Thế giới

Hàn Quốc 'đốt lò' rừng rực

Cho đến giờ, hai cựu tổng thống Hàn Quốc đang phải rơi vào vòng lao lý và nhiều cộng sự thân tín của họ bị truy tố vì nhiều tội lỗi liên quan tham nhũng và lừa dối nhân dân.

Cựu tổng thống Lee Myung Bak đến Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul để trả lời thẩm vấn hôm 14-3 - Ảnh: REUTERS

Ngay trong sáng nay (30-3), Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul thông báo một tòa án của Seoul đã quyết định gia hạn thêm 10 ngày đối với thời gian tạm giữ cựu tổng thống Lee Myung Bak.

Ông Lee Myung Bak, 77 tuổi - từng làm tổng thống Hàn Quốc (2008-2013) và thị trưởng Seoul (2002-2006), đang bị điều tra với những cáo buộc tham nhũng.

Lệnh tạm giữ hiện nay sẽ hết hạn vào ngày 31-3.

Ông Lee bị tạm giữ từ ngày 23-3 vừa qua với nhiều cáo buộc từ tham nhũng, nhận hối lộ và trốn thuế tới lạm quyền.

Các công tố viên đã tìm cách thẩm vấn ông Lee tại trung tâm tạm giam nhưng ông từ chối hợp tác.

Cơ quan công tố đã tuyên bố sẽ sớm nối lại việc thẩm vấn ông Lee tại trung tâm tạm giam nhưng ít khả năng ông Lee sẽ thay đổi quyết định. Đồng thời, các công tố viên cũng đang chuẩn bị thẩm vấn phu nhân của ông Lee, bà Kim Yoon Ok.

Sai phạm có hệ thống

Trong quá trình thẩm vấn kéo dài 21 giờ trước đó trong khuôn khổ cuộc điều tra, vị tổng thống thứ 10 của Hàn Quốc đã bác bỏ hầu hết các cáo buộc, nhưng cũng có thừa nhận một số sự việc, trong đó có việc nhận khoản tiền "ngoài luồng" từ ông Won Sei Hoon - cựu giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (NIS), thông qua một trong những trợ lý của ông.

Tuy nhiên, ông Lee sử dụng quyền cá nhân để từ chối cho biết đã sử dụng số tiền trên vào việc gì, đồng thời phủ nhận mối liên hệ của vợ ông với khoản tiền này. Ông chỉ thừa nhận đã chi 6,7 tỉ won (tương đương 6,5 triệu USD) để sửa chữa tư gia song khẳng định đây là số tiền vay mượn từ người thân.

Cựu tổng thống Lee Myung Bak đến Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul để trả lời thẩm vấn hôm 14-3 nhưng giới truyền thông không được tiếp cận ông - Ảnh: REUTERS

Vào ngày 28-3, cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng đã truy tố 3 quan chức dưới thời cựu tổng thống Lee, bao gồm ông Kim Kwan Jin - cựu bộ trưởng quốc phòng; ông Lim Kwan Bin - trưởng ban hoạch định chính sách Bộ Quốc phòng, và ông Kim Tae Hyo - cựu thư ký cấp cao của tổng thống phụ trách các chiến lược và các vấn đề đối ngoại.

Các cựu trợ lý của ông Lee đối mặt các cáo buộc nhân tiền hối hộ từ cơ quan tình báo quốc gia NIS. Các công tố viên nghi ngờ số tiền này được chuyển cho Phủ Tổng thống theo hướng dẫn của ông Lee.

Ông Lee Myung Bak là cựu tổng thống Hàn Quốc thứ 5 bị cơ quan công tố thẩm vấn sau bà Park Geun Hye, ông Roh Tae Woo, ông Chun Doo Hwan và ông Roh Moo Hyun.

Hiện Cơ quan công tố Hàn Quốc đang mở rộng điều tra hàng loạt cáo buộc tham nhũng đối với ông Lee Myung Bak, trong đó đáng chú ý có cáo buộc tham nhũng liên quan công ty sản xuất linh kiện ôtô DAS của Hàn Quốc.

Trên giấy tờ, DAS được đăng ký dưới tên anh trai của ông Lee nhưng người ta nghi ông là chủ sở hữu thực sự của công ty này.

Bốn phụ tá của bà Park bị truy tố vì giả mạo

Hôm 28-3, các công tố viên Hàn Quốc cũng đã buộc tội 4 cộng sự của bà cựu tổng thống Park Geun Hye vì giả mạo yếu tố thời gian trong các báo cáo với tổng thống liên quan đến vụ thảm họa chìm phà Sewol hồi năm 2014, khiến hơn 300 người thiệt mạng, trong đó có nhiều học sinh.

Văn phòng Công tố quận trung tâm tại Seoul đã cáo buộc cựu chánh Văn phòng Tổng thống Kim Ki Choon tội giả mạo tài liệu giấy tờ và lạm dụng quyền lực, hai cựu giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia là Kim Jang Soo và Kim Kwan Jin tội hủy hoại tài liệu nhà nước và thư ký tổng thống Yoon Jeon Choo tội khai man.

Hiện các công tố viên đang điều tra những cáo buộc cho rằng văn phòng của bà Park đã cố ý thay đổi thời gian trong lần đầu tiên bà được thông báo về vụ tai nạn, vào 10h sáng thay vì từ 9h30, nhằm che giấu nơi ở của tổng thống tại thời điểm chìm phà.

Nữ Tổng thống Park Geun Hye xin lỗi và an ủi thân nhân các nạn nhân vụ chìm phà Sewol sau khi xảy ra tai nạn. Nhưng điều tra hiện nay cho thấy trong sự kiện đó có sự tắc trách của bà Park - Ảnh: AFP

Nhân viên trong Nhà Xanh của Tổng thống Moon Jae In đã tìm thấy tài liệu từ chính quyền cũ cho thấy cựu tổng thống Park nói dối về vụ chìm phà và chính thức khởi kiện.

Trong thông báo về kết quả điều tra, cơ quan công tố trên cho biết bà Park đã nhận được báo cáo đầu tiên về vụ tai nạn vào lúc 10h20 sáng, tức một giờ sau khi ông Kim Jang Soo được Cơ quan bảo vệ bờ biển thông báo.

Theo báo cáo mà cơ quan công tố có được, chiếc phà đã bắt đầu chìm từ lúc gần 9h và đến 10h30 đã chìm hoàn toàn. Ông Kim đã cố gắng liên lạc với bà Park qua điện thoại ngay khi có thông tin về vụ tai nạn nhưng bà Park đã không trả lời cuộc gọi này và ông Kim phải mất rất nhiều thời gian để liên lạc thông qua trợ lý của bà Park.

Các công tố viên phát hiện ra rằng bà Park vẫn ở trong dinh thự của mình tại thời điểm đó, chứ không phải ở văn phòng làm việc chính. Trợ lý của bà Park phải gọi điện cho lái xe đưa đến dinh thự của bà Park ở Nhà Xanh để đích thân chuyển bản báo cáo đầu tiên cho bà Park trước khi bà đưa ra hướng dẫn chính thức đầu tiên.

Ông Kim Ki Choon bị nghi ngờ đã yêu cầu các nhân viên giả mạo các giấy tờ như thể bà Park đã được thông báo đúng thời điểm xảy ra vụ chìm tàu và sau đó liên tục cập nhật các diễn biến thông qua việc nhận được thêm 11 báo cáo trong suốt ngày hôm đó.

Tuy nhiên, tiến trình điều tra cho thấy bà Park chỉ cập nhật vụ tai nạn bằng văn bản hai lần và một lần thông qua trợ lý của bà.

Cả hai ông Kim Jang Soo và Kim Kwan Jin đều bị cáo buộc thay đổi mà không thông qua tiến trình pháp lý một số phần trong hướng dẫn xử lý khủng hoảng quốc gia để rũ bỏ trách nhiệm cho bà Park và chính phủ.

Hai quan chức này đã ra lệnh cho các quan chức cấp dưới xóa bỏ phần cho rằng Văn phòng An ninh quốc gia là "tháp điều khiển" xử lý các thảm họa quốc gia.

Cuộc điều tra của cơ quan công tố cũng cho thấy bà Choi Soon Sil - bạn thân lâu năm của bà Park, người từng bị kết tội liên quan đến vụ bê bối tham nhũng dẫn tới việc bà Park bị phế truất, đã tới thăm dinh thự bà Park vào ngày hôm đó và ở lại cùng với các trợ lý vào buổi chiều xảy ra tai nạn.

Phà Sewol được trục vớt về đất liền nhưng danh tiếng của tổng thống Park Geun Hye đã bị đánh chìm - Ảnh: AFP

Ngày 16-4-2014, chiếc phà Sewol trọng lượng 6.825 tấn đã chìm ngoài khơi đảo Jindo ở miền nam Hàn Quốc, làm 304 người thiệt mạng, trong đó 9 người vẫn mất tích, hầu hết các nạn nhân đều là học sinh trung học phổ thông đang thực hiện chuyến dã ngoại.

Các kết quả điều tra kết luận thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hàng hải Hàn Quốc này là hậu quả của một loạt những yếu tố sai phạm do con người gây ra, trong đó có việc tự ý chỉnh sửa kết cấu phà, chở quá tải và đội ngũ thủy thủ thiếu kinh nghiệm.

Tác giả: Tường Nguyễn

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: đốt lò , Hàn Quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP