Nếu nghĩ như thế thì phim đó không thành công, vì tỷ lệ đó bị suy giảm dần, cho nên phải nghĩ là tuyệt đối.
Đúng là rất công phu để có một Bùi Bài Bình mà có lúc khán giả không nhận ra. Nhiều tháng anh Bình phải học tiếng Pháp, Trung, Nga, phải đi mài răng. Chúng tôi kết hợp nhiều thủ pháp làm mắt anh ấy sáng mà không làm giảm khả năng biểu hiện.
Vì Bác Hồ trong phim rất nhiều tâm trạng, nếu can thiệp quá sâu đôi mắt diễn viên sẽ ảnh hưởng biểu hiện của họ. Bùi Bài Bình chiều cao và cân nặng rất gần Bác. Diễn viên cũng phải chuẩn bị về hình thức từ khuôn mặt, đôi mắt, miệng, tai, thậm chí để râu trước 6 tháng – để giảm bớt sự hóa trang.
Bùi Bài Bình từng trả lời phỏng vấn rằng hơi tiếc, giá mà hóa trang tốt hơn thì hiệu ứng còn tốt hơn nữa?
Không chỉ hóa trang đâu, một số kỹ xảo cũng chưa ở trình độ cao. Thế nên từ đạo diễn, diễn viên cho tới họa sỹ phục trang, hóa trang, quay phim đều tập trung hạn chế tối đa nhược điểm về hình thể, làm sao Bùi Bài Bình thể hiện tinh thần và hình thức gần Bác nhất. Các bạn để ý chúng tôi dùng rất ít cảnh cận, chính diện, mà dùng bán thân, khi quay cận thì quay nghiêng sẽ giống Bác hơn.
Về hóa trang thì có cái làm được, cái không. Nguyễn Văn Sáu là chuyên gia hóa trang Hồ Chí Minh tốt nhất, từng hóa trang Tiến Hợi trong Hà Nội mùa đông 1946 và các diễn viên đóng Bác Hồ trên sân khấu. Ngày nào trước giờ quay, Bình cũng phải ngồi 4-5 tiếng, thời tiết nóng làm lớp hóa trang bị chảy, lại thấm lại. Rồi đi ngựa, leo núi. Riêng cảnh quay ở Matxcơva, tôi yêu cầu hóa trang tìm loại cồn đặc biệt để ở nhiệt độ âm 20, 30 độ râu không bị rụng.
Ngoài diễn xuất tài năng của Bùi Bài Bình, anh cũng chọn được người lồng tiếng ưng ý, chỉ tiếc người lồng tiếng Pháp có cách phát âm không giống Bác cho lắm?
Bùi Bài Bình phải học ngoại ngữ, dù nói không được tốt lắm nhưng khẩu hình sẽ khớp khi lồng tiếng. Lúc đầu tôi cũng đưa Tiến Hợi vào tầm ngắm, nhưng anh ấy hơi mập. Tôi nhìn anh ấy ở khía cạnh lồng tiếng cho Bùi Bài Bình, và Tiến Hợi không tự ái nghề nghiệp nên đã nhận lời, dù anh ấy không đóng và cũng không phải diễn viên lồng tiếng.
Cũng như Công Lý nhận lời lồng tiếng Tổng chỉ huy Văn. Tiếng của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơi pha một chút, để dễ nghe và gốc rễ là các cụ giỏi tiếng Pháp, đi đây đó nhiều. Tiếng Trung cũng do Tiến Hợi lồng. Về tiếng Pháp tôi tìm được giáo sư quê Hà Tĩnh, tuổi 62 và sức khỏe gần với Tiến Hợi, có cách phát âm tiếng Pháp tương đối cổ. Người lồng tiếng Pháp khi cất giọng rất gần Tiến Hợi.
“Nhà tiên tri” có nhiều cảnh quay hùng vĩ, nên thơ. Bối cảnh hầu hết trong rừng này có những trở ngại gì với đoàn làm phim?
Để có được những cảnh hùng vĩ, bí ẩn của thiên nhiên, chúng tôi phải đổi lấy bằng nguy hiểm. Nếu không có tinh thần xả thân, quyết tâm rất cao, thì chọn cảnh hiền lành. Những vị trí đi bộ vào được là một nhẽ, nhưng phải đưa được thiết bị nặng, chuyển máy móc đi trên suối, thác, rồi gặp đủ loại rắn rết, vắt.
Cả đoàn ai cũng chảy máu vì vắt. Đây là phim thứ ba làm trong rừng, tôi nhiều kinh nghiệm biết đưa đoàn phim vào vị trí tốt nhất mà không quá nguy hiểm. Bên cạnh cảnh rừng rú là cảnh chiến trận với các đơn vị công binh. Lựa chọn làm phim lịch sử, chính trị, phim về lãnh tụ thì phải chấp nhận khó khăn áp lực, nhưng đôi khi cho mình trải nghiệm hiếm hoi.
Chúng tôi may mắn có được máy quay hiện đại từ Mỹ Red one Epic-X, flyingcam cho chất lượng hình ảnh 4K. Có cảnh quay ở thác Bản Giốc, không phải thác chính là các thác nhỏ rất đẹp. Chúng tôi chọn thời điểm quay rất cầu kỳ, để máy quay bay lên mà không bị gió cực mạnh thổi bạt đi.
Hỏi đạo diễn rằng kịch bản Nhà tiên tri chưa tốt lắm, anh cho rằng Hoàng Nhuận Cầm bắt được mạch ngầm lấp lánh. “Hồ Chủ tịch là người có khả năng tiên tri, bằng kinh nghiệm bôn ba, kiến thức sâu rộng, và cả bản năng. Trong những tình huống hiểm nguy, từ những việc nhỏ đến việc lớn, chúng tôi để tài tiên tri, tiên đoán của Bác Hồ dần hiện ra. Chẳng hạn dự đoán cần chuyển lán lên cao hơn, rồi linh cảm cô Chín cấp dưỡng có chuyện chẳng lành, bảo Võ Nguyên Giáp giữ lại sân bay Thất Khê, quyết định đánh Đông Khê thay vì đánh Cao Bằng, mở Chiến dịch biên giới, và tiên đoán Giáp Ngọ (1954) ta tiến về tiếp quản Thủ đô. Những điều đó phải làm thật mềm mại, nếu không sẽ lộ bàn tay tác giả”, Đạo diễn Vương Đức nói.