Kỳ Anh

Hà Tĩnh: Trung tâm huyện lị Kỳ Anh mới đặt ở đâu?

Chuyện cha ông và người đương thời là vậy.

Để hoạch định ra hai đơn vị hành chính trên đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bước đầu các nhà Tân cải cách gặp phải sự đối trọng khá quyết liệt của phái cựu trào: Chia hay không nên chia? Khi phái đổi mới khẳng định: Cần phải chia để phát triển… thì nảy sinh ra cuộc tranh luận: Đặt tên gì đây cho đơn vị mới? Nay tên đơn vị mới đã tạm thống nhất… thì vấn đề: Trung tâm huyện lị của mỗi đơn vị sẽ đặt ở đâu đang là chủ đề tiếp tục được bàn luận.
Hà Tĩnh: Trung tâm huyện lị Kỳ Anh mới đặt ở đâu?
Trụ sở UBND huyện Kỳ Anh
Lựa chọn… và lắng nghe
Theo tài liệu của UBND tỉnh Hà Tĩnh: Sau khi đã thành lập “Thị xã Hoành Sơn”, huyện Kỳ Anh còn lại 16 xã: Kỳ Phong, Kỳ Bắc, Kỳ Tiến, Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Giang, Kỳ Khang, Kỳ Đồng, Kỳ Văn, Kỳ Trung, Kỳ Tây, Kỳ Hợp, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc. Diện tích toàn huyện còn lại là 668,09km2, dân số 88.521 người.
Vậy Trung tâm hành chính của huyện Kỳ Anh sẽ đặt ở đâu hội đủ các tiêu chí mà mọi người đều chấp nhận. Những người soạn thảo đề án chọn ra 5 phương án:
1. Đặt tại xã Kỳ Phong: Diện tích toàn xã 29,39km2, dân số 7.094 người, quỹ đất xây dựng đô thị 500ha.
2.Đặt tại xã Kỳ Tiến, diện tích toàn xã 17,89km2, dân số 6.791 người, quỹ đất xây dựng đô thị 750ha.
3.Đặt tại xã Kỳ Giang, diện tích 17,20km2, dân số toàn xã 5.981 người, quỹ đất xây dựng 550ha.
4.Đặt tại xã Kỳ Trung: Diện tích toàn xã: 33,23km2. Dân số 1.798 người. Quỹ đất xây dựng đô thị 520 ha.
5.Đặt tại xã Kỳ Sơn, diện tích 90,36km2, dân số 6.591 người, quỹ xây dựng đô thị 500ha.
Nếu đặt ở các xã Kỳ Phong, Kỳ Tiến, Kỳ Giang hoàn toàn lệch về phía Bắc, người dân từ Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn… đi về huyện vượt quãng đường khoảng 40km là quá xa. Mật độ dân số khu trung tâm đông, khi GPMB phải đền bù lớn, nếu lấy vào đất nông nghiệp thì phạm vào diện tích hai vụ lúa.
Phương án 5 đặt tại xã Kỳ Sơn thì lệch hoàn toàn về phía Tây Nam, các xã Kỳ Phong, Kỳ Bắc, Kỳ Tiến, Kỳ Xuân… về huyện lị phải ngược ngàn khoảng 40km cũng không ổn.
Sự lựa chọn phương án 4, huyện lị Kỳ Anh đặt tại xã Kỳ Trung là hợp lý nhất, dung hòa được mọi tiêu chí, cung độ đi về bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc cho 15 xã khác của huyện mới.
Tương lai rộng mở
Kỳ Trung cách QL1A khoảng 4km. Nơi đây nằm bên lòng hồ đại thủy nông Sông Rác, phong cảnh rất hữu tình. Có người ví Kỳ Trung là Tây Nguyên, là Đà Lạt của vùng đất Nam Hà Tĩnh. Tiềm năng về đất đai còn rất lớn. Nếu biết tận dụng sẽ tạo ra nguồn lương thực và thực phẩm cung ứng cho Khu công nghiệp Vũng Áng và những người dân phi nông nghiệp của Thị xã Hoành Sơn, sẽ khai thác được sức lao động của người dân Kỳ Anh khỏi phải vào Nam làm thuê hái cà phê hoặc làm các công việc vặt khác.
Từ Kỳ Trung qua Kỳ Tây có một hệ thống khe, suối gồm: Khe Ươi, Khe Nồ, Khe Canh, Khe Lệ… bắt nguồn từ rừng núi Hương Khê, phía Tây huyện Cẩm Xuyên chảy về Khe Trâm, đổ vào Rào Trổ, nơi đang xây dựng hồ chứa nước với quy mô hàng trăm triệu khối phục vụ cho khu công nghiệp Vũng Áng. Từ Rào Trổ có thể dùng thuyền đến vùng xa phía Tây Nam còn nhiều vùng đất khá rộng xưa là Lâm Trường Mu Tru, Lâm trường Cẩm Kỳ. Sau này theo đường thủy lên Rào Chén, Rào Trộp, Rào Thờ… nối liền khu trung tâm của huyện mới với những vùng đất giữa miền Tây Kỳ Anh giáp với Hương Khê và Cẩm Xuyên có thể thành lập những khu dân cư hoặc trang trại kinh tế mới.
Từ Kỳ Trung sang Kỳ Hợp đến Kỳ Lâm, hình thành hai ngả:
– Ngả 1: theo QL12 đi Quảng Bình qua Lào… Nơi đây có một hệ thống khe suối: Khe Lá Tơi, Khe Nơ Nớ, Khe Su, Khe Ma Ca, Khe Moòng Coòng… đổ về sông Rào Mọn, thượng nguồn của sông Gianh. Xứ rừng núi này còn xen lẫn nhiều bãi bằng, mỗi bãi có hàng chục đến hàng trăm ha như các bãi: Dầm Đàn, Động Sàn, Đá Nhảy, Cơn Đèn, Cha Bảy, Đá Trắng, Khe Rạy, Khe Xai… còn dấu ấn của nghĩa quân Cần Vương làm kinh tế. Vậy mà sau này người dân bản địa chưa biết tận dụng khai thác. Đây là vùng đất hai phía QL12 đi Lào. Ngày xưa chưa có tuyến giao thông này thì người dân đi bộ xuyên rừng cả ngày mới đến nơi. Nay dùng phương tiện cơ giới như xe máy, xe công nông chỉ cần vài giờ đồng hồ là đến những nơi có điều kiện để mở mang sản xuất và chăn nuôi trâu bò đàn.  Và nhiều hướng làm ăn khác.
– Ngả 2: từ thị tứ Kỳ Lâm theo đường 22 xuôi Kỳ Lạc về Quảng Bình, khi chưa có đập dâng Lạc Thắng, đường đi lối lại khó khăn, nay có hồ chứa nước quy mô rộng lớn phục vụ cho Khu công nghiệp Vũng Áng, tạo thuận lợi cho người dân dùng thuyền đi đến các vùng đất chưa khai phá của thượng nguồn khe Trại Táu, khe Tum gần Đồn Biên phòng Đập Pe trên đất Quảng Bình. Theo hướng này, dân Kỳ Anh có thể thông thương với Thị trấn Ròn, Ba Đồn, Động Phong Nha và Đồng Hới của Quảng Bình.
Chúng tôi đã đi qua nhiều miền quê đất nước, chưa địa phương nào trong vùng chưa đến 20km2 mà có đến 3 hồ chứa nước: Đại thủy nông Sông Rác, Rào Trổ, Đập dâng Lạc Thắng, tổng cộng có thể xấp xỉ một tỷ mét khối nước. Đây là vùng lý tưởng cho sinh thái và nuôi trồng thủy sản trong tương lai, nếu người dân ở xứ sở này có trí tuệ và lương tâm, biết nhìn rộng thấy xa, biết trồng rừng và bảo vệ rừng, không ăn xổi ở thì theo phong cách của người nguyên thủy. Nếu cán bộ chủ trì có hiểu biết, có lương tâm, không vì lợi ích nhóm mà tư duy theo nhiệm kỳ, chỉ biết cái lợi trước mắt mà gây hậu quả lâu dài.
Huyện lị Kỳ Anh xây dựng tại xã Kỳ Trung tạo ra nguồn động lực để khai thác tiềm năng đất đai của vùng thượng Kỳ Anh mà lâu nay người dân bản địa chỉ khai thác dưới dạng tận dụng nguồn của cải tự nhiên mà chưa có tác động về kĩ thuật của con người để tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa phục vụ cho đời sống xã hội.
Những bài học… nên học
Khi tổ chức bài viết này tôi nhớ lại câu ca xưa của người Kỳ Anh: “Ngồi cội chuông vàng, đất Sơn Lâm lắm của phải kiếm đàng (đường) tìm đi…” được lưu truyền khá phổ biến. Và bỗng liên tưởng đến câu thơ của Chế Lan Viên: “Cha ông đến sớm chăng… mà cháu con thì lại muộn…?”. Vùng thượng Kỳ Anh với hàng ngàn ha đất rừng xen lẫn đồng cỏ xưa kia nổi tiếng là nơi chăn nuôi trâu bò đàn. Thời Cần Vương, Phan Đình Phùng đã cử ông Võ Phát quê xã Kỳ Thư xây dựng Khu Quân lương cho cuộc khởi nghĩa mà đại bản doanh đóng ở Hương Khê. Chín năm đánh pháp, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Trại Kinh Tế tại xã Kỳ Thượng phục vụ cho các mặt trận. Những năm chống Mỹ cứu nước, Bộ Quốc phòng đã xây dựng “Khu hậu cần” cũng tại địa bàn này.
Nay Khu công nghiệp cảng Vũng Áng – Sơn Dương Formosa hình thành, thu hút hàng vạn lao động làm thay đổi hẳn cách nghĩ và cách làm của dân bản địa. Quê hương đất nước đang tiến lên công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Rồi đây nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho khu công nghiệp là rất lớn. Những người dân Kỳ Anh có làm ra sản phẩm đáp ứng được đòi hỏi của khu công nghiệp về số lượng và chất lượng hay không đó là câu hỏi lớn đối với các nhà quản lý trong hệ thống Đảng, Nhà nước và nhân dân huyện Kỳ Anh phải suy nghĩ, chuyển mình kịp với xu thế phát triển của thời đại.
Xin kể hai câu chuyện nhỏ: Cách đây hơn 20 năm, khi gia đình ông Nguyễn Văn Nhuệ ở xã Tượng Sơn – Thạch Hà đã cắt hộ khẩu ở quê, chuyển vào Tây Nguyên. Trước khi đi hai cha con nhà này vào thăm một người bà con quê xã Thạch Lạc – Thạch Hà di dân vào xã Kỳ Tây – Kỳ Anh. Khi đi qua một vùng đất mênh mông bỏ hoang. Người cha đã mừng rỡ nói với con trai mới 18 tuổi: “Đi tìm Tây Nguyên ở đâu xa… Tây Nguyên chính là nơi này”.  Sau chuyến ấy trở về, cha con ông Nhuệ hủy bỏ kế hoạch vào Nam mà lên xã Kỳ Tây lập nghiệp. Hiện nay gia đình này có một vốn tài sản lớn về rừng trồng và khoanh nuôi, bảo vệ khoảng 500 ha ở bên bờ Tây đại thủy nông Sông Rác. Đã hai lần chúng tôi lên thăm trang trại của gia đình này. Qua tìm hiểu… mới biết mức thu nhập bình quân của mỗi nhân khẩu tính theo tổng thể cả quy trình trồng và khai thác rừng thì mỗi người không dưới 30 triệu đồng/tháng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Vinh ở xóm 7, xã Kỳ Phong cách đây cũng 20 năm đã bán hàng chục cây vàng lên mua đất trống đồi trọc ven lòng hồ Sông Rác trồng cây. Nay nhiều con trai của bà tuổi trên dưới 40 ai cũng có nhà cao tầng và nguồn tiền tiết kiệm hàng trăm triệu.

Những bài học ấy thiết nghĩ nhiều người nên học.

Tháng 4/2014

      Võ Minh Châu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP