Trong nước

Khắc phục hồ sơ, sổ hộ tịch bị mất, hư hỏng do lũ lụt ở 5 tỉnh miền Trung

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) hướng dẫn 5 tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam khắc phục thiệt hại về hồ sơ, sổ hộ tịch của người dân bị hư hỏng sau lũ lụt.

Thông tin từ Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, trong đợt lũ lụt lịch sử năm 2020, trên địa bàn một số tỉnh miền Trung đã bị ngập lụt nặng nề, gây thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức và công dân, trong đó có nhiều nơi bị thiệt hại, hư hỏng lớn sổ, hồ sơ hộ tịch.

Nhằm khắc phục thiệt hại hồ sơ, sổ hộ tịch, kịp thời phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có Công văn số 377/HTQTCT-HT gửi Sở Tư pháp các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam hướng dẫn báo cáo UBND tỉnh cho triển khai thực hiện một số giải pháp khắc phục.

Giấy chứng nhận kết hôn (Ảnh minh họa).


Đối với sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai tử là các việc hộ tịch quan trọng, có ý nghĩa lớn với công dân mà bị mất, hư hỏng thì Sở Tư pháp xử lý theo 4 hướng.

Thứ nhất, trường hợp sổ tại UBND cấp xã bị mất, hư hỏng mà UBND cấp huyện (Phòng Tư pháp) còn lưu trữ được thì đề nghị UBND cấp huyện chụp (photocopy) lại, đóng dấu giáp lai các trang của sổ, ký, đóng dấu xác nhận tại trang cuối của sổ về việc chụp sổ hộ tịch, chuyển cho UBND xã để sử dụng.

Thứ hai, trường hợp sổ lưu trữ tại UBND cấp huyện cũng bị mất, hư hỏng, không còn sử dụng được, nhưng dữ liệu hộ tịch tương ứng đã được số hóa, lưu trữ trên phần mềm, thì cho phép UBND cấp huyện in các trang sổ hộ tịch tương ứng từ phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, đóng thành quyển theo năm, đóng dấu giáp lai các trang sổ và xác nhận tại trang cuối của sổ, chuyển cho UBND xã để sử dụng.

Thứ ba, trường hợp cả 2 phương án nêu trên đều không thể thực hiện được, Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã cung cấp các thông tin liên quan đến sự kiện hộ tịch (sinh, kết hôn, tử) từ tàng thư hộ khẩu, tàng thư căn cước công dân cho cơ quan đăng ký hộ tịch sử dụng để làm cơ sở xác định nội dung khi công dân có yêu cầu đăng ký lại hộ tịch (đối với các trường hợp khai sinh, khai tử, kết hôn đã đăng ký trước ngày 01/01/2016).

Thứ tư, đối với các trường hợp sinh, kết hôn, tử đã đăng ký sau ngày 01/01/2016 mà công dân có yêu cầu đăng ký lại khai sinh, khai tử, kết hôn (do mất Sổ và không còn bản chính giấy tờ hộ tịch) thì Sở Tư pháp chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch tổng hợp lại số liệu và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) để Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ có biện pháp giải quyết.

Ngoài ra, trường hợp biểu mẫu sổ, giấy tờ hộ tịch chưa sử dụng mà bị hư hỏng, mất, Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo các xã, huyện thống kê cụ thể số lượng, báo cáo đề xuất UBND cấp tỉnh có phương án hỗ trợ, không để thiếu biểu mẫu hộ tịch, làm kéo dài thời gian giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch của người dân.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP