Ông Nguyễn Thành Đồng.
PV: Được biết, Hương Sơn là huyện có điểm xuất phát thấp, địa hình phức tạp, thế nhưng huyện đã có những bước đi, cách làm khá hiệu quả trong xây dựng NTM?
Ông Nguyễn Thành Đồng: Thành quả lớn nhất mà Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở huyện chúng tôi đã làm được là thay đổi ý thức của người dân. Trước đây hầu hết người dân đều nghĩ rằng nông thôn mới (NTM) là dự án sẽ được đầu tư, hỗ trợ. Nhưng bây giờ nhận thức của nhân dân về NTM đã đổi khác vì thế hành động của họ cũng thay đổi theo.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã hiểu được rằng NTM là việc của dân, do dân thực hiện, giám sát và người đầu tiên hưởng lợi chính là nhân dân. Vì thế quan niệm trông chờ, ỷ lại đã được thay thế bằng việc chủ động thực hiện, tự nguyện hiến đất, hiến cây, đóng góp để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa…
Nhờ nỗ lực thực hiện các tiêu chí NTM, trong đó chú trọng phát triển kinh tế với trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình kinh tế, năm 2015 huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng 16,16%, đạt 5.883 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,61%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,94% chỉ còn 6,44%. Năm 2015 đã làm mới được 528 mô hình sản xuất kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, nâng tổng số mô hình toàn huyện lên 1.831.
Đến nay, Hương Sơn đã có 5/30 xã về đích NTM gồm Sơn Châu, Sơn Kim 1, Sơn Phú, Sơn Bằng, Sơn Tây. Trong đó, Sơn Kim 1 là xã biên giới, miền núi đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM. Năm nay có 3 xã đang phấn đấu về đích gồm Sơn Kim 2, Sơn Quang, Sơn Trung. Không có xã nào dưới 8 tiêu chí.
Vai trò của MTTQ được thể hiện như thế nào thông qua quá trình xây dựng NTM, thưa ông?
– Như tôi đã nói, kết quả lớn nhất mà huyện Hương Sơn đã đạt được là làm thay đổi nhận thức của nhân dân, trong đó Mặt trận và các tổ chức thành viên đóng vai trò chủ chốt trong việc tuyên truyền, vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM. Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, Mặt trận đã góp phần làm cho người dân hiểu rằng NTM là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”.
Trong tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa thể hiện vai trò của Mặt trận rất lớn, điều đó được cụ thể hóa trong việc xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa. Để đạt danh hiệu làng văn hóa, khu dân cư văn hóa thì yêu cầu phải đạt chỉ tiêu cả về kinh tế, quy ước, hương ước, tỷ lệ hộ nghèo…Đến nay Hương Sơn đã có 140/272 thôn, khối phố văn hóa (đạt 52%).
Ngoài ra, vai trò của Mặt trận được thể hiện khá rõ nét thông qua chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện phong trào Toàn dân tham gia vệ sinh môi trường vào ngày chủ nhật hàng tuần. Bắt đầu từ ngày 23/8/2015 tiến hành đồng loạt trên toàn huyện. Từ đó đến nay, cứ đến thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần, tất cả các thôn, khối phố đều triển khai phong trào này giống như một ngày hội, kết quả đạt được rất khả quan, góp phần tích cực xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Bên cạnh những thuận lợi thì Hương Sơn có gặp những khó khăn gì thưa ông?
– Hương Sơn có diện tích rộng, địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, điểm xuất phát thấp nên việc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là do địa hình rộng nên xây dựng cơ bản tốn kinh phí.
Mặt khác, trong tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu (tiêu chí riêng của Hà Tĩnh) thì việc quy định phải có 70% hàng rào được “xanh hóa” bằng cây xanh rất khó thực hiện. Bởi thực tế hàng rào bằng cây xanh tốn nhiều diện tích hơn tường bê tông và không được kín.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hạnh Nguyên – Bắc Vũ