Kinh tế

Hé lộ hàng loạt chiêu gian lận xuất xứ hàng 'Made in Việt Nam'

Lực lượng hải quan gần đây đã phát hiện hàng loạt thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp nhằm gian lận, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), qua kiểm tra, giám sát, quản lý khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan, thanh tra của cơ quan hải quan đã phát hiện các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.

Cụ thể, đối với xuất xứ hàng hóa, ông Hùng cho hay, doanh nghiệp Việt Nam (cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp...

Những hàng hóa này không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Tuy nhiên, khi xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Nhiều thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp nhằm gian lận, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam đã bị phát hiện. (Ảnh minh họa: CafeBiz)

Tinh vi hơn, các đối tượng thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản… Nhưng sản phẩm ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.

Hải quan cũng phát hiện hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba.

Cá biệt, nhiều trường hợp sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.

Đối với ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Hùng cho biết, thanh tra của hải quan gần đây đã phát hiện hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm và bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”…

Một số doanh nghiệp còn lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng sau đó không dán nhãn phụ theo quy định mà thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa.

Hoặc nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Ông Hùng đánh giá, Việt Nam đã và đang chịu tác động bởi các hiệp định thương mai tự do FTA, do đó hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản…để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.

Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Buông lỏng quản lý

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), UBND một số xã đã buông lỏng quản lý trong xác nhận hồ sơ lâm sản.

Cụ thể, nhiều xã không mở hồ sơ theo dõi khai thác lâm sản, không kiểm tra thực tế trước khi xác nhận hồ sơ lâm sản. Có nhiều hồ sơ lâm sản, số lô, số thửa trên bảng kê lâm sản không có trên thực tế hoặc không đúng với số lô, số thửa mà hộ dân đang trồng và khai thác rừng.

Cá biệt còn có trường hợp lãnh đạo UBND xã ký, đóng dấu sẵn vào một số đơn đề nghị cấp phép khai thác, bảng kê lâm sản khai thác, bảng kê lâm sản rồi đưa cho hộ dân về tự điền thông tin vào các giấy tờ trên.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cũng tồn tại nhiều vấn đề. Theo đó, một số bảng kê lâm sản, bảng kê lâm sản khai thác không ghi ngày tháng, không có chữ ký của chủ rừng, chữ ký của chính quyền xã, không có chữ ký của người dân trong hợp đồng mua nguyên liệu nhưng vẫn được cấp chứng nhận C/O.

Hay trong nhiều bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu có mâu thuẫn, trùng lắp về hóa đơn, số liệu nhưng vẫn được cấp C/O. Hóa đơn nguyên liệu keo, bột mỳ, gỗ ván mặt được các công ty sử dụng nhiều lần trong các tờ khai xin C/O vượt quá số lượng keo, bột mỳ, ván mặt trong hóa đơn đầu vào để sản xuất gỗ dán xuất khẩu không được kiểm tra phát hiện.

Tác giả: Hòa Bình

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP