Dự hội thảo có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Quốc Vinh cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh khẳng định: Hà Tĩnh tự hào là quê nội của nhà thơ Xuân Diệu, người được xem là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới và được giới sáng tác, giới nghiên cứu văn học và công chúng mến mộ mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”. Những đóng góp to lớn của nhà thơ Xuân Diệu đã làm phong phú nền văn học Việt Nam đồng thời thể hiện sự tiếp nối truyền thống văn hiến, truyền thống khoa bảng của quê hương Hà Tĩnh.
Trên hành trình đổi mới, Hà Tĩnh đã giành được nhiều thành tựu nổi bật về KT-XH, trong đó luôn xác định yếu tố văn hóa là nền tảng, để thường xuyên quan tâm đầu tư xây dựng đời sống văn hóa tinh thần.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn thông qua hội thảo không chỉ góp thêm những hướng tiếp cận mới về Xuân Diệu mà còn cung cấp một cái nhìn đầy đủ hơn về mảnh đất con người Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Những đóng góp to lớn của nhà thơ Xuân Diệu đã làm phong phú nền văn học Việt Nam đồng thời thể hiện sự tiếp nối truyền thống văn hiến, truyền thống khoa bảng của quê hương Hà Tĩnh. |
Với 43 tham luận, đây được đánh giá là hội thảo khoa học quy mô nhất về tác phẩm Xuân Diệu. Và ngay từ tên gọi đã cho thấy giới nghiên cứu đánh giá rất cao tầm vóc nhà thơ Xuân Diệu với tư cách là một tác gia. Cùng với thi ca ông còn là cây bút văn xuôi, là nhà phê bình văn học. Thơ Xuân Diệu là một luồng gió mới trong phong trào thơ mới nhưng trong cái lạ về ngôn từ cấu tứ lại lắng đọng những nét dung dị của một tâm hồn Việt.
Nhà văn Đức Ban trình bày tham luận tại hội thảo |
Từ các bản tham luận đã cung cấp thêm thông tin về đời thơ của người thi sỹ tài hoa. Nhiều vấn đề tưởng như đã cũ như “cái tôi trong thơ Xuân Diệu”, “quan niệm sống của Xuân Diệu”, “triết lý yêu trong thơ tình Xuân Diệu”…đã được kiến giải ở góc nhìn mới. Tại hội thảo, giới nghiên cứu cũng đã đề xuất cách tiếp cận thơ Xuân Diệu trên phương diện triết học.
Hội thảo “Xuân Diệu – Tác gia và di sản văn học” thêm một lần khẳng định tài năng văn học và những đóng góp to lớn của Xuân Diệu đối với nền văn học nước nhà. Thời gian càng lùi xa, càng có thêm những góc nhìn mới, để hiểu hơn vì sao Xuân Diệu được mệnh danh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.
Trần Long