Cẩm Xuyên

Huyện Cẩm Xuyên nói gì về vụ sổ đỏ cả xã có diện tích giống nhau?

Hàng trăm giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của người dân xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị làm cào bằng diện tích đất ở. Tuy nhiên, đây không chỉ là tình trạng chung của riêng địa phương này mà sổ đỏ của hầu hết các xã của huyện Cẩm Xuyên cũng bị làm theo cách tương tự.

  >> Cẩm Xuyên: “Kỳ lạ” sổ đỏ ở một xã đều có diện tích… giống nhau

Báo đã có bài viết “Kỳ lạ sổ đỏ của một xã có diện tích…giống nhau” phản ánh hàng trăm sổ đỏ của người dân xã Cẩm Vịnh bị làm “cào bằng” 300 m2 diện tích đất ở.

Bìa đỏ của hầu hết người dân xã Cẩm Vịnh được cấp “cào bằng” 300 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Theo đó, dù diện tích đất là khác nhau nhưng hầu hết giấy CNQSDĐ đất của cả xã đều được cấp 300 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Ngay sau khi được cấp giấy, nếu người dân nào có nguồn gốc đất trước năm 1980 có nhu cầu muốn công nhận thêm đất ở thì nộp lại giấy cũ, đồng thời phải làm thủ tục, hồ sơ để cấp đổi lại giấy mới, thay thế cho giấy cũ vừa được cấp.

Điều đáng nói là các giấy CNQSDĐ của người dân trong xã chỉ vừa mới được đo đạc cấp lại từ năm 2011 trở lại đây. Nhiều bìa chỉ mới đến tay người dân trong năm 2014, 2015, thậm chí có nhiều bìa còn chưa đến tay người dân cũng phải cấp đổi lại.

Trao đổi với PV, ông Đặng Quốc Thành, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Cẩm Xuyên cho biết, dự án đo đạc bản đồ chính quy và cấp giấy CNQSDĐ đồng loạt được thực hiện ở cả 25 xã của huyện Cẩm Xuyên. Việc thực hiện làm theo văn bản hướng dẫn 1244/STNMT-DKTK về việc “Công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng thửa đất có vườn ao gắn liền với đất ở trước ngày 18.12.1980” của Sở TN&MT Hà Tĩnh.

Ônng Thành cho rằng, việc xã Cẩm Vịnh cấp “cào bằng” 300 m2 đất ở như Tầm Nhìn đã phản ánh nếu như căn cứ vào hồ sơ pháp lý là đúng. Vì việc cấp giấy căn cứ vào nhu cầu của người dân, thể hiện ở đơn xin cấp giấy và đơn xin công nhận thêm đất ở của người dân. Thứ hai nữa là căn cứ vào Quyết định 22/2006/QĐ-UBND ngày 10.4.2006 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo quyết định 22 này thì hạn mức đất ở đối với vùng đồng bằng là 300 m2 đất ở, vùng trung du miền núi là 400 m2 đất ở…

Cũng theo ông Thành, việc cấp cào bằng diện tích đất ở như trên không chỉ xảy ra ở xã Cẩm Vịnh mà hầu hết 25 xã của huyện Cẩm Xuyên, thậm chí trên địa bàn cả tỉnh cũng trong tình trạng tương tự.

Ông Thành cho biết, thời điểm thực hiện việc cấp giấy CNQSDĐ đồng loạt, việc xác định nguồn gốc đất đai trước ngày 18.12.1980 là rất khó khăn và cần nhiều thời gian. Lý do là hầu hết người dân không còn đầy đủ giấy tờ xác định nguồn gốc đất theo quy định. Chính vì vây, việc xác định cần nhiều thời gian và nếu cấp sai cho người dân thì sau này sẽ để lại hậu quả lớn. Trong khi đó áp lực thực hiện dự án cùng với công tác tuyên truyền còn hạn chế khiến các địa phương đã cấp bìa đỏ cho người dân theo biện pháp…”cào bằng”.

 Ông Đặng Quốc Thành, giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Cẩm Xuyên

Theo ông Thành, hiện nay việc cấp đổi lại bìa cho những ai có nhu cầu công nhận thêm đất ở đối với nguồn gốc đất trước 1980 là để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Điều quan trọng là thực hiện các biện pháp nhằm minh bạch, công khai các thủ tục giấy tờ, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân khi làm hồ sơ cấp đổi lại, tăng cường tuyên truyền cho người dân biết để thực hiện quyền lợi của mình. Đồng thời, ông Thành mong Sở TN&MT ra văn bản hướng dẫn mới phù hợp với luật đất đai 2013 để các địa phương có cơ sở thực hiện.

Trao đổi về vấn đề cấp “cào bằng” diện tích đất ở như trên, ông Trần Mạnh Hùng, nhân viên địa chính xã Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, xã Cẩm Hưng trước đây cũng cấp đồng loạt 300 m2 đất ở. Hiện nay xã này cũng đã và đang cấp đổi lại cho người dân.

Theo ông Hùng, thời điểm đó xã nào làm chậm là bị kiểm điểm, vì tại sao xã khác làm nhanh được mà xã mình không làm được. Tuy nhiên, việc cấp giấy CNQSDĐ một cách đồng loạt như trên dẫn đến việc ngay sau đó phải cấp đổi lại, vừa gây phiền hà, tốn kém, mất thời gian của người dân khi đi làm lại, mà cán bộ xã cùng phải vất vả làm thủ tục hồ sơ.

“Tưởng nhanh mà hóa chậm”, ông Hùng chia sẻ.

 Văn bản hướng dẫn 1244/STNMT-DKTK ngày 20.6.2011 về việc Công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng thửa đất có vườn ao gắn liền với đất ở trước ngày 18.12.1980.

Trao đổi về vụ việc này, ông Nguyễn Cao Sâm, trưởng phòng Đăng ký thống kê đất đai Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết đã tiếp nhận được thông tin từ báo chí. Theo ông, quan điểm của tỉnh là không vì tiến độ dự án mà bỏ qua các khâu để dẫn đến sai sót, mà quá trình thực hiện vẫn phải đảm bảo chất lượng.

“Sở TN&MT Hà Tĩnh sẽ kiểm tra và có thông tin trả lời chính thức về vụ việc này”, ông Sâm cho biết.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc

Mai Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP