Tại hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp” vừa tổ chức tại TPHCM mới đây, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) lên tiếng cảnh báo về vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang phát triện mạnh trên các trang thương mại điện tử. Vấn nạn này đang dần “giết chết” các nhà sản xuất và cả các thương nhân nhập khẩu hàng thật.
Các loại hàng giả, hàng nhái (hàng fake) không chỉ tràn lan trên các sàn thương mại điện tử lớn mà còn xuất hiện, bày bán trên các sàn nhỏ, được các cá nhân, hộ kinh doanh bán trên các trang facebook hay website riêng... Điều này càng khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát.
Mặt hàng bị làm giả, nhái nhiều nhất các loại thực phẩm chức năng, trang sức, quần áo, đồ công nghệ... Đặc biệt là các mặt hàng có giá trị cao. Chẳng hạn như các loại đồng hồ Rolex của Thụy Sĩ có giá chính hãng lên đến vài trăm triệu đồng 1 chiếc thì trên các trang mạng, hàng nhái có vẻ ngoài y chang được rao bán với giá vài trăm ngàn đồng, chỉ bằng 1/1.000 giá trị hàng thật.
Hàng nhái có vẻ ngoài y chang được rao bán với giá vài trăm ngàn đồng, chỉ bằng 1/1.000 giá trị hàng thật (ảnh tư liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) |
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cũng xác nhận: “Đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... bày bán công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và trên các mạng xã hội nhưng các cơ quan chức năng rất khó để phát hiện nơi kinh doanh, hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý”.
Đặc biệt, do công nghệ làm giả ngày càng tinh vi nên hàng nhái, hàng giả ngày càng giống thực mà giá lại rất rẻ nên được đông đảo người tiêu dùng yêu thích, lựa chọn. Điều này khiến hàng giả, hàng nhái có thêm nhiều “đất sống”.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết: “Bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người tiêu dùng chủ động lựa chọn hàng nhái để mua”.
Đại diện đơn vị này chia sẻ: “Có rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện, lại không thể giám định được vì hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài nhưng không có đại diện chủ sở hữu quyền tại Việt Nam”.
Trong khi đó, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định. Mà nếu giám định ra không phải hàng giả thì chi phí này đơn vị phải chịu. Do đó, nhiều lúc các đơn vị chức năng cũng e dè vì hàng nhái, hàng giả quá giống hàng thật, khó nhận ra bằng mắt thường.
Nhiều hàng nhái giống hàng thật đến nỗi cơ quan chức năng cũng ngại đem đi giám định, vì nếu sai họ phải chịu trách nhiệm |
PGS.TS Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực ban chỉ đạo 389 Quốc gia, góp ý thêm: “ Nhiều doanh nghiệp có tâm lý ngại làm đơn đề nghị xử lý đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái; ngại cung cấp cách phân biệt hàng thật, hàng giả cho cơ quan chức năng. Một số doanh nghiệp còn lo ngại việc tố cáo hàng giả, hàng nhái sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và doanh thu của họ”.
Theo PGS.TS Đàm Thanh Thế, doanh nghiệp phải chủ động hỗ trợ cơ quan chức năng để chống lại các mặt hàng của họ bị làm giả, nhái |
Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội thảo đều đồng tình việc cần có chế tài mạnh hơn đối với hành vi này nhằm làm trong sạch thị trường, bảo vệ người tiêu dùng cũng như các đơn vị sản xuất, các thương nhân chính thống.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho rằng: “Những hành này không những gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp mà còn có thể dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp. Bởi người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của doanh nghiệp do nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền”.
Tác giả: Tùng Nguyên
Nguồn tin: Báo Dân trí