cá tầng nổi.

“Đây là điều rất đáng mừng. Những sản phẩm người dân khai thác được rất tươi ngon và khai thác đến đâu có thể tiêu thụ hết đến đó. Nhất là trong tháng 3 vừa rồi, đây là mùa khai thác có thể nói rất thành công. Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Trị có một ngư dân khai thác một mẻ lưới được trên 150 tấn, nó đã tác động rất mạnh đến niềm tin của ngư dân trong việc khôi phục”, ông Tám chia sẻ.

Những sản phẩm ngư dân Hà Tĩnh khai thác được tiêu thụ mạnh.

Về chế biến, hiện nay sản phẩm tồn kho đã được phân loại và những sản phẩm không đảm bảo an toàn đã tiêu hủy. Những sản phẩm an toàn đã từng bước được tiêu thụ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định hải sản ở tầng đáy sẽ tiếp tục chưa cho khai thác đến hết 6 tháng đầu năm và hiện nay Bộ đang điều lực lượng kiểm ngư của Trung ương vào để giúp các địa phương hướng dẫn và khuyến cáo ngư dân không khai thác cá tầng đáy. Người tiêu dùng hãy yên tâm hoàn toàn đối với hải sản Việt Nam. Việc không khai thác cá tầng đáy cũng giúp cho các rạn san hô cũng như hệ sinh thái biển từng bước được phục hồi.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, khó khăn nhất hiện nay là phục hồi hệ sinh thái đáy biển. Vì vậy vấn đề đặt ra là ngư dân ở 4 tỉnh phải có việc làm ổn định và họ trở lại biển một cách bình thường và sinh nhai được bằng chính nghề lao động trên biển. Thứ hai là phải phục hồi được các hệ sinh thái để phục hồi nguồn lợi thủy sản. Đây là giải pháp rất quan trọng để phát triển bền vững ngành Thủy sản nói chung, trong đó là đảm bảo sự ổn định đời sống bền vững cho người dân.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Chính phủ sẽ giao cho các bộ triển khai 2 dự án quan trọng. Thứ nhất là dự án xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường biển để không phải chỉ có khu vực Formosa Hà Tĩnh, mà tất cả 4 tỉnh ven biển đều có hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường biển. Thứ hai là dự án về khôi phục và tái tạo các hệ sinh thái ở 4 tỉnh ven biển cũng như khôi phục nguồn lợi thủy sản cho 4 tỉnh.

Trước đó, tại cuộc họp lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp UBND 4 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ cho đến khi có kết luận chính thức của Bộ Y tế về hải sản tầng đáy đã đảm bảo an toàn thực phẩm và nguồn lợi hải sản tầng đáy đã cơ bản phục hồi.

UBND 4 tỉnh tiếp tục triển khai theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Bắc miền Trung; trong đó tuyên truyền, khuyến cáo, giám sát ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy để khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an toàn thực phẩm, làm yên lòng người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao các bộ: Y tế, Tài nguyên – Môi trường, Khoa học – Công nghệ, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo dõi môi trường nước biển, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác ở biển miền Trung và công khai thông tin. Bộ Tài nguyên – Môi trường có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ Formosa hoàn thành tiến độ khắc phục sự cố và tuân thủ pháp luật.

Tác giả: Diệp Linh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP