>> Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Hà Tĩnh: Nhìn thẳng sự thật, đánh giá khách quan tình hình năm 2016
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó khăn; là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư bổ sung từ ngân sách Nhà nước giảm nhiều so với những năm trước; các dự án lớn dự kiến là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2016 triển khai chậm tiến độ, chưa đi vào hoạt động; sự cố môi trường biển vào đầu tháng 4/2016 đã làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế, môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân; các đợt mưa lũ trong tháng 10/2016 làm nhiều địa phương bị ngập lụt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân…
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ KT-XH, QP-AN năm 2016, nhiệm vụ và giải pháp năm 2017
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân, sự hỗ trợ của Trung ương và đồng thuận của doanh nghiệp, tỉnh nhà đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để ổn định tình hình. Nông nghiệp tiếp tục là trụ cột của kinh tế, sản xuất lúa được mùa, tăng nhanh diện tích, chất lượng; chăn nuôi phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng đàn; sản xuất lâm nghiệp tăng khá cao so với năm 2015.
Đặc biệt, sau sự cố môi trường, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp người dân sớm ổn định đời sống, góp phần ổn định tình hình trên địa bàn. Nhờ đó, sản xuất nuôi trồng, khai thác hải sản từng bước được khôi phục sau sự cố môi trường với diện tích thả nuôi 7.820 ha, đạt 101% kế hoạch; lượng tàu thuyền đánh bắt đã tăng dần, số tàu khai thác ven bờ đạt tỷ lệ từ 70 – 80%, tàu xa bờ đạt tỷ lệ từ 85 – 90%. Hiện đã phê duyệt đóng mới 17 tàu vỏ thép theo NĐ 67, trong đó có 2 tàu đã đưa vào sản xuất; phát triển thêm 68 tàu xa bờ, nâng tổng số lên 298 chiếc.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo, đạt kết quả khá.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp dự kiến tăng 19,16% so với năm 2015, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 24%; sản xuất và phân phối điện, nước tăng 10,5%. Chỉ số sản xuất một số sản phẩm chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách đối với người lao động, người có công, người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ, năm 2016 có 11/19 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế giảm sâu; thu ngân sách hụt 2.000 tỷ đồng; chất lượng hoạt động của doanh nghiệp thấp; tỷ lệ hộ nghèo giảm không đạt kế hoạch. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về môi trường còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Các vụ việc tồn đọng, trong đó một số vụ việc tồn đọng kéo dài nhưng xử lý chậm, chưa dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận cử tri…
Trên tinh thần bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy và của HĐND tỉnh, báo cáo khẳng định xây dựng kế hoạch năm 2017 sẽ nhìn nhận và đánh giá đúng thực chất các vấn đề nội tại của nền kinh tế tỉnh cả về quy mô, trình độ phát triển, lợi thế cạnh tranh và những khó khăn, thách thức trong năm tới, từ đó xác định các mục tiêu nhiệm vụ phù hợp, có tính khả cao thi trong việc tổ chức thực hiện nhằm định hướng phát triển nền kinh tế của tỉnh theo hướng nhanh, chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao và bền vững, trong đó chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo ổn định an ninh chính trị.
Theo đó, UBND tỉnh đề ra 11 giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2017. Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phù hợp với quy luật phát triển khách quan và điều kiện phát triển của tỉnh; đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng thực chất; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa – thể thao; xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả…
Tiếp tục chương trình nghị sự, HĐND tỉnh đã nghe Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Trọng Sơn trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thu, chi ngân sách năm 2016, dự toán 2017; nghe Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh trình bày tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016 và kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp 2017.
Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Trọng Sơn: Giải pháp thu, chi ngân sách năm 2017 đặt ra nhiều nội dung mới như: dự toán thu ngân sách HĐND tỉnh giao không vượt quá cao so với Bộ Tài chính giao; thực hiện vay thương mại nhằm bố trí nguồn thực hiện các chính sách của tỉnh; tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, tăng cường thực hiện lồng ghép nguồn lực nhằm đảm bảo sự phát triển…
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh trình bày tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016 và kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp 2017
Được sự ủy quyền của UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang đã đọc Tờ trình thông qua kế hoạch tinh giản biên chế 2016-2012 và Tờ trình thông qua Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang đọc Tờ trình thông qua kế hoạch tinh giản biên chế 2016-2012 và Tờ trình thông qua Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Tiếp đó, HĐND tỉnh đã nghe bài phát biểu chỉ đạo Kỳ họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Tán thành với những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo KT – XH của tỉnh năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ phát triển KT – XH của tỉnh năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh HĐND tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm bàn bạc, mổ xẻ, đề ra những giải pháp thiết thực có tính đột phá.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp, giải pháp thiết thực để phát triển KT – XH, bảo đảm QP – AN năm 2017 và các năm tới của tỉnh.
Trong thời gian còn lại của buổi sáng ngày khai mạc, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nghe Viện trưởng Viện KSND tỉnh, Chánh án TAND tỉnh báo cáo kết quả hoạt động ngành năm 2016, nhiệm vụ năm 2017; nghe Giám đốc Sở NN&PTNT đọc Tờ trình quy định một số chính sách khuyến khích nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2017- 2020…
Giám đốc Sở NN&PTNT đọc Tờ trình quy định một số chính sách khuyến khích nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2017- 2020…
HĐND tỉnh cũng nghe Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp; nghe Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bùi Nhân Sâm báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp
HĐND tỉnh cũng nghe Ban KT-NS HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra lĩnh vực kinh tế- – ngân sách.
Chiều nay, HĐND tỉnh tiếp tục nghe các Ban VH-XH, Pháp chế HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra lĩnh vực VH-XH và pháp chế; nghe hướng dẫn thảo luận và chia tổ thảo luận về tình hình KT-XH, các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.
* Báo Hà Tĩnh điện tử tiếp tục cập nhật các nội dung phiên làm việc này.
Nhóm P.V