Tiến là người cùng Nguyễn Hải Dương (25 tuổi, quê An Giang) gây ra vụ thảm sát 6 người trong gia đình ông Mỹ – đại gia ngành gỗ ở Bình Phước.
Bà Thi đến từng nhà xin chữ ký và thỉnh cầu gửi tòa án để mong cho Tiến con đường sống. Ảnh: K. T. |
Bà Thi cho biết, chủ nhật hàng tuần hay lúc nào rảnh là bà lại đi gặp từng người trong xí nghiệp nơi Tiến làm việc, bà con lối xóm và bất kể gia đình nào ở Bến Tre, Tiền Giang, Bình Dương… để xin chữ ký. Bà cũng đã đến cả huyện Chơn Thành (Bình Phước) – nơi con bà gây ra thảm sát 6 người.
“Người nào đã theo dõi vụ án, biết việc con tôi bị Dương lừa, ép gây án, thì họ ký. Tôi muốn làm hết tất cả những gì có thể, hy vọng thằng Tiến được khoan hồng cho con đường sống”, bà Thi thở dài.
Được thăm nuôi con hồi đầu tháng, bà cho biết Tiến vẫn khóc và nhắn nhủ dù kết quả phiên xử sắp tới thế nào cha mẹ cũng gắng một lần đến xin lỗi gia đình nạn nhân, khắc phục cho họ một phần thiệt hại.
“Tôi hỏi nó là hồi nào tới giờ con chưa bao giờ say xỉn, đánh lộn hay cãi lời cha mẹ sao con lại có thể gây ra chuyện như vậy. Nó bảo, Dương là cháu của ông chủ xưởng gỗ nơi con làm việc. Nghĩ là bạn rủ đi đòi nợ nên mới đi theo, không ngờ tới nơi Dương gây án. Nó muốn quay về thì ‘anh ta cứ cầm dao trừng mắt bắt con làm theo’ nên nó không còn cách nào khác”, bà chia sẻ.
Bà bảo, vợ chồng bà cũng muốn đến nói lời xin lỗi và thắp nhang cho gia đình ông Mỹ nhưng chưa dám, chỉ gửi bằng thư. Gia cảnh khó khăn, bà mới gom góp được khoảng 20 triệu đồng để khắc phục phần nào thiệt hại cho gia đình nạn nhân.
Trong phiên xử phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 21/3, gia đình bà tiếp tục nhờ luật sư Nam bào chữa cho Tiến vì cho rằng ông đã theo vụ án từ đầu nên nắm rõ các tình tiết. Để chuẩn bị cho phiên phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM cũng đã mời luật sư bào chữa chỉ định cho các bị cáo Dương, Tiến và Thoại.
Theo luật sư Nam, ông đang làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận tiếp tục bào chữa cho Tiến.
Chữ ký của người dân địa phương được mẹ Tiến đi xin để gửi tòa. Ảnh: K. T. |
Theo bản án sơ thẩm, Dương mang lòng hận thù với gia đình ông Mỹ do bị ngăn cấm tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (con gái ông Mỹ). Hắn nảy sinh ý định giết cả nhà ông này để cướp tài sản.
Dương rủ Thoại tham gia rồi chuẩn bị hung khí. Sau chuyến đi bất thành vào rạng sáng 5/7, Thoại từ chối nhưng vẫn mua dao cho Dương.
Dương sau đó lôi kéo Tiến hỗ trợ mình nhưng nói dối là đến đòi vợ chồng ông Mỹ 900 triệu đồng đã góp vốn làm ăn từ hồi còn là người yêu của Linh. Hắn hứa sẽ chia cho Tiến một phần. Rạng sáng 7/7, cả hai đột nhập biệt thự lần lượt sát hại 6 người, cướp điện thoại, iPad, laptop, tiền… trị giá khoảng 50 triệu đồng. Riêng bé Na (18 tháng tuổi, con út ông Mỹ) Dương dỗ ngủ ngon trước khi bỏ trốn.
Bốn ngày sau, Dương và Tiến bị bắt. Sau một tháng điều tra, từ lời khai của Dương, cảnh sát bắt thêm Thoại.
Hồi cuối năm ngoái, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xử lưu động trên bãi đất trống rộng hàng nghìn hecta tại trung tâm hành chính huyện, có khoảng 4.000 người dân tham dự. Sau một ngày xét xử, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến mức án tử hình; Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) 16 năm tù về các tội Giết người, Cướp tài sản.
Dương không kháng cáo, chỉ có Tiến và Thoại xin xem xét giảm nhẹ hình phạt. Phía gia đình bị hại cũng có đơn kháng cáo đề nghị tòa tăng án với bị cáo Thoại và xem xét vai trò của bà Trần Thị Trinh – dì ruột Dương trong vụ án.
Theo quy định của pháp luật, việc nhiều người ký tên thỉnh cầu xin giảm án cho bị cáo có mức hình phạt cao không được xem là tình tiết giảm nhẹ. HĐXX sẽ căn cứ vào tính chất của từng hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra, cũng như những tình tiết giảm nhẹ mới mà cấp sơ thẩm chưa xem xét để cân nhắc có hay không giảm án cho các bị cáo. |
Bình Nguyên