Trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua, hàng loạt đàn ông là trụ cột trong các gia đình ở thôn Liên Sơn 2 (xã Phước Vinh, Ninh Phước, Ninh Thuận) lăn ra chết đột ngột sau khi uống phải thứ rượu không rõ nguồn gốc bán trên địa bàn xã.
Sự việc xảy ra đến nay đã hơn 2 tuần nhưng vẫn khiến cho hàng ngàn người dân sống trong cảnh hoang mang, lo sợ.
Vợ mất chồng, con mồ côi cha vì rượu
Trở lại thôn Liên Sơn vào một chiều tháng 5/2013, từ đầu đến cuối thôn bao trùm cờ trắng lẫn trong tiếng khóc than ai oán bởi chỉ trong vòng mấy ngày đã có tới 9 người chết do ngộ độc rượu.
Nạn nhân được xác định là Mang Cạch (51 tuổi), Mang Phớ (53 tuổi), Mang Hơn (54 tuổi), Mang Hoa (46 tuổi), Mang Xoai (57 tuổi), Mang Hiệu Bơi (61 tuổi), Bay Ngọc Dũng (37 tuổi), Katơ Dáng (25 tuổi), Mang Xanh Bái (47 tuổi) và hai nạn nhân đang được cấp cứu gồm: Nguyễn Văn Ngà (SN 1966), Trần Ngọc Đen (SN 1988).Anh Nguyễn Văn Ngà, người vừa qua cơn nguy kịch trong Bệnh viện Ninh Thuận run rẩy cho biết: “Tôi và mấy người bạn khi có tiệc vui hay liên hoan thường mua rượu ở quán Năm Mùa (ngay cuối thôn Liên Sơn 2). Hôm 2/5, tôi cùng Mang Cạch, Mang Dương sang mua mấy lít rượu, khi uống được mấy ly thì thấy nôn nao, ói mửa nên về trước.Về đến nhà, tôi bỗng dưng sùi bọt mép và co giật từng cơn, may nhờ gia đình đưa vào viện cấp cứu kịp thời nên mới thoát chết”. Khi anh Ngà nhập viện xong thì cũng chính là lúc Mang Cạch, Mang Dương chết.
Thoát chết cùng ngày với anh Ngà còn có Trần Ngọc Đen, chỉ vào bụng mình, Đen bảo: “Các bác sĩ rửa ruột rồi mà tôi vẫn còn cồn cào lắm. Hôm đó, tôi mua rượu ở quán tạp hóa bà Hường cùng thôn về nhậu tại nhà, mới chỉ uống đến ly thứ 6, thứ 7 thì xây xẩm mặt mày, ói mửa, chân tay co giật”.
Đám tang Mang Xanh Bái
Trước sự việc trên, bà Thu Hường, chủ quán tạp hóa cho hay: “Chúng tôi chỉ biết nhập rượu từ nơi khác về chứ không tự nấu nên không biết trong rượu đó chứa những gì. Khi biết những người dân bị ngộc đốc chết, tôi rất bất ngờ và sợ hãi!”.Tại nhà Mang Cạch, người thứ 9 bị chết trong đầu tháng 5 vừa qua, không khí tang tóc bao trùm từ ngoài ngõ.
Ông Nguyễn Văn Đường, người dân đến phúng viếng chia buồn: “Chỉ trong có mấy ngày mà hàng chục bà vợ ở xóm này phải sống góa bụa, nhiều đứa trẻ phải mồ côi cha, đau đớn quá!”.
Ngay sát vách nhà Mang Cạch là nhà Mang Hơn, chôn cất chồng xong đã 2 hôm nay nhưng bà Mang Hút vẫn nằm bẹp trên giường vì buồn bã.
Bà nói trong nghẹn ngào: “Hôm đó là ngày nghỉ lễ nên ông ấy mới cùng hàng xóm mua ít rượu về uống cho vui, ngờ đâu uống xong thì hộc máu ra chết. Mới ngoài 50 tuổi, giờ bỏ lại đàn con nheo nhóc, tôi thì bị bệnh phổi chẳng biết những ngày tới sẽ sống ra sao!”.
Rượu độc bày bán tràn lan
Trao đổi với PV về sự việc trên, ông Nguyễn Mông, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết: “Từ trước đến nay trên địa bàn xã chưa từng xảy ra cùng một lúc 9 đám tang thế này nên ngay khi nhận được tin báo, chúng tôi đã đề nghị Trạm y tế xã kiểm tra, xác minh làm rõ”.
Trần Ngọc Đen đang điều trị ở Bệnh viện Ninh Thuận
Sáng ngày 6.5 vừa qua, Sở Y tế Ninh Thuận cho biết thứ rượu mà những người dân ở thôn Liên Sơn 2 uống và bị ngộ độc chết đã được Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm và kết quả là cả 4 mẫu rượu đều chứa hàm lượng methanol – là loại cồn công nghiệp tuyệt đối không được uống – cao gấp 1.500-1.700 lần so với mức cho phép.
Cũng theo Sở Y tế Ninh Thuận, loại rượu nồng độ methanol cao thế này, khi uống vào sẽ bị phá hủy khả năng kiểm soát của hệ thần kinh, gan và não bộ.
Theo ông Lê Minh Định – Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận, hiện kết quả xét nghiệm các mẫu rượu đã được chuyển cho cơ quan công an tiến hành truy tìm nguồn gốc cũng như xác định ai là người đứng ra pha chế cồn công nghiệp vào rượu gây chết người hàng loạt ở Phước Vinh.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Ninh Thuận, methanol có thể gây ra tử vong khi nồng độ cồn trong máu đạt tới 0,5%; nồng độ 0,3 – 0,4% gây ra tình trạng hôn mê.
Tài liệu y khoa cũng chỉ ra mối liên quan tỷ lệ thuận giữa methanol và sự phát triển của vi khuẩn acinetobacter baumannii gây viêm phổi, viêm màng não và viêm nhiễm hệ bài tiết. Vì vậy khi pha methanol vào rượu thì người uống vào sẽ rất nguy hiểm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đã có 9 người chết, nhiều người đang được cấp cứu trong Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận nhưng quan sát trên nhiều trục đường chính ở khu vực Phước Thiện, Bảo An (nơi nhập rượu không rõ nguồn gốc cho xã Phước Vinh) vẫn nườm nượp người đi chở những can rượu dạng 45 lít nhập vào các đại lý.
Một chủ đại lý thú nhận: “Dân ở đây ưa rẻ nên chấp nhận uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường. Rượu này nấu bằng gạo hay cái gì thì cũng không biết được, chúng tôi chỉ nhập về và bán vào Phước Vinh thôi”.
Một góc Liên Sơn 2 với trẻ con nheo nhóc
Theo bà Hường và chủ quán Năm Mùa cho biết đầu mối nhập rượu cho họ là ông Nguyễn Đình Toàn (xã Phước Sơn).
Hiện tại, Công an xã Phước Vinh đã thu giữ toàn bộ số rượu còn lại của ông Toàn. Bước đầu ông Toàn khai với cơ quan chức năng rượu của ông hoàn toàn được nấu từ gạo nguyên chất.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân địa phương cũng như hàng xóm nhà ông Toàn cho biết rất ít khi thấy ông nấu rượu. Có thể ông đã dùng loại men đặc biệt của Trung Quốc hay pha thêm methanol.
Ông Nguyễn Huy Hùng, một người từng có nhiều năm làm trong ngành chế biến thực phẩm và pha chế cồn ở thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, cho biết thêm: “Nếu một lít rượu bình thường bỏ thêm 300ml methanol và pha thêm 4 lít nước lã nữa thì sẽ có ngay 5 lít rượu, có đầy đủ mùi vị mà người bình thường khó phát hiện được!”.
Sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, ngày 3.5, ông Võ Đại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã trực tiếp đến thôn Liên Sơn 2 chỉ đạo các ngành chức năng cần sớm tìm ra nguồn gốc loại rượu mà các nạn nhân đã uống. Đến thăm hỏi, chia buồn với thân nhân những người chết, ông Đại đã dùng tiền cá nhân hỗ trợ 1 triệu đồng/gia đình.
Cùng với đó, ông Đại cũng cho biết đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Thuận khẩn trương xem xét hỗ trợ các gia đình này theo quy định.
Cùng với đó, UBND huyện Ninh Phước cũng hỗ trợ chi phí mai táng cho 9 người chết với số tiền 1 triệu đồng/trường hợp và gấp rút đưa ra các phương án tuyên truyền tác hại của các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc cho người dân trên địa bàn huyện.
(Theo Dòng Đời)