Vừa qua, trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) đã đưa hiện tượng "Khá bảnh" vào đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn khối 11.
Theo đó, câu 1 phần Nghị luận xã hội cho ngữ liệu như sau:
Xuất hiện trên mạng xã hội cách đây khá lâu, Ngô Bá Khá (hay còn gọi là Khá “bảnh”, SN 1993, quê Bắc Ninh) nổi tiếng với điệu nhảy “múa quạt” còn được dân mạng gọi với cái tên “VinaHey”.
Sau đó, Khá “bảnh” được biết đến nhiều hơn với những clip hướng dẫn “quẩy” trong bar, livestream nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc, thậm chí là làm phim ngắn về “tình nghĩa giang hồ”.
Mới đây nhất, tên giang hồ này cùng nhóm bạn thản nhiên dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.
Dù được biết đến với đời tư bất hảo và nhiều tai tiếng nhưng điều khó hiểu là Khá “bảnh” lại có một lượng “fan” hâm mộ rất hùng hậu.
Trang facebook của thanh niên này có hơn 600.000 lượt theo dõi, kênh Youtube cá nhân cũng có gần 2 triệu lượt đăng ký, con số khiến nhiều nghệ sỹ chân chính phải “chào thua”.
Mỗi clip của Khá “bảnh” đều thu hút tới hàng trăm nghìn đến cả chục triệu lượt xem với rất nhiều lượt tương tác, bình luận.
Không chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội, gần đấy nhất, trong một vài hình ảnh đang lan truyền mạnh mẽ, Khá “bảnh” được học sinh, người lớn vây kín xin chụp ảnh, chữ ký và đón tiếp như một ngôi sao khi xuất hiện gần một trường THPT ở TP Yên Bái.
(Theo Trương Huyền VTC News)
Từ ngữ liệu, đề văn yêu cầu học sinh viết một bài văn khoảng 400 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về hiện tượng được đề cập đến trong bài viết.
Hiện tượng "Khá bảnh" vào đề thi Ngữ văn ở Hải Phòng. (Ảnh: Phan Thế Hoài) |
Nhận xét về đề thi, nhiều giáo viên cho rằng, câu Nghị luận xã hội đề cập đến một hiện tượng đời sống - nhân vật Khá "bảnh" đang rất thời sự được Facebook và truyền thông liên tục nhắc đến.
Tuy nhiên, với một đề thi học sinh giỏi thì cách đưa hiện tượng Khá "bảnh" để yêu cầu bàn luận là điều không nên làm. Thầy Nguyễn Việt Đức, giảng dạy môn Ngữ văn tại Quận 10 TP.HCM chia sẻ: "Những hiện tượng tiêu cực này không nên đưa vào đề thi. Muốn giáo dục học sinh, người lớn hãy lấy những sự việc tốt để làm gương cho các em noi theo".
Khá "bảnh" được chào đón như thần tượng khi xuất hiện ở Yên Bái. |
Cùng quan điểm, cô L.T.H. ở Trường THPT TX, Thanh Hóa cho biết: "Lấy cái phản giáo giáo dục vào đề thi học sinh giỏi thì không khác gì cổ động cho học sinh hướng đến cái xấu".
Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, hệ thống giáo dục Học Mãi nhận xét: "Đề thi muốn hướng tới sự phản biện, nhưng đây là con dao hai lưỡi, học sinh hoàn toàn có thể bênh vực hiện tượng này".
"Nói chung, tôi không thích những nhân vật như thế này vào đề thi", TS Tuyết nhấn mạnh.
Tác giả: PHAN THẾ HOÀI
Nguồn tin: Báo VTC News