Ông Lê Viết Sinh (bên trái) trình bày lại vụ việc với PV
Sau khi tòa tuyên án, bị cáo Sinh đã liên tục gửi đơn kêu oan, cho rằng cơ quan tố tụng huyện Can Lộc đã xử phạt không đúng hành vi, tính chất vụ án.
Lãnh án vì… cái gạt tay
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 14 giờ 30 ngày 15/1/2016, nhóm bạn đồng đội cùng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, gồm các ông Lê Viết Sinh (55 tuổi), Nguyễn Thanh Tuế (57 tuổi), Nguyễn Minh Hùng (55 tuổi), Nguyễn Văn Thanh (55 tuổi), Nguyễn Trọng Lạng (54 tuổi), Tôn Đức Hạnh (55 tuổi), cùng trú tại xã Vượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), sau khi đi ăn, uống rượu về, đã ghé nhà ông Nguyễn Văn Thanh ở xóm Làng Ngùi (xã Vượng Lộc) thăm, chơi.
Khi đến nhà ông Thanh thì các ông Tuế, Hùng, Thanh, Lạng vào ngồi ở bàn phía trong nhà. Riêng ông Sinh đi bộ từ ngoài sân vào sau và cùng lúc ông Hạnh đi từ phía bậc tam cấp nhà ông Thanh đi ra. Khi hai người cách nhau khoảng 50 – 70 cm thì ông Hạnh giơ tay ôm vào bờ vai ông Sinh. Do không muốn cho ông Hạnh ôm vào vai mình nên ông Sinh đã dùng tay trái gạt vào người ông Hạnh rồi tiếp tục đi theo hướng vào nhà ông Thanh.
Tuy nhiên, mới tiếp tục đi được 1 – 2 bước thì ông Sinh nghe thấy tiếng “bịch” ở phía sau. Quay đầu lại, thấy ông Hạnh ngã đập đầu xuống nền sân, bất tỉnh, ông Sinh quỳ xuống ôm, đỡ đầu ông Hạnh lên đùi mình và gọi các ông Tuế, Hùng, Thanh, Lạng chạy ra cứu ông Hạnh. Nghe tiếng kêu cứu, một số người xóm xung quanh nhà ông Thanh cũng chạy ra.
Ngay sau đó, trong quá trình xoa bóp dầu thấy ông Hạnh tỉnh lại và nghĩ ông Hạnh say rượu bị ngã, nhưng không bị thương nên mọi người đã đưa ông Hạnh vào nằm ở giường nhà ông Thanh rồi cùng ra về. Tuy nhiên, đến chiều tối cùng ngày, thấy sức khỏe của ông Hạnh không ổn định nên gia đình đã đưa nạn nhân vào kiểm tra, thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc. Tiếp đó, đến 19 giờ cùng ngày, thấy sức khỏe ông Hạnh tiến triển tốt nên bệnh viện đã đồng ý cho gia đình đưa nạn nhân về nhà chăm sóc, điều trị theo nguyện vọng.
Khoảng 5 giờ ngày hôm sau (16/01/2016), ông Hạnh có dấu hiệu đau đầu, bất tỉnh nên được gia đình tiếp tục đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu, điều trị và sau đó được gia đình đưa về nhà. Đến khoảng 6 giờ ngày 17/1/2016, ông Tôn Đức Hạnh tử vong tại nhà riêng.
Riêng ông Lê Viết Sinh (người dùng tay gạt vào người nạn nhân), sau khi vụ việc xảy ra, 16 giờ ngày 16/01/2016, đã đến cơ quan công an huyện Can Lộc khai báo toàn bộ sự việc.
Tại Kết luận giám định số 20 ngày 19/01/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Hà Tĩnh, kết luận nguyên nhân chết của ông Tôn Đức Hạnh là do chấn thương sọ não.
Liên quan đến vụ án, 27/6/2016, TAND huyện Can Lộc xét xử sơ thẩm, áp dụng khoản 3, Điều 104; điểm b,p,s khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự tuyên phạt bị cáo Lê Viết Sinh 3 năm 3 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”.
Nhiều khía cạnh cần được làm rõ
Liên quan đến vụ án, trao đổi với PV, ông Lê Viết Sinh cho rằng, sau khi vụ việc xảy ra (14 giờ 30 ngày 15/1/2016), đến lúc nạn nhân Tôn Đức Hạnh tử vong (6 giờ ngày 17/1/2016) là gần 2 ngày. Trong khoảng thời gian này, nạn nhân (ông Hạnh) đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc thăm khám điều trị, sau đó lại đưa về nhà rồi lại tiếp tục từ nhà đưa ra Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu và sau đó được gia đình đưa về, tử vong tại nhà riêng.
Tính chất, diễn biến vụ việc là thế. Nhưng điều kỳ lạ là trong hồ sơ vụ án của CSĐT -Công an huyện Can Lộc và VKSND cùng cấp làm căn cứ để kết tội ông Lê Viết Sinh lại không có hồ sơ bệnh án của 2 bệnh viện trên?
Ông Sinh cho rằng, 2 cơ quan trên chỉ căn cứ vào Bản kết luận số 20 ngày 19/01/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Hà Tĩnh, kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Tôn Đức Hạnh là do chấn thương sọ não, từ đó làm căn cứ kết tội ông về tội “cố ý gây thương tích” mà không xem xét hồ sơ bệnh án tại 2 bệnh viện trên là không khách quan, không đúng tính chất vụ án.
“Cái gạt tay của tôi liệu có phải là nguyên nhân gây ra cái cái chết của nạn nhân hay do một nguyên nhân nào khác? Có thể là do việc xử lý tắc trách của bệnh viện khi nạn nhân được đưa vào thăm khám, điều trị… cũng có thể trong quá trình di chuyển, sau khi bị ngã, nạn nhân bị tác động mạnh từ bên ngoài dẫn đến chấn thương, tử vong? Điều này, trong vụ án chưa được làm rõ”, ông Sinh nói.
Cũng theo ông Sinh, trước khi xảy ra sự việc thì ông Hạnh đã uống rất nhiều rượu và từng có tiền sử sau khi uống rượu thường hay xảy ra các hiện tượng như mê man, bất tỉnh…
“Việc tôi tránh không cho ông Hạnh ôm vào vai là do biết ông Hạnh đã uống nhiều rượu nên hạn chế tiếp xúc, chứ giữa tôi và ông Hạnh không có hiềm khích, thực tế giữa chúng tôi còn có mối quan hệ đồng đội thân tình. Và khi bị ông Hạnh chạm vào vai thì tôi, theo phản xạ tự nhiên, dùng tay trái gạt ra với lực rất nhẹ. Tôi không cố ý gạt tay để ông Hạnh ngã, nhưng cơ quan tố tụng lại khép tôi phạm vào tội “cố ý gây thương tích” là không đúng hành vi, tính chất vụ án”, ông Sinh chia sẻ.
Ông Sinh cho rằng, việc ông Hạnh ngã bất tỉnh tại hiện trường, là do nạn nhân đã uống nhiều rượu và do tác động của rượu gây nên đối với nạn nhân.
Để làm rõ vụ án sau khi nhận được đơn kháng cáo của ông Lê Viết Sinh, ngày 11/10/2016, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 60CV-TA về việc yêu cầu cơ quan CSĐT và VKSND huyện Can Lộc phối hợp bổ sung chứng cứ đối với vụ án trên.
Tiếp đó, tại Công văn số 538/VKS-HS ngày 25/102016 của VKSND huyện Can Lộc, trả lời rằng: Trong quá trình thăm khám, điều trị, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, vì một số lý do khác nhau nên không có bệnh án (?!).
Ngoài ra, căn cứ vào lời khai của những người làm chứng thì trong quá trình di chuyển sau khi bị ngã, không có tác động nào làm nạn nhân chấn thương, tử vong (?). Từ đó, cơ quan CSĐT Công an và VKSND không đưa bệnh án nạn nhân vào hồ sơ vụ án để làm căn cứ buộc tội ông Lê Viết Sinh (?!).
Nhưng ngược lại, ngày 10/1/2016, trả lời PV Thương hiệu & Công luận, ông Ngô Mạnh Hùng, Viện trưởng VKSND huyện Can Lộc cho rằng, trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT, VKSND đã “tiếp cận” hồ sơ bệnh án của nạn nhân Tôn Đức Hạnh tại 2 bệnh viện trên và có đưa 2 bệnh án vào hồ sơ vụ án, làm cơ sở để buộc tội ông Lê Viết Sinh về tội “cố ý gây thương tích”.
Ông Hùng cũng cho rằng, liên quan đến vụ án, việc cơ quan tố tụng truy tố và TAND huyện Can Lộc tuyên phạt ông Lê Viết Sinh mức án 3 năm 3 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích” là đúng người, đúng tội, đúng hành vi, tính chất vụ án (?!).
Ông Lê Công Quế, thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa (TAND huyện Can Lộc) xét xử vụ án trên lý giải: Dù “cái gạt tay” của ông Lê Viết Sinh là sự “lỡ tay”, nhưng là hành vi “cố ý” gạt tay nhằm mục đích không cho ông Tôn Đức Hạnh (nạn nhân) ôm vào vai mình, đã gây hậu quả làm ông Hạnh ngã, chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.
Vì vậy, việc TAND huyện Can Lộc kết tội ông Sinh về hành vi “cố ý gây thương tích” là đúng với hành vi, tính chất vụ án!
Luật sư Trần Đình Lợi, người trực tiếp bào chữa cho bị cáo Lê Viết Sinh cho rằng, ngay trong Bản án sơ thẩm của TAND huyện Can Lộc, cũng nhận định: “Xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có thái độ ăn năn hối hận và thực tế là sự việc xảy ra là một sự lỡ tay của bị cáo nên cần xem xét vận dụng điều 47 BLHS để xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là có căn cứ và phù hợp…”.
Cũng theo Luật sư Lợi, TAND huyện Can Lộc đã nhận định là “sự lỡ tay”, tức là hành vi “vô ý” của bị cáo Sinh, nhưng lại kết tội bị cáo này phạm tội “cố ý gây thương tích” dựa vào điều 104 BLHS là mâu thuẫn, không phù hợp với hành vi, tính chất vụ án. Đề nghị các cơ quan tố tụng vào cuộc điều tra, xem xét lại toàn bộ vụ án để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Lưu Hà – Ngọc Ánh