Kinh tế

Hai ông bầu nổi tiếng kinh doanh và làm bóng đá thế nào?

Cùng là doanh nhân đi làm bóng đá, nhưng trên thương trường, vị thế của hai ông bầu nổi tiếng: bầu Đức và bầu Hiển hiện nay rất khác nhau.

“Đã vào bóng đá thì phải có cái tâm. Tâm huyết và yêu nó, không nghĩ gì đến lợi ích, nếu làm bóng đá mà nghĩ đến lợi ích thì sẽ không làm được”, đây là chia sẻ của ông Đỗ Quang Hiển, người được biết tới nhiều với cái tên bầu Hiển khi được hỏi về việc làm bóng đá của mình.

Trong khi những ông bầu Võ Quốc Thắng, Hoàng Mạnh Trường, Nguyễn Vĩnh Thọ, Trần Đình Long… đã phải từ bỏ môn thể thao này vì nhiều lý do khác nhau thì bầu Hiển cùng ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) còn gắn bó với bóng đá một cách nghiêm túc.

Bầu Đức chính là người đã đưa HLV Park Hang Seo về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đăng.Vị thế kinh doanh trái ngược

Cùng là doanh nhân đi làm bóng đá, nhưng trên thương trường, vị thế của hai ông bầu nổi tiếng hiện nay rất khác nhau.

Trong khi việc làm ăn của ông bầu thủ đô đang ổn định với nhiều dự án tham vọng, thì doanh nghiệp của bầu Đức đang hồi phục sau nhiều năm sóng gió.

Với nòng cốt là T&T Group, bầu Hiển đang kinh doanh trong 7 lĩnh vực chủ yếu, gồm tài chính, bất động sản, nông nghiệp, thể thao…

Tính đến năm nay, tập đoàn này có tới 60 công ty thành viên và công ty liên kết với quy mô vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 35.000 tỷ đồng.

Thông qua T&T, ông Hiển đang là cổ đông lớn nhất tại Ngân hàng SHB. Đây là một trong 5 nhà băng tư nhân lớn nhất Việt Nam, với vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng và quy mô tài sản gần 300.000 tỷ đồng. Trong năm gần nhất, SHB thu về tới hơn 20.100 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất và 1.500 tỷ đồng lãi ròng.

Không phải ngân hàng có lợi nhuận vượt trội, nhưng SHB luôn đều đặn báo lãi hàng năm.

T&T của bầu Hiển hiện cũng nắm đa số vốn tại 2 định chế tài chính nghìn tỷ là Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội và Tổng công ty Bảo hiểm Sài gòn - Hà Nội.

Từ đầu năm đến nay, T&T là cái tên tích cực nhất trong việc gom cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước lớn như Vinawind, VinaFood II, Cảng Quảng Ninh, Bệnh viện GTVT, Vigetexco…

Cùng với Vingroup, T&T của bầu Hiển chính là doanh nghiệp Việt được phê duyệt tham gia dự án đầu tư đường sắt đô thị tại Hà Nội. Dự án mà phải làm bằng “tiền thật” như lời ông bầu này từng chia sẻ.

T&T Group đã bắt tay với đối tác Bouygues của Pháp để triển khai 2 dự án gồm xây dựng, cải tạo SVĐ Hàng Đẫy (Hà Nội) vốn đầu tư 283 triệu USD; và đầu tư đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội, vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Những dự án tham vọng đủ thấy tiềm lực từ ông bầu đất thủ đô.

Trong khi đó, sau hơn 2 năm sóng gió vì nợ nần, hoạt động của HAGL mới bắt đầu ổn định trở lại sau cú bắt tay với ông chủ Tập đoàn Thaco hồi tháng 8 vừa qua.

Giai đoạn 2015-2016, doanh nghiệp của bầu Đức đã phải bán đi nhiều lĩnh vực, tài sản vì nợ nần, kinh doanh thua lỗ.

Sau năm 2016 thua lỗ nặng, năm 2017, HAGL ghi nhận doanh thu sụt giảm 29%, chỉ đạt 4.895 tỷ đồng. Nhờ việc sang tên hàng loạt khoản đầu tư như mía đường, bất động sản, cổ phiếu… doanh nghiệp này mới có lãi ròng 371 tỷ đồng.

Việc cơ cấu lại nợ trong năm 2017 chỉ giúp HAGL giảm bớt một phần áp lực trả nợ ngắn hạn khi phần lớn số này được gia hạn và chuyển sang mục dài hạn. Nhưng đến đầu năm nay, bầu Đức vẫn phải đối mặt với khoản nợ hơn 2.500 tỷ đồng đến hạn trong khi lượng tiền mặt của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn vài trăm tỷ đồng. Chưa kể hơn nghìn tỷ tiền lãi mỗi năm từ khối lượng nợ dài hạn khổng lồ.

Phải đến cuối quý III vừa qua, sau cái bắt tay với ông Trần Bá Dương tình hình nợ vay của HAGL mới được giải quyết.

Từ mức nợ vay lên trên 27.000 tỷ đồng vào giai đoạn 2015-2016, tính đến cuối tháng 9 năm nay, tổng nợ của HAGL đã giảm xuống 21.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng nhận được cam kết đầu tư từ Thaco Trường Hải vào các công ty con.

Thông qua Thaco và Đại Quang Minh, tỷ phú Trần Bá Dương đã cam kết sẽ rót xấp xỉ 1 tỷ USD để vực dậy "đế chế" nông nghiệp HAGL của bầu Đức.

Thậm chí, đến cuối quý III, ông chủ Thaco cũng đang cho HAGL vay 500 tỷ đồng với tư cách cá nhân để trang trải kinh doanh. Cá nhân bầu Đức cũng đang cho doanh nghiệp của mình mượn 427 tỷ đồng. Trước đó, ông bầu này cũng từng nhiều lần phải trích tiền túi ra để cho doanh nghiệp của mình mượn phát triển các dự án.

Điểm chung với bóng đá

Từng thừa nhận việc kinh doanh rất bận rộn nhưng bầu Hiển chưa bao giờ rời mắt khỏi bóng đá. Hình ảnh ông bầu trên sân Hàng Đẫy mỗi khi CLB Hà Nội ra sân đã trở lên quen thuộc.

Trong đội hình của tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup vừa qua, quân số đến từ CLB Hà Nội chiếm đa số. Nhiều cái tên như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu… là những “đứa con” do ông bầu này "nuôi" từ khi mới 9-10 tuổi.

Bầu Hiển từng gặp nhiều rắc rối vì đầu tư quá nhiều cho bóng đá. Ảnh: T.L.

Trong hơn 12 năm làm bóng đá, bầu Hiển cũng là cái tên gặp rất nhiều rắc rối chỉ vì đầu tư bóng đá quá nhiều.

Vào giai đoạn bóng đá Việt mới lên chuyên nghiệp, các CLB rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhà tài trợ để có kinh phí hoạt động. Một mình bầu Hiển chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm tài trợ cho nhiều đội bóng chơi tại V-League khi đó như Quảng Nam, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC, Hà Nội… Tài trợ nhiều đến nỗi, ông bầu này bị gán mác thao túng bóng đá Việt.

Nhiều người đồn đoán về động cơ phía sau bóng đá của vị đại gia này, tuy nhiên, ông Hiển khẳng định không được gì khi làm bóng đá và ông làm cũng không vì lợi ích kinh tế.

“Nhiều lúc tôi rất nản. Mình thì tâm huyết và cống hiến, không nghĩ đến lợi ích kinh tế khi đầu tư vào bóng đá. Nhưng, cũng có người không hiểu cứ nghĩ vào bóng đá ông Hiển phải lấy được cái gì đó”, ông Hiển từng chia sẻ.

Chưa rõ bóng đá mang lại lợi ích gì cho ông bầu này, nhưng mỗi khi nhắc tới bóng đá, hình ảnh ông bầu nguyên vẹn tình yêu của một người hâm mộ hơn là doanh nhân.

Với bầu Đức, lúc khó khăn nhất của doanh nghiệp, ông đã phải bán đi nhiều mảng kinh doanh gắn bó với tên tuổi của mình. Từ gỗ kỹ nghệ, mía đường, thủy điện rồi đến bất động sản... nhưng bóng đá luôn được ông giữ lại, thậm chí, còn đầu tư mạnh hơn.

Xây dựng Học viện HAGL Arsenal - JMG từ năm 2007, mỗi năm, chỉ riêng tiền duy trì thương hiệu Arsenal song hành cùng học viện đã tiêu tốn của ông bầu này 4-5 triệu USD. Hơn 11 năm qua, tổng số tiền cũng trên dưới 50 triệu USD.

Việc xây dựng và duy trì công tác đào tạo trẻ để cho ra lò những lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Minh Vương… cũng ngốn số tiền không nhỏ.

Giai đoạn 2015-2017, bầu Đức vẫn chi tới 40-53 tỷ đồng cho chi phí xây dựng dở dang tại HAGL - Arsenal JMG. Con số này tăng lên 63 tỷ đồng vào cuối tháng 9 vừa qua.

Chưa hết, chi phí đào tạo học viện cũng được ghi nhận lên tới 58 tỷ đồng; 37 tỷ đồng và 31 tỷ đồng lần lượt cho các năm 2016, 2017 và 9 tháng từ đầu năm.

Nhân số chi phí này với 10 năm, bóng đá đã tiêu tốn của bầu Đức không dưới nghìn tỷ đồng. Số tiền không hề nhỏ với một doanh nghiệp đang phải vật lộn với nợ nần suốt mấy năm nay.

Tuy nhiên, ông chủ HAGL mới đây vẫn khẳng định dõng dạc "làm được gì cho bóng đá nước nhà, tôi không bao giờ từ chối".

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG