Những năm qua, 11 huyện miền núi Thanh Hóa được đầu tư xây dựng gần 500 công trình nước sạch bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau.
Hơn 100 công trình hư hỏng, ngừng hoạt động
Theo thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa, hiện ở khu vực miền núi có hơn 100 công trình bị hư hỏng phải ngừng hoạt động, gần 140 công trình kém chất lượng, bị hư hỏng đường ống, bể chứa. Điển hình như huyện Quan Hóa có 27 công trình, huyện Quan Sơn có 20 công trình, huyện Thường Xuân có 13 công trình, huyện Lang Chánh có 15 công trình ngừng hoạt động…
Cụ thể, tại huyện Quan Hóa, thông qua nguồn vốn của các Chương trình 134, 135, mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xã Phú Sơn được đầu tư 5 công trình nước sinh hoạt ở 5 bản. Hiện tại, chỉ còn một số bể chứa nước ở bản Chiềng và bản Tai Giác còn phát huy hiệu quả, nhưng vào mùa khô cũng không có nước. Các công trình nước sinh hoạt còn lại ở các bản đều trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, bỏ hoang.
Bể chứa nước sinh hoạt tại bản Ôn không phát huy hiệu quả |
Ông Phạm Văn Ốt (người dân ở bản Ôn) phàn nàn: “Nhiều năm rồi, công trình nước sinh hoạt của bản không phát huy hiệu quả, ít nhất có 3 bể chứa bị bỏ hoang, một số bể đường ống vẫn còn song lại không có nước. Dân trong bản đều khó khăn về kinh tế, nhưng do nhu cầu sinh hoạt các hộ phải vay mượn tiền để mua ống dẫn nước từ các mó, có hộ dân phải mua đến 2.000m ống”.
Tương tự, công trình nước sinh hoạt tự chảy tại bản Na Ấu, xã Tam Thanh (Quan Sơn) nhiều năm qua không sử dụng được do không có nước, gây ra sự bức xúc trong nhân dân, lãnh phí ngân sách Nhà nước.
Do công trình không phát huy hiệu quả, dân bản đã tự đầu tư hệ thống giếng khoan, cung cấp nguồn nước sinh hoạt ổn định cho hơn 30 hộ dân. Tổng giá trị công trình chưa đến 30 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Có thể nói, khâu khảo sát thiết kế để chọn giải pháp phù hợp trong xây dựng chính là sự bất hợp lý của công trình nước sinh hoạt ở bản Na Ấu.
Đoàn công tác Ban Dân tộc HDND tỉnh kiểm tra các công trình nước sạch hư hỏng, không phát huy tác dụng. |
Tại huyện Lang Chánh có khoảng 40 công trình nước sinh hoạt tập trung. Trong đó, có tới hơn 40% công trình đã bị hư hỏng, bỏ hoang. Số còn lại, hầu hết không đảm bảo công năng để đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt cho người dân theo thiết kế.
Cụ thể, công trình nước sinh hoạt tập trung tại làng Oi, xã Quang Hiến, được xây dựng năm 2012, bằng nguồn vốn Chương trình 134, tổng mức đầu tư 1 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình nước sạch này sau khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết tốt nhu cầu nước sinh hoạt cho toàn bộ dân làng Oi. Tuy nhiên, các bể nước của công trình sau khi đưa vào khai thác, sử dụng được 3 tháng rồi bỏ hoang do không có nước.
Công trình nước sạch tập trung tại bản Ngọc Trà và bản Mơ, huyện Thường Xuân được đầu tư xây dựng năm 2008 bằng nguồn vốn Chương trình 134 hàng tỷ đồng. Nhưng từ khi hoàn thành đến nay, công trình không thể sử dụng do bể không có nước, đường ống dẫn không bao lâu đã bị vỡ, hư hỏng.
Ông Cầm Bá H. ở bản Mơ, xã Luận Khê, huyện Thường Xuân ngao ngán: “Công trình nước sạch ở đây họ xây cho có thế thôi, chứ có sử dụng được đâu, Nhà nước đầu tư cho dân, nhưng dân thì vẫn khô khát”.
Chủ đầu tư: Kém từ tỉnh xuống xã
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nguyên nhân các công trình kém hiệu quả, là do công tác khảo sát, thiết kế và lập dự án chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất và nguồn nước nên chất lượng nước không bảo đảm; không đủ nước cung cấp theo thiết kế… Một nguyên nhân khác là do vai trò chủ đầu tư và quản lý ở cấp xã còn yếu kém; ý thức người dân trong sử dụng công trình còn hạn chế… chính vì vậy nhiều công trình mới vận hành được một thời gian đã hư hỏng xuống cấp”.
Ông Thành cho biết thêm, các công trình nước sạch được hỗ trợ tại các địa phương có công trình do tỉnh, huyện làm chủ đầu tư, có công trình do xã làm chủ đầu tư. Khi công trình xuống cấp, tình trạng “đưa đẩy” trách nhiệm cũng khá phổ biến. Đặc biệt là các công trình do Trung tâm nước sạch tỉnh làm chủ đầu tư, vì phần lớn các công trình này, huyện chỉ được nhận thông báo địa điểm xây dựng và bàn giao sử dụng, cho nên mối liên hệ giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong chỉ đạo, quản lý, thực hiện chưa chặt chẽ.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí