Kinh tế

'Hàng hiệu' giá bèo tràn lan trên Lazada, Sendo, Shopee

Nước hoa Chanel, giày Nike, Adidas, Fila, Converse… trên Lazada, Shopee, Sendo có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, trong khi hàng chính hãng không dưới tiền triệu.

Gần đây, vụ việc một đối tác của sàn thương mại điện tử Shopee bán bản đồ dành cho trẻ em có “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam khiến dư luận xôn xao.

Từ sự việc trên, nhiều khách hàng của hình thức mua sắm này không chỉ phàn nàn về trách nhiệm quản lý với đối tác bán hàng mà còn lên tiếng bức xúc về hàng loạt phiền toái họ gặp phải từ các trang thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Lazada, Shopee, Sendo…

Ma trận sản phẩm mang danh hàng hiệu

Dạo một vòng các trang Lazada, Shopee, Sendo, khách hàng có thể chọn mua bất cứ loại hàng hóa có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu như điện thoại, máy tính xách tay, máy ảnh, xe máy cho đến hàng hóa có giá trị thấp hơn như thời trang, mỹ phẩm, hàng gia dụng, bách hóa tổng hợp sử dụng hàng ngày.

Chỉ cần ngồi tại nhà và nhấp vào nút “đặt mua”, các sản phẩm này sẽ được mang đến tận nơi, thậm chí khách hàng không phải chịu phí vận chuyển nếu như giá trị hàng hóa vượt một ngưỡng cố định từ người bán hàng.

Tuy nhiên, với ma trận các sản phẩm được quảng cáo và bày bán trên các trang thương mại điện tử này, khách hàng rất khó để phân biệt đâu là hàng thật, giả, hàng chính hãng và lựa chọn đối tác cung cấp nào để mua hàng.

Chưa đến 200.000 đồng, người mua có thể sở hữu một đôi giày hiệu trên Lazada. Ảnh chụp màn hình.

Trên Sendo, riêng sản phẩm nước hoa Chanel, trang này đã có đến vài chục đối tác cung cấp với đủ mức giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Thậm chí nhiều lọ có giá chỉ 40.000-50.000 đồng nhưng được quảng cáo là hàng chính hãng sản xuất tại Pháp và xách tay về nước.

Trên Lazada, Shopee các thương hiệu giày thể thao nổi tiếng thế giới như Converse, Adidas, Nike, Fila… với giá bán chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Cá biệt, một số sản phẩm chỉ có giá hơn 100.000 đồng. Trong khi đó, giá bán tại cửa hàng phân phối chính thức của các thương hiệu này tại Việt Nam là từ một đến vài triệu đồng một đôi giày.

Tùng Nguyễn (sinh viên Đại học KHXH&NV TP.HCM) cho biết từng mua một đôi giày Converse tại Lazada với giá chỉ hơn 200.000 đồng. Mua hàng mới nhưng đôi giày chỉ mang được khoảng một tháng là bị hư.

"Lúc đó không biết giá một đôi giày chính hãng là bao nhiêu nên mới bỏ số tiền đó để mua. Tuy nhiên, thông tin giới thiệu về đôi giày lại bảo hàng hàng xuất khẩu chính hãng. Lazada nên siết chặt quản lý, nhất là các thương hiệu nổi tiếng để khách hàng không nhầm lẫn”, Tùng nói.

Không riêng thời trang, nhiều mặt hàng phụ kiện điện thoại được bán tại trang này cũng rất khả nghi về nguồn gốc. Nam sinh viên nói không thể nào một bộ tai nghe, sạc điện thoại của các hãng nổi tiếng như Samsung, Apple, Sony… lại giá chưa đến 50.000 đồng/sản phẩm như trang này bán.

Đổi trả rườm rà nên nhắm mắt làm ngơ

Không chỉ chịu rủi ro mua hàng không rõ nguồn gốc, nhiều người còn gặp những tình huống “dở khóc dở cười” về chất lượng sản phẩm khi mua sắm qua các kênh thương mại điện tử, nhất là đơn vị phân phối hàng là đối tác của các kênh.

Anh Huỳnh Thịnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể do lùng khắp các cửa hàng phụ kiện để mua một chiếc cài áo nhân ngày sinh nhật cho mẹ vẫn không có nên anh tìm thử trên Lazada như bạn bè giới thiệu. Cuối cùng, anh ưng ý một cài áo với giá hơn 100.000 đồng và quyết định đặt mua.

“Sẽ không có gì nếu chiếc cài áo này có thể sử dụng được. Vấn đề là do sản phẩm nhỏ nên tôi không xem kỹ khi nhận hàng. Hôm mang đến tặng mẹ mới tá hỏa, chốt cài của sản phẩm khi đính lên áo quá ngắn nên không thể gài lại được”, anh Thịnh nói.

Ấm đun nước mua trên kênh thương mại điện tử sau khi mở hộp kiểm tra đã bị móp méo.

Khách hàng này cho biết đó là trải nghiệm đầu tiên anh mua hàng thông qua các kênh thương mại điện tử. Anh nói trước đó vốn không tin tưởng hình thức mua sắm này do không biết đổi trả, bảo hành thế nào nếu sản phẩm bị lỗi hoặc hư hỏng. Vì vậy, đây là lần đầu cũng như cuối anh mua hàng từ các trang này.

Tương tự, anh Quân cũng chia sẻanh có mua cùng lúc 2 mũ bảo hiểm trên trang thương mại điện tử này. Do bận đi làm, người thân ở nhà nhận hàng giúp nên đến khi về kiểm tra, anh Quân phát hiện cả 2 chiếc mũ đều bị sứt đường viền và phần lưỡi trai che nắng phía trước cũng bị nứt. Anh cũng nghi vấn chất liệu làm mũ là hàng dỏm nên đành… bỏ luôn hàng vừa mua.

Mua hàng trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, không hiếm trường hợp ngay từ khi mới mua sản phẩm nhưng đã không thể sử dụng được như anh Thịnh, anh Quân. Tuy nhiên, vì cho rằng số tiền bỏ ra không quá cao, trong khi thủ tục đổi trả khá rườm rà nên những khách hàng này đã nhắm mắt làm ngơ và không khiếu nại.

Rút kinh nghiệm, anh Tuấn, một người từng gặp rắc rối về chất lượng sản phẩm từ các kênh thương mại điện tử cho rằng khách hàng nên cân nhắc việc mua các sản phẩm là thiết bị điện tử.

“Đây là những sản phẩm có khả năng bị hỏng hoặc lỗi kỹ thuật rất cao, việc bảo hành cũng rất rắc rối và tốn thời gian vì hàng sau khi trả lại, các trang sẽ chuyển ngược lại cho người bán. Nếu trong thời gian còn bảo hành hay đổi trả mà bị 2 lần trở lên coi chắc vứt luôn khỏi dùng”, anh Tuấn nói.

Tương tự, anh Khôi, một người thích sắm hàng online cũng cho biết, mặc dù kiểm tra thông tin rất kỹ, tham khảo bình luận của những người từng mua mặt hàng đó nhưng anh cũng dính “phốt” vài vụ. Anh nói, trong những trường hợp giao hàng không đúng quảng cáo, hàng lỗi nhưng mình không phải là người nhận hàng thì việc đổi trả rất khó khăn và tốn thời gian.

Khách hàng này cho rằng dù là chợ điện tử nhưng cũng nên có chính sách riêng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bởi hiện nay, hình thức mua sắm này tiện lợi và ngày càng phát triển, nhất là với những người trẻ như anh.

Không nên ham rẻ khi mua hàng trên thương mại điện tử

Bà Trương Huỳnh Trúc Chi, giám đốc marketing của một thương hiệu mỹ phẩm lớn hiện nay, cho hay mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng là một trong những mặt hàng được bán rất nhiều trên thị trường hiện nay, trong đó, có cả tại các trang thương mại điện tử.

“Nếu nhà cung cấp nào chỉ bán mỹ phẩm với giá vài chục nghìn đồng hoặc chỉ bằng 1/3 so với hàng chính hãng thì chắc chắn đó là sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng. Những người bán này đã lấy hàng từ đâu đó, hoặc sản phẩm trôi nổi, người tiêu dùng đừng quá chú trọng giá rẻ mà mua phải hàng hóa có nguồn gốc không rõ ràng”, bà Chi cảnh báo.

Người tiêu dùng không nên quá chú trọng giá rẻ khi mua hàng trên các trang thương mại điện tử.

Bà cũng lưu ý thông thường, mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng bao giờ cũng có logo hàng chính hãng từ công ty và các tài liệu, thông tin chi tiết đính kèm về thành phần, hướng dẫn sử dụng.

Giám đốc marketing của nhãn hàng này cũng cho biết thêm, hiện nay, trên các trang thương mại điện tử có rất nhiều đối tác đăng ký bán hàng khác nhau, do đó, chất lượng nguồn hàng cũng khác nhau. Người tiêu dùng nên vào các “gian hàng chính hãng” trên những chợ điện tử này để mua hàng, đảm bảo quyền lợi chính mình.

Với sự phát triển của Internet, hình thức mua sắm qua các kênh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Theo báo cáo của Google và Temasek, Việt Nam nằm trong top các nước có tỷ lệ tăng trưởng về thương mại điện tử cao nhất toàn khu vực Đông Nam Á với chỉ số của thị trường đạt mức 33%. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong nước trên 25%, dự kiến con số này hoàn toàn có thể duy trì trong 2 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, khách hàng của hình thức mua sắm qua chợ điện tử vẫn thường xuyên than phiền về hàng hóa, chất lượng sản phẩm. Vai trò của các trang thương mại điện tử trong quản lý đối tác vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Tác giả: Phúc Minh

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Shopee , Sendo , Lazada , hàng hiệu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP