Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam Quý 2/2017 đưa ra một con số giật mình, cả nước có khoảng 1,08 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp.
Trong đó, số người có trình độ từ Đại học trở lên là trên 180.000 người thất nghiệp. Con số này đã tăng liên tục trong những năm qua, tỉ lệ thuận với số lượng các trường Đại học trên cả nước.
Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách đau đầu về một thực trạng rất đáng lo ngại về chất lượng, trình độ, năng suất lao động... nhưng chính giới học sinh, sinh viên lại có những quan điểm đầy lạc quan khác.
Học Đại học còn dễ thất nghiệp hơn!? |
Chia sẻ với báo Đất Việt, em Hồng Thị Mai, sinh viên Đại học năm thứ 3 tại một trường Đại học trên địa bàn phường Trung Hòa (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, em chẳng bao giờ quan tâm về những số liệu thất nghiệp được công bố bởi việc đi học một ngành, ra trường làm trái ngành đã trở nên quá phổ biến.
"Em chọn học trường này vì nó phù hợp với khả năng đỗ của em chứ không hẳn vì yêu thích. Ở xã em có một chị đã học ở đây, bây giờ lấy chồng Hà Nội rồi, về quê toàn ô tô đưa đón, nắng không đến mặt, mưa không đến đầu. Em không phải là ham lấy chồng giàu hay lấy chồng Hà Nội, nhưng nếu được thì sẽ tốt hơn nhiều chứ" - Mai cười.
Mai cho biết, sinh viên trường nào bây giờ cũng năng động, tìm việc làm thêm bên cạnh thời gian học để học các kỹ năng mà chẳng trường Đại học nào dạy.
Hơn một học kỳ năm đầu tiên, Mai bắt đầu quen với lối sống sinh viên và tìm việc bán thời gian ở một số quán cà-phê, sau đó em chuyển sang làm PG ở một quán to hơn và có cơ hội để làm quen với người yêu hiện tại.
"Làm PG khiến mình năng động và khéo léo hơn trong giao tiếp. Người yêu em hiện tại là em quen khi làm PG được một thời gian rồi. Anh hơn em 6 tuổi và đã có công việc ổn định. Anh ấy ngày nào cũng đến quán em làm khi có thời gian rảnh trong ngày. Khi em ra trường thì hai đứa sẽ cưới" - Mai vui vẻ cho biết.
Em cũng cho rằng, nếu được va chạm sớm, cơ hội việc làm sẽ đến sớm khi mình "không ngờ" tới.
Mai nói: "Nhiều anh chị khóa trên em làm trái ngành cả. Dù sao làm gì cũng được, miễn có thu nhập là được, bằng Đại học thì chỉ là hợp lý hóa hồ sơ thôi. Bằng Đại học bây giờ ai chẳng có. Công ty giờ người ta đánh giá năng lực qua phỏng vấn hết, mấy ai để ý trường nào, bằng gì đâu ạ?".
Cùng quan điểm như Mai, em Trần Thị Hiền, sinh viên năm thứ 4 tại một trường Đại học ở phố Chùa Láng (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, em đã nghe nhiều câu chuyện về việc thất nghiệp khi ra trường vì ảo tưởng tấm bằng Đại học song không học Đại học thì... chẳng biết học gì.
Theo Hiền, muốn được kiếm chồng tốt, thì phải có môi trường tốt để tiếp cận và Đại học là một môi trường như vậy, nó phù hợp với năng lực của em.
"Em không phủ nhận học Đại học là con đường duy nhất nhưng nó là con đường tốt nhất để tìm kiếm công việc, thu nhập, các mối quan hệ... Cuối cùng thì con gái nào mà chẳng phải lấy chồng. Cố gắng vươn tới môi trường tốt nhất thì bản thân mình mới có cơ hội được... gặp chồng tốt chứ!" - Hiền chia sẻ.
Học Đại học dễ kiếm chồng giàu hơn! Ảnh minh họa |
Một trường hợp khác, em Hoài Thương, sinh viên năm thứ 3 tại một trường Đại học ở Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tâm sự, em có người yêu từ năm thứ 2 Đại học khi đi học tại một trung tâm ngoại ngữ.
Thương cho biết, khi giới thiệu tên trường trong lớp học ngoại ngữ thì bạn trai biết em cùng trường Đại học với em gái họ của anh và bắt chuyện làm quen rồi thành yêu.
Khi Thương ngỏ lời muốn đi học việc, người yêu dẫn em đến công ty của gia đình nhưng không giới thiệu là người yêu mà chỉ nói là sinh viên đến để học việc.
"Dần dần, quen việc thì em cũng được anh bật mí mấy 'bí quyết' kinh doanh, đầu tư... Em giờ vẫn còn chưa hoàn thiện chương trình Đại học vì nợ môn nhưng em thấy vẫn không có vấn đề gì. Nợ học thì trả dần dần được chứ công việc bây giờ của em cũng bận, quan trọng hơn nhiều" - Thương cho hay.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Tác giả: Cúc Phương
Nguồn tin: Báo Đất Việt