Thế giới

Hé lộ cuộc truy bắt cựu đặc vụ CIA nghi “chỉ điểm” cho Trung Quốc

Các nhà điều tra Mỹ đã dùng nhiều cách để tiếp cận một cựu đặc vụ CIA vì nghi ngờ người này chính là gián điệp tuồn thông tin mật cho Trung Quốc khiến mạng lưới điệp viên Mỹ ở nước ngoài bị tê liệt.

Trụ sở làm việc của CIA tại Mỹ (Ảnh: Reuters)

Bắt giữ nghi can

BBC dẫn thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Jerry Chun Shing Lee, một công dân nhập quốc tịch Mỹ, đã bị bắt giữ ở sân bay John F Kennedy vào ngày 15/1. Tính đến năm 2007, Lee từng làm việc cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) 13 năm trước khi rời Mỹ đến Hong Kong.

Năm 2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở cuộc điều tra về sự biến mất bí ẩn của hàng loạt điệp viên CIA khi khoảng 20 đầu mối thông tin của cơ quan này bị sát hại hoặc bỏ tù tại Trung Quốc trong 2 năm trước đó. Theo New York Times, từ năm 2010-2012, Bắc Kinh đã tiến hành chiến dịch làm tê liệt các hoạt động tình báo của Mỹ ở Trung Quốc.

Các nhà điều tra không biết liệu từng tồn tại một gián điệp “hai mang” hay do tin tặc tấn công khiến danh tính các điệp viên của CIA tại Trung Quốc bị rò rỉ dẫn tới việc họ bị bắt giữ và sát hại. Trong khi đó, truyền thông Mỹ dẫn một số nguồn tin nói rằng các nhà điều tra đang nghi ngờ Lee chính là người đã giúp đỡ Trung Quốc.

Jerry Lee là ai?

Hồ sơ tòa án cho biết Jerry Chun Shing Lee, hay còn gọi là Zhen Cheng Li, từng phục vụ trong Lục quân Mỹ từ năm 1982-1986. Lee bắt đầu làm việc tại CIA từ năm 1994 với chức vụ là đặc vụ phụ trách nhiều mảng như thông tin liên lạc bí mật, phát hiện trinh sát, tuyển dụng,… Với vai trò này, Lee từng có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin tuyệt mật và ký các thỏa thuận mật.

Theo New York Times, khi Lee rời CIA vào năm 2007, “tất cả những người biết anh ta đều nói rằng Lee rời cơ quan này một cách bất mãn sau khi xây dựng được sự nghiệp thăng hoa”. Sau khi rời Mỹ, Lee đến Hong Kong. Tới năm 2012, người đàn ông này lại quay về Mỹ và sống ở bắc Virginia. Lý do khiến Lee trở về được cho là bởi một lời mời làm việc tại Mỹ.

Công việc giả

Jerry Lee từng làm việc tại CIA trong 13 năm (Ảnh: Getty)

Công việc gần đây nhất của Lee là giám đốc phụ trách an ninh của hãng đấu giá nổi tiếng Christie’s ở Hong Kong. Hãng này cho biết Lee đã làm việc ở đây khoảng 20 tháng.

Khi bắt đầu nghi ngờ Lee là kẻ phản bội, FBI đã lên kế hoạch “dụ dỗ” Lee trở về Mỹ để phục vụ công tác điều tra. Cách họ sử dụng là vẽ ra một công việc giả dành cho Lee ở thủ đô Washington.

Khi Lee và gia đình quay về Mỹ vào tháng 8/2012, cựu điệp viên CIA đã nghỉ chân ở Honolulu, Hawaii trong vài ngày. Khi đó, đội ngũ trinh sát Mỹ đã bí mật khám xét căn phòng khách sạn và hành lý của Lee, đồng thời chụp ảnh các tài sản của ông này. Tiếp đó, khi gia đình Lee tới bang Virginia, các nhà điều tra Mỹ tiếp tục khám xét một khách sạn khác và phát hiện nhiều tài liệu bí mật.

Trong số các tài liệu được các nhà điều tra tìm thấy có một cuốn sổ ghi ngày tháng dày 49 trang và một cuốn sổ ghi địa chỉ dày 21 trang với rất nhiều thông tin quý báu mà bất kỳ điệp viên Trung Quốc nào cũng muốn sở hữu. Trong các cuốn sổ còn có tên thật và số điện thoại của hàng loạt nhân viên CIA ngầm, địa chỉ các cơ sở của CIA và các ghi chú về những nơi gặp mặt bí mật.

Sau khi Lee quay về Mỹ năm 2012, FBI đã thẩm vấn Lee 5 lần song người đàn ông này môt mực phủ nhận mình là gián điệp. Lee cũng không hề nhắc tới việc sở hữu những cuốn sổ chứa các thông tin mật. Vào thời điểm năm 2013, khi các cơ quan chức năng Mỹ vẫn đang tiến hành điều tra, Lee đã rời khỏi Mỹ và quay trở lại Hong Kong.

Thiệt hại lớn

Cáo trạng của tòa cho biết các thông tin thu được từ tài liệu của Lee được xếp vào từ mức mật cho tới tuyệt mật và “việc rò rỉ những thông tin này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Mỹ”. Theo một cựu quan chức của cơ quan phản gián, đây là “một trong những tổn thất và thất bại tình báo lớn nhất trong lịch sử hiện đại” của Mỹ.

“Có một thời kỳ khi việc báo tin cho cộng đồng tình báo Mỹ tại Trung Quốc gần như bị tê liệt hoàn toàn. Và bạn không thể xây dựng lại cơ sở dữ liệu thông tin (tình báo) đó chỉ trong một đêm”, Frank Figliuzzi, trợ lý giám đốc FBI năm 2011 và 2012, cho biết.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Chun Shing Lee, 53 tuổi, đã bị buộc tội “nắm giữ trái phép các thông tin quốc phòng và có thể đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù giam”. Tuy nhiên, Lee không bị buộc tội làm gián điệp và tránh được mức án tử hình. Một số nguồn tin cho rằng điều này xuất phát từ lý do Mỹ không muốn tiết lộ các thông tin mật trước tòa, hoặc do FBI chưa thu thập đủ chứng cứ để buộc tội Lee với tội danh gián điệp.

Cáo trạng của tòa cũng không đề cập tới bất kỳ mối quan hệ ngầm nào giữa Lee và Trung Quốc. Lee đã ra trình diện tại tòa án liên bang Brooklyn hôm 16/1 sau khi bị bắt ở sân bay. Hiện các nhà chức trách Mỹ vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn về việc Lee đã tuồn những thông tin nào ra nước ngoài.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP