Câu chuyện nên hay không nên bỏ chính sách cộng điểm ưu tiên vào đại học vẫn sôi sục các mùa tuyển sinh từ nhiều năm nay. Những năm gần đây, khi điểm thi tốt nghiệp trở thành một căn cứ, vấn đề về công bằng càng được đặt ra một cách gay gắt. Bởi đề thi tốt nghiệp là đề thi đại trà, nói thẳng ra là dễ, không cần học lực xuất sắc để đạt điểm tám, chín, thậm chí điểm mười. Kết quả thi giữa thí sinh khá và giỏi không có sự phân hóa rõ rệt, chỉ cần thêm yếu tố may rủi là chuyện học sinh giỏi phải xếp sau các bạn kém mình rất dễ xảy ra.
Và chế độ cộng điểm ưu tiên khiến cho “sai số” này càng lớn. Một thí sinh có thể được ưu tiên đến 2,75 điểm – khoảng cách rất đáng kể về học lực, trong khi chỉ 0,1 điểm thôi đã có thể thay đổi số phận, đường đời một thí sinh. Trong số bạn bè, họ hàng, người quen của tôi, lâu nay không ít người có con học rất tốt, điểm thi cao, nhưng vẫn không vào được trường đại học mong muốn vì phải xếp sau các bạn được cộng điểm. Một chị bạn tôi tâm sự: “Trượt đại học theo cách này rất oan ức, tôi không biết giải thích thế nào với con về sự công bằng khi các bạn thấp hơn cháu 2 điểm rưỡi vẫn đỗ còn cháu thì trượt. Ở tuổi này, đòi hỏi về sự công bằng rất lớn, vì thế cháu rất khó chấp nhận để vượt qua”.
|
Rất nhiều chuyên gia lên tiếng đề nghị bỏ điểm ưu tiên khi tuyển sinh đại học. Đã đến lúc ngành Giáo dục nghiêm túc xem xét vấn đề này. Nếu vẫn duy trì chính sách đó thì ít nhất cũng phải khống chế mức cộng thật thấp, tối đa 1 điểm, để không làm thay đổi đáng kể chất lượng đầu vào. Ưu tiên mà cộng đến gần 3 điểm thì chẳng khác nào đẩy thí sinh giỏi đi, đón thí sinh kém vào giảng đường.
Và nếu cộng điểm ưu tiên, xin hãy trừ các trường đại học danh giá, top đầu ra. Hãy đảm bảo mọi thí sinh vào được các trường này đều chỉ dựa vào thực lực. Đây là cách để bảo vệ và nâng cao thương hiệu của các trường lớn, vốn là bộ mặt của nền giáo dục Việt Nam, đồng thời giữ cho chất lượng nguồn nhân lực mà họ đào tạo luôn ở đỉnh cao. Đối với thí sinh, khi đã nhận ưu tiên, thiết nghĩ cũng không nên đòi hỏi thứ tốt nhất, đẳng cấp nhất.
Đặc biệt, đối với những ngành có sự đòi hỏi khắt khe về trình độ, chất lượng nhân sự cũng nên bỏ chế độ ưu tiên cộng điểm. Chẳng hạn như ngành Y, ngành liên quan đến sinh mạng con người, việc chấp nhận thí sinh thiếu đến 2,75 điểm so với điểm chuẩn là sự hạ thấp chất lượng y bác sĩ.
Sau một thời gian loại trừ các trường hợp kể trên, ngành Giáo dục Việt Nam nên tiến tới dừng hoàn toàn chính sách ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh đại học.
Tác giả: NGUYỄN VĨNH
Nguồn tin: Báo VTC News