Đền ơn - Đáp nghĩa

Hy hữu vụ tranh chấp mộ liệt sỹ ở Kỳ Anh

Về ngôi mộ tranh chấp

Đã hơn 6 năm nay, 2 gia đình liệt sỹ xẩy ra tranh chấp một… ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ huyện Kỳ Anh. Mặc dù, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết nhưng đều không có kết quả. Đây là vấn đề nhạy cảm, và trong khi cơ quan chức năng ở huyện cho rằng, chứng cứ do 2 gia đình đưa ra đều chưa có đủ cơ sở thì xem ra việc giải quyết vụ tranh chấp hy hữu này đã vượt quá khả năng của địa phương…

Đó là ngôi mộ liệt sỹ số 7 (lô số 1) ở Nghĩa trang liệt sỹ huyện Kỳ Anh. Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh, trong đơn trình bày ngày 18/4/2012 của ông Hoàng Văn Hoan – cháu ruột liệt sỹ Hoàng Thị Minh (xã Tân Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì liệt sỹ Minh hy sinh ngày 6/4/1966 tại xã Kỳ Lâm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Năm 1978, gia đình nhận được thông tin, hài cốt của liệt sỹ đã được đưa vào Nghĩa trang liệt sỹ huyện Kỳ Anh; trên mộ có khắc dòng chữ liệt sỹ vô danh và gia đình yên tâm thờ phụng ngôi mộ đó.

Tại buổi làm việc ngày 28/11/2012, gia đình liệt sỹ Hoàng Thị Minh cho biết thêm: từ năm 1997-2007, gia đình đã vào thắp hương và bằng phương pháp tâm linh đã cho rằng, ngôi mộ số 7 hàng thứ nhất là của liệt sỹ Hoàng Thị Minh. Đến năm 2008 lại thấy bia đề tên liệt sỹ Lê Đức Lợi dán chồng lên bia liệt sỹ vô danh.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh, theo ông Lê Hồng Đức – thân nhân liệt sỹ Lê Đức Lợi (xã Kỳ Sơn, Kỳ Anh) thì liệt sỹ Lợi hy sinh năm 1981 tại Campuchia, được em trai là ông Lê Viết Thắng (hiện công tác ở TP Hồ Chí Minh) và người thân đưa từ Nghĩa trang Mũi Nai – Hà Tiên (Kiên Giang) về quy tập tại ngôi mộ số 7, lô số 1 Nghĩa trang liệt sỹ huyện Kỳ Anh. Khi an táng, hài cốt còn sọ dừa, răng cửa bị gãy 1 chiếc (lúc còn nhỏ) và gia đình khẳng định ngôi mộ trên là của liệt sỹ Lê Đức Lợi.

Khó khăn trong giải quyết vụ việc

Ông Nguyễn Văn Hảo – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh cho biết: Trước các thông tin trên, huyện đã tiến hành kiểm tra việc lưu trữ hồ sơ lưu danh sách mộ nghĩa trang liệt sỹ huyện (lập xong ngày 30/12/1981) có ghi ngôi mộ số 7 là mộ chưa có hài cốt, sau đó, bị gạch ngang và ghi lại là liệt sỹ Lê Đức Lợi được quy tập vào nghĩa trang; theo danh sách trích ngang quản lý mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Kỳ Anh (lập ngày 4/5/2000 và ngày 5/1/2002) thì ngôi mộ số 7 được mang tên liệt sỹ Lê Đức Lợi. Qua xác minh các thông tin từ những người trực tiếp an táng hài cốt liệt sỹ Lê Đức Lợi, thì khi đưa vào Nghĩa trang liệt sỹ huyện Kỳ Anh, ngôi mộ số 7, lô số 1 lúc đó chưa có hài cốt, được Phòng LĐ-TB&XH huyện chỉ chỗ an táng.

Ngày 18/8/2013, huyện Kỳ Anh đã tổ chức cuộc họp gồm: đại diện lãnh đạo và phòng chuyên môn Sở LĐ-TB&XH, huyện Kỳ Anh, đại diện thân nhân gia đình 2 liệt sỹ để giải quyết, nhưng không có kết quả.

Cũng tại cuộc họp này, ông Lê Viết Thắng, em trai liệt sỹ Lê Đức Lợi khẳng định: Năm 1988, ông Thắng trực tiếp liên hệ Phòng LĐ-TB&XH huyện xin đưa hài cốt liệt sỹ Lê Đức Lợi về và được chấp thuận cấp ngôi mộ số 7, hàng thứ nhất. Lúc an táng, do trên bia đã ghi sẵn mộ vô danh nên đã gia trát kín dòng chữ này và viết tên liệt sỹ Lê Đức Lợi.

Sau cuộc họp này, Sở LĐ-TB&XH đã có các văn bản gửi đến các cơ quan ở tỉnh Kiên Giang thẩm tra, xác minh, nhưng đều nhận được câu trả lời: liệt sỹ Lê Đức Lợi chưa được quy tập về Kiên Giang.

Tiếp đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh có công văn đề nghị UBND huyện Kỳ Anh xác định thông tin liệt sỹ. Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh, khi làm việc và trao đổi với thân nhân liệt sỹ Lê Đức Lợi để bàn cách giải quyết nhưng đều bị khước từ và nhất quyết khẳng định đó là mộ của liệt sỹ Lê Đức Lợi.

Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh – Nguyễn Văn Hảo, trước tình hình giải quyết vụ việc gặp nhiều khó khăn, vượt quá thẩm quyền của địa phương, huyện phải “cầu cứu” các cơ quan chức năng cấp tỉnh. “Lời giải” được đưa ra là: chỉ có xét nghiệm ADN mới đủ cơ sở pháp lý giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, giải pháp này lại chưa nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của các bên liên quan.

P.V

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP