Học kỹ năng sống |
Dạy làm người hay dạy làm robot thế hệ mới?
Đánh giá về kết quả khảo sát đăng trên Infonet ngày 10/11, thầy Lê Quốc Châu (trường THPT Cù Huy Cận, Hà Tĩnh) cho biết: “Phải nói ngay rằng, đây là một điều tra xã hội học quy mô nhỏ nhưng đúng đối tượng và khá chính xác”.
Theo thầy Châu, hiện nay, các trường THPT (trừ trường chuyên tỉnh) ở địa phương đều phân ra 2 đối tượng học sinh (lớp chọn và những lớp đại trà) để dạy chữ, truyền đạt kiến thức, chứ không phải dạy người, dạy kỹ năng sống.
“Ngoài học chính khóa buổi sáng, các em học theo khối thi buổi chiều tại trường. Xong rồi, các em tham gia luyện thi, học thêm tại các lò luyện thi do các thầy cô giáo mở ra, ca 1, ca 2, ca 3…, mỗi ca 2 tiếng đồng hồ đến khoảng 22h đêm. Nhiều em nhà xa được bố mẹ cho tiền, học xong ở trường, ăn ở quán đi học luôn, nhiều em đùm cơm theo để ăn, nhiều em được bố mẹ đón đi đón về.
Nhiều em chỉ biết học, học và học. Học như một cái máy, làm gì có nhiều thời gian vui chơi, giải trí, đọc sách, câu cá, đá bóng, chơi các trò chơi dân gian với bạn bè, giúp bố mẹ các việc trong nhà ngoài nương”, thầy Châu chia sẻ.
Thầy Châu cho biết, điều tra của thầy Trợ cũng khá chính xác với thực trạng học sinh hiện nay mà thầy tận mắt chứng kiến hằng ngày, đó là học lệch và rất thiếu kỹ năng sống.
“Đây là một sự thật chua xót cho nền giáo dục chạy theo thành tích. Không biết, chúng ta đang đào tạo con người với đầy đủ kỹ năng làm người hay đang tạo ra một thế hệ rô Đồng quan điểm, TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng kĩ năng sống của giới trẻ bây giờ là vô cùng yếu. Thậm chí, theo bà Hương nhiều em tốt nghiệp Đại học vẫn chưa nấu nổi một nồi cơm cho đúng nghĩa.
Trong khi, kỹ năng sống đối với trẻ là điều tối quan trọng. Bởi nó đơn giản là cần thiết cho cuộc sống, trẻ thực sự cần nếu muốn sống tốt và sống an lành. Nó bao gồm: Kỹ năng thoát hiểm; ứng phó, ứng biến; Kỹ năng sử dụng các vật dụng (mọi vật dụng, đặc biệt là vật dụng nguy hiểm); khám phá cuộc sống một cách an toàn và hiệu quả; kỹ năng thể hiện trước người khác.
“Khi tai nạn hay tình huống nguy hiểm xảy ra, nếu giỏi văn, giỏi toán mà không biết cách thoát hiểm thì mọi việc giỏi kia trở nên công cốc. Lúc bấy giờ, việc cần làm là phải biết cách thoát ra khỏi nơi nguy hiểm một cách an toàn và hiệu quả”, bà Hương đưa ví dụ.
Đề xuất “đưa trẻ ra đường”!
Ngày nào cũng vậy, vào khoảng 4g45-5g10 rất nhiều học sinh lớp 8 và lớp 11 được cha mẹ chở đến nhà một thầy giáo trên đường Hùng Vương, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) để học thêm môn hóa. Những em này đều phải thức dậy từ 4g. Riêng những em ở xa phải thức dậy sớm hơn dù tối hôm trước phải học bài đến nửa đêm (Ảnh TTO) |
Theo bà Hương, kỹ năng sống của trẻ bị thiếu hụt là do chính người lớn chúng ta đã chưa đặt nhiệm vụ đào tạo nội dung này lên hàng đầu. Đào tạo kĩ năng sống đòi hỏi sự chung tay của cả gia đình và nhà trường. Đặc biệt, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nội dung này.
“Để toàn dân hiểu và đồng lòng cùng nhà trường và các nhà giáo dục trên cả nước tiến hành đào tạo Kĩ năng sống cho trẻ, tôi đề nghị nhà nước nên đặt ra “Ngày toàn dân đưa trẻ ra đường”, bà Hương đề xuất.
Theo đó, đám trẻ sẽ không ngồi nhà chơi điện tử, xem tivi, không ngồi trong lớp học để học toán văn nữa, các em sẽ cùng cha mẹ và các tổ chức giáo dục ra ngoài đường cùng nhau trau dồi kĩ năng sống.
Nếu “Ngày toàn dân đưa trẻ ra đường” được Nhà nước ban hành, trên khắp cả nước sẽ diễn ra các hoạt động nhằm mục đích đào tạo kĩ năng sống cho trẻ. Tại các hội chợ, các sân chơi, các khu giải trí, nhà văn hóa thiếu nhi, những hoạt động đào tạo kĩ năng sống sẽ diễn ra.
Ngoài giá trị đào tạo kĩ năng sống cho các em, các hoạt động này sẽ giúp cha mẹ thay đổi nhận thức, thay vì quan tâm đến kết quả học tập trong các môn ở nhà trường thì sẽ quan tâm hơn đến những khả năng ứng phó, ứng đối của các em trong cuộc sống, đạo đức, tư cách của các em và nhiều vấn đề khác.
Bà Hương cho rằng, từ những nhận thức đó, cha mẹ sẽ quan tâm giáo dục các em nhiều hơn về các khía cạnh trong đời sống. Cha mẹ sẽ bớt chiều chuộng, lo lắng, chăm bẵm các em thái quá mà sẽ để ý dạy bảo các em cẩn thận hơn.
Các công việc nhà sẽ được giao cho các em để tập làm quen dần dần. Những trách nhiệm trong gia đình cũng được các em san sẻ với cha mẹ để hiểu thêm nỗi vất vả mà cha mẹ đã và đang gặp phải. Từ đó, các em sẽ có ý thức hơn trong việc hoàn chỉnh kĩ năng sống cũng như đạo đức của chính mình.