Hương Khê

Hương Khê: Hàng nghìn người mạo hiểm qua cầu phao mỗi ngày

Là vùng rốn lũ của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, xã Phương Mỹ có 8 xóm với hơn 2.000 nhân khẩu. Con sông Ngàn Sâu chạy dọc chia cắt mỗi bên 4 xóm. Để đến được chợ Hôm phía tây thì người dân 4 xóm và các vùng lân cận như Phúc Đồng, Hà Linh, Phương Điền buộc phải vượt sông Ngàn Sâu, không còn đường nào khác. Học sinh của 4 xóm phía tây cũng phải hàng ngày qua sông đi học vì trường nằm phía đông của xã.

Mặt cầu được ghép từ những mảnh gỗ lâu năm đã nứt, chằng néo bằng dây thép, chiếc cầu bồng bềnh bắc qua sông Ngàn Sâu là con đường đi học, đi chợ hàng ngày người dân xã Phương Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Trước kia, người dân và học sinh dùng thuyền qua sông. Năm 2007, chính quyền xã làm tạm chiếc cầu phao để mọi người qua lại dễ dàng hơn. Cầu dài hơn 120 m, bề ngang tính cả phao hai bên là 2 mét, riêng diện tích đi lại thì khoảng một mét. Phao cầu được tận dụng từ những phuy nhựa đựng hóa chất có độ bền 3-4 tháng. Toàn thân cầu được giằng bởi những dây thừng và dây thép. Hàng ngày có khoảng 700-1.000 lượt người lưu thông qua cây cầu này.

cp-7659-1410326604.jpg

Hàng ngày có 700-1.000 lượt người qua cầu phao. Ảnh: Đức Hùng.

Do cầu được làm gần chục năm qua nên các mảnh gỗ đã nứt toác, hư hỏng, mặt cầu mấp mô. Khi có người đi lại, nhất là xe máy, mặt cầu bập bênh, lắc lư. Ông Trần Văn Nam (51 tuổi, làm nghề đánh bắt cá ở sông Ngàn Sâu) cho biết, tháng nào cũng có người ngã xuống sông. Ông Nam luôn để ý, hễ ai ngã thì lập tức chèo thuyền và bơi lại cứu. 15 năm sinh sống ở đây, ông đã cứu được gần 60 người gặp nạn khi qua cầu.

Nhà ở thôn Trung Thượng, xã Phương Mỹ, em Phạm Thị Lam kể, các anh chị em trong nhà đều đã bị rơi xuống sông này. Mới đây nhất vào tháng 5, em trai của Lam là Phạm Văn Thành (12 tuổi) trong lúc đi học về qua cầu đã ngã xuống nước và tử vong. Mực nước sông chỗ sâu nhất khoảng 6 m nên Lam cũng như người dân luôn cảm thấy bất an mỗi khi qua cầu.

Ông Hoàng Xuân Tần, Phó chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết, hàng tháng chính quyền xã chi hơn 5 triệu đồng để tu sửa những chiếc phao, mảnh gỗ bị hư hỏng. Cũng vì kinh phí hạn hẹp nên chỉ chắp vá tạm bợ. “Để làm một cây cầu cứng thì phải mất 70-100 tỷ đồng. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị với huyện Hương Khê, Sở Giao thông Vận tải tỉnh, nhưng phải chờ xét duyệt. Trước đó từng có dự án làm 186 cầu treo dân sinh và cầu phao đã được xét hàng đầu”, vị Phó chủ tịch cho biết.

Dự án đã được xét, nhưng cầu vẫn chưa được làm. 40 năm nay, người dân nơi đây luôn mong ngóng một cây cầu an toàn để cuộc sống mưu sinh dễ dàng hơn, nhưng đó vẫn là ước muốn xa vời.

cauphao1.jpg

Cầu phao nối liền phía đông và tây của xã Phương Mỹ. Bề ngang tính cả phao hai bên là 2 m, riêng diện tích đi lại thì khoảng 1 m, đủ để cho 2 người đi bộ tránh nhau. Hai xe máy lưu thông cùng một lúc trên cầu rất khó khăn, phải đẩy bộ mới có thể tránh được.

cauphao2.jpg

Cầu không hề có lan can, bước đi trên cầu có cảm giác chòng chành. Theo ông Hoàng Xuân Tần, Phó chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, khi xây cầu, ban đầu có thiết kế các dây văng làm lan can, tuy nhiên do mưa bão cộng với để lâu ngày nên dây đã mục nát.

cauphao3.jpg

Cách đây 10 năm, mọi người thường dùng thuyền, với phương tiện nguy hiểm nên đã có hơn 20 người rơi xuống nước và tử vong. Từ năm 2007, khi cầu phao được lắp, tai nạn đã giảm. Trong 7 năm qua có 2 người chết, tuy nhiên số người bị ngã xuống nước, trôi xe, tài sản… thì rất nhiều.

cauphao4.jpg

Em Hà Vũ (8 tuổi) cho biết, có đôi lần bố mẹ dắt qua cầu. Mỗi khi bố mẹ không đưa đón được thì các em tập trung lại một nhóm, đi sát nhau cho đỡ sợ.

cauphao5.jpg

Những miếng ván ở cầu không liền nhau, nếu đi không cẩn thận rất dễ sụt chân xuống.

cauphao6.jpg

“Hàng tháng chính quyền xã phải bỏ ra hơn 5 triệu đồng để tu sửa những chiếc phao, mảnh gỗ bị hư hỏng. Cũng vì kinh phí hạn hẹp nên chỉ chắp vá tạm bợ, để làm mới một chiếc cầu phao cũng rất khó chứ không nói gì đến việc xây mới một cây cầu cứng”, ông Tần nói.

cauphao7.jpg

Những chiếc ván gác tạm tại đoạn ván gỗ bị hư hỏng.

cauphao8.jpg

Một số đoạn, rác thải và xác động vật chết đã ứ đọng lại, tạo nên mùi hôi thối.

cauphao9.jpg

Cầu được giằng bởi những dây thừng và dây thép. Cứ đến mùa mưa lũ thì dây sẽ được tháo ra để dỡ cầu, sau khi hết lũ thì lắp cầu lại để người dân qua lại.

cauphao10.jpg

Cây cầu phao và con sông Ngàn Sâu này là nỗi ám ảnh của hai chị em Phạm Thị Lam (18 tuổi) và Phạm Văn Nam (16 tuổi, trú thôn Trung Thượng). Các chị em Lam từng ngã xuống nước rất nhiều lần, mới đây nhất vào tháng 5/2014, cậu em trai của họ là Phạm Văn Thành (12 tuổi) trong lúc đi học về đã bị ngã xuống nước và tử vong. Cũng vì gia cảnh khó khăn mà hai em phải nghỉ học từ sớm, đi bóc vỏ bạch đàn thuê để kiếm sống.

Đức Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP