Học thêm trên tinh thần tự nguyện là chủ trương chung của lãnh đạo ngành GD&ĐT và UBND TP.HCM. Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh, khi học sinh không học thêm thì bị giáo viên chủ nhiệm của lớp mời lên nhắc nhở, đòi mời phụ huynh vào làm việc.
Học thêm là tự nguyện hay ép buộc?
Theo phản ánh của phụ huynh H.P.Ngọc có con đang học tại lớp 12 của trường THPT Gò Vấp (đường Nguyễn Thái Sơn, phường 3 – quận Gò Vấp, TP.HCM), trong học kỳ 1, nhà trường cho học sinh các lớp đăng ký lớp học thêm, nhưng bắt học sinh phải học đến 4 môn, trong đó có 3 môn Toán, Văn, Anh và 1 môn nữa tự chọn để thi tốt nghiệp, chứ không được chọn môn theo ý muốn.
Phụ huynh này cho biết, con của mình chỉ có nhu cầu học 2 môn, hay nhiều học sinh khác cũng chỉ muốn học từ 1 đến 2 môn, nhưng vẫn bị bắt học đến 4 môn theo yêu cầu của nhà trường.
Trong khi đó, cũng theo vị phụ huynh này thì nhiều trường THPT khác tại TP.HCM cũng tổ chức dạy học thêm, nhưng học sinh được đăng ký số môn tùy thích,
Nhiều phụ huynh khác của trường THPT Gò Vấp khẳng định rằng: Cho dù kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 4 môn, gồm cả 1 môn tự chọn, nhưng nên để cho học sinh lựa chọn môn học thêm.
Trường THPT Gò Vấp, đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp (ảnh minh họa) |
Phụ huynh H.P.Ngọc cho biết: Để chuẩn bị cho năm học cuối cấp, con của phụ huynh này và nhiều học sinh khác cùng lớp đã đi học thêm ở bên ngoài từ rất lâu, không muốn học thêm trong trường thì bị giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, đòi mời phụ huynh lên làm việc.
Ngoài ra, mới đây nhất, tại phiên họp phụ huynh học sinh cuối học kỳ 1 hôm 25/1/2015 vừa qua, trường THPT Gò Vấp đã quyết định trả lại cho phụ huynh số tiền 150.000 đồng đã thu trong học kỳ 1, thu lại biên lai đã phát ra, bắt phụ huynh ký tên vào danh sách nhận lại tiền, rồi lại bắt phụ huynh ký tên thêm danh sách đóng tiền lại cũng khoản tiền đó.
Tuy nhiên, có một số phụ huynh cũng không đồng ý đóng góp khoản tiền đó trở lại, mà cũng không được nhận lại khoản tiền mà mình đã đóng góp trong học kỳ 1 (150.000 đồng).
Phụ huynh học sinh của trường THPT Gò Vấp bày tỏ sự thắc mắc của mình là: Không hiểu lý do vì sao nhà trường lại có hành động khó hiểu như vậy: Liệu khoản tiền thu của phụ huynh này là đúng hay sai theo quy định?
Nhà trường có giấy phép dạy thêm học thêm
Xung quanh các ý kiến, thắc mắc của phụ huynh, chiều ngày 4/2, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với cô Tô Hạ Uyên – Hiệu trưởng trường THPT Gò Vấp, TP.HCM.
Hiệu trưởng trường THPT Gò Vấp cho biết, thực hiện đúng thông tư số 17 của Bộ GD&ĐT, quy định số 21 của UBND TP.HCM về dạy và học thêm trong trường, lãnh đạo nhà trường đã phổ biến, dán niêm yết công khai các văn bản, quy định về dạy và học thêm đến toàn thể các cán bộ – giáo viên – nhân viên của trường.
Tại phiên họp đại hội cha mẹ học sinh đầu năm của nhà trường, trường cũng đã phổ biến các thông tin về dạy học 1 buổi đến phụ huynh, và có đề ra kết hoạch dạy học thêm trong nhà trường trên tinh thần tự nguyện đăng ký dạy và học theo nhu cầu của giáo viên bộ môn, học sinh.
Cô Tô Hạ Uyên – Hiệu trưởng trường THPT Gò Vấp trong 1 lần trao thưởng cho học sinh của trường. Ảnh Nhà trường cung cấp |
Trường và toàn thể phụ huynh học sinh thống nhất tổ chức dạy và học thêm cho học sinh trong trường để đảm bảo nâng cao chất lượng học tập, quản lý học sinh chặt chẽ, sâu sát. Học sinh khối 12 sẽ đăng ký học 4 môn như phản ánh của phụ huynh, với mức thu: 350.000 đồng/tháng với 12 tiết/tuần. Học sinh sẽ được chọn giáo viên trong danh sách các giáo viên đang đứng lớp của trường, chứ hoàn toàn không ép buộc.
Các học sinh khối lớp 10, 11 sẽ đóng 300.000 đồng/tháng với 5 môn học (Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa) tới 11 tiết/tuần. Suốt từ đầu năm học cho tới cuối học kỳ 1, vì chưa nhận được sự đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, nên nhà trường chưa tổ chức dạy học thêm, thu học phí của học sinh.
Nhưng trường đã chính thức có giấy phép dạy học thêm tại nhà trường do Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cấp ngày 27/12/2014, nên đã thông báo việc này tại đại hội phụ huynh học sinh của trường cuối học kỳ 1 (hôm 25/1/2015), thông báo sẽ chính thức thực hiện việc dạy học thêm bắt đầu từ tháng 2/2015 theo các bước đúng quy định của lãnh đạo ngành.
Việc học sinh không học thêm bị giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, đòi mời phụ huynh vào làm việc là có. Cô Tô Hạ Uyên giải thích rằng, mời phụ huynh vào trường chủ yếu chỉ để nhắc nhở, cho phụ huynh cam kết sẽ theo dõi sát sao việc học của học sinh trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 cho đến tháng 7, trước khi thi tốt nghiệp THPT, để đảm bảo cho học sinh thi tốt nghiệp được thành công.
Danh sách các học sinh lớp 12A11 chọn giáo viên cho việc học thêm của mình (ảnh: T.Q) |
Đối với việc phản ánh của phụ huynh liên quan đến việc quỹ tài trợ giáo dục, cô Tô Hạ Uyên xác nhận có quỹ nói trên tồn tại trong nhà trường. Đây là quỹ thu hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh, không có bất cứ sự ép buộc nào, và ban đại diện phụ huynh học sinh của trường cũng đồng ý cho thu quỹ này.
Mục đích của quỹ này là nhằm dùng vào những việc trang bị cho cơ sở vật chất của trường, khen thưởng thêm cho những học sinh có thành tích học tập tốt. Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng “Tại sao không dùng đến những khoản tiền cơ sở vật chất của phụ huynh đóng, hay hỗ trợ của Nhà nước về cơ sở vật chất, quỹ khen thưởng của trường, mà phụ huynh phải đóng thêm tiền?”, Hiệu trưởng trường THPT Gò Vấp nhấn mạnh: Các khoản tiền đó hoàn toàn không đủ để cho trường chi trong thực tế.
Bởi lẽ, cô Uyên giải thích: Tiền cơ sở vật chất của Nhà nước cho theo chu kỳ 1 vài năm mới được chi 1 lần, các khoản chi đột xuất thì rất khó ‘xin’ cấp trên, còn khoản chi khen thưởng học sinh thì ít, không đủ để khen thưởng học sinh. Nói tóm lại, theo cô Uyên thì các khoản chi từ quỹ này đều dùng cho nhà trường, phục vụ cho chính các em học sinh, hoàn toàn minh bạch và công khai cho phụ huynh biết, không chi bất cứ đồng nào cho giáo viên, nhân viên.
Sau khi phụ huynh đóng khoản tiền này trong học kỳ 1, trường có cấp biên lai cho phụ huynh. Thế nhưng, sau đó, đối chiếu lại với các quy định của ngành thì việc cấp biên lai này là chưa chuẩn xác. Do đó, trong kỳ học phụ huynh vào cuối học kỳ 1, giáo viên chủ nhiệm mới được yêu cầu là thu lại biên lai này, cho phụ huynh ký vào danh sách nhận lại tiền. Rồi những phụ huynh nào sau khi ký có nhu cầu đóng góp cho quỹ này thì có thể ký tiếp vào danh sách đóng góp tiền tiếp theo. Có những phụ huynh đã đóng góp trong học kỳ 1, nhưng vẫn có thể tiếp tục không đóng góp sau khi đã ký tên nhận lại tiền.
Trên thực tế, quỹ tài trợ giáo dục này hoàn toàn do ban đại diện phụ huynh của trường quản lý. Tuy nhiên, khoản tiền này hiện lại do thủ quỹ của trường nắm giữ, vì cô Tô Hạ Uyên lý giải “Nếu để phụ huynh nào đó trong ban đại diện phụ huynh của trường chẳng may có sự cố gì thì không biết xoay sở làm sao?”