Để có tiền trả nợ, UBND xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã lập một danh sách khống cho cán bộ xã đứng tên rút hơn 1,3 tỷ đồng tiền đền bù đất tái định cư.
Sau khi báo đăng tải đã nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ của người dân xã Kỳ Thượng nói riêng và huyện Kỳ Anh nói chung. Đặc biệt, nhiều người dân sống tại các xã nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng như: Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương… sau khi đọc báo đã liên lạc với báo Tầm nhìn phản ánh việc trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng cho hàng ngàn hộ dân phục vụ siêu dự án Pormosa Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh và chính quyền các xã có nhiều việc làm khuất tất, không minh bạch thậm chí có dấu hiệu lập khống hồ sơ khiến ngân sách Nhà nước thiệt hại nhiều tỉ đồng. Lần theo những thông tin mà những người dân có trách nhiệm cung cấp, nhóm PV báo Tầm nhìn đã xâm nhập thực tế điều tra. |
Biết sai nhưng phải làm để lấy tiền trả nợ!
Theo phản ánh của người dân xã Kỳ Nam, trong quá trình kiểm đếm đo đạc lập hồ sơ đất tái định cư, UBND xã Kỳ Nam đã lập rất nhiều hồ sơ khống để nhận tiền đền bù không đúng quy định gây bức xúc trong nhân dân.
Để xác tín những vấn đề mà người dân phản ánh, ngày 26/4/2015, PV Tầm nhìn đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam.
Khu vực đất TĐC tại thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam – nơi các cán bộ xã đứng tên để nhận tiền đền bù về trả nợ. |
Tại buổi làm việc ông Vin đã thừa nhận những gì người dân phản ánh là có cơ sở.
Ông Vin giải thích: “Từ năm 1999, có một số hộ dân ở các xã khác vào địa bàn xã Kỳ Nam đăng ký mua đất. Mặc dù, chưa có đất để bán nhưng lãnh đạo xã thời kỳ đó đã thu tiền mỗi hộ dân mua đất từ 2 triệu – 5 triệu đồng. Số tiền mà người dân đóng để mua đất đó UBND xã cũng đã sử dụng vào việc xây dựng cơ sở hạ tậng như trường mầm non, mua sắm bàn ghế…
Đến khoảng năm 2010 – 2011, một số hộ dân khác tiếp tục nộp tiền vào ngân sách xã để được mua đất ở thôn Minh Huệ, nhưng do có thông báo đất ở khu vực này sẽ thu hồi làm Khu TĐC nên chưa thể có đất để bàn giao cho các hộ dân đã nộp tiền để mua.
Chờ đợi trong một thời gian dài nhưng xã không có đất giao khiến người dân bức xúc, yêu cầu lãnh đạo xã trả tiền lại nhưng xã lại không có tiền để trả. Cho nên, khi các đơn vị về thi công san lấp mặt bằng tái định cư, các hộ dân này đã ra ngăn cản thi công và yêu cầu xã trả lại tiền họ đã nộp cho xã để mua đất trước đây.
Trước tình hình đó, UBND xã đã họp bàn và đi đến thống nhất là lập hồ sơ khống của 11 hộ dân do các cán bộ trong xã đứng tên có đất ở thôn Minh Huệ bị thu hồi để nhận đền bù lấy tiền trả nợ…”.
Ông Vin cho rằng: “Vì số nợ từ các đời chủ tịch xã trước đây để lại cho nên bắt buộc chúng tôi phải lập hồ sơ như vậy, biết là làm như vậy là sai nhưng không có cách nào khác. Trong khi các hộ dân đặt tiền mua đất thì số tiền đó đã sử dụng đi rồi xã lại không có nguồn nào để trả. Hơn nữa, không có tiền trả thì họ ngăn cản không cho thi công vì vậy bắt buộc xã phải làm vậy thôi…”
Ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho rằng: “Vì số nợ tiền mua đất của các hộ dân từ đời chủ tịch này qua đời chủ tịch khác để lại nên chúng tôi buộc phải lập khống hồ sơ cho cán bộ xã đứng tên để lấy tiền trả nợ”. |
Sự việc trên bị vỡ lỡ khi người dân phát giác và tố cáo cán bộ xã đứng tên trong danh sách khống để rút tiền và được hưởng % trong đó.
Chính điều này ông Vin cũng thừa nhận: “Các cán bộ xã đã đứng tên trong danh sách 11 hồ sơ bị thu hồi đất ở thôn Minh Huệ năm 2012 để phục vụ xây dựng Khu TĐC xã Kỳ Lợi, mỗi người đứng tên được trích 5% số tiền đền bù cho hộ dân mình đứng tên. Tổng số tiền được trích % trong tổng số tiền bồi thường đó được 56 triệu đồng, sau khi người dân tố cáo UBND huyện đề nghị trả lại vì cán bộ không được nhận % nên chúng tôi đã cho thu và nộp vào ngân sách.”
Được sự đồng ý mới dám làm
Việc làm trên cũng được ông Nguyễn Văn Thử – Chủ tịch Mặt trận xã Kỳ Nam khẳng định: “Việc lập hồ sơ khống như vậy là sai. Nhưng vì theo quy định, các hộ dân phải có hộ khẩu trên địa bàn xã mới được đứng tên trong danh sách nhận tiền bồi thường. Do các hộ dân mua đất trước đây là người địa phương khác nên không đủ điều kiện vì vậy các cán bộ xã phải đứng tên thay”.
Bảng dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án: Xây dựng khu TĐC thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam |
Trong thông báo của Đảng ủy xã Kỳ Nam do ông Lê Minh Hồng – Bí thư Đảng ủy xã ký cũng đã nêu: “…để có vốn xây dựng Ban thường vụ thống nhất cho UBND xã cử một số đồng chí cán bộ, Đảng viên trong cơ quan đứng tên nhận bồi thường diện tích đất tập thể và 11 lô đất tuyến 2 ở khu vực 327 (Minh Huệ)…?!”
Ông Vin cho biết thêm: “Trong đó, tổng số tiền đã trích % lại cho các cán bộ đứng tên hơn 56 triệu đồng. Còn lại, chi trả lại tiền cho một số hộ dân đã mua đất trước đó nhưng chưa được giao đất, tính cả tiền gốc và tiền lãi. Số tiền dư lại gần 400 triệu đã đưa vào ngân sách của xã để chi các khoản giao thông nội đồng, hội quán thôn, tu sửa khuôn viên trạm y tế xã”.
“Nói thật, trong chuyện này nếu như không được sự nhất trí của những người đứng đầu HĐBT huyện thì xã có “gan trời” cũng không dám làm”, ông Vin tiết lộ.
(Còn tiếp)
Đặng Sơn – Hà Vũ – Long Đậu