Kinh tế

Hà Tĩnh: Thực hiện hơn 2.575 tỷ đồng khối lượng vốn đầu tư Nhà nước

Thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong 7 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 2.575,3 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư Nhà nước trên địa bàn, góp phần đưa địa phương phát triển hiện đại.


Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 2.755,3 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,04% kế hoạch năm. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.907,4 tỷ đồng, giảm 13,48% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 465,71 tỷ đồng, giảm 15,63% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 202,15 tỷ đồng, tăng 57,15% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ tính riêng tháng 7/2023, khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý ước tính thực hiện 521,78 tỷ đồng, tăng 17,53% so với tháng trước và giảm 3,6% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Cùng đó, theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 6/2023 đạt 2.990/8.905 tỷ đồng, bằng 33,6% so với kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 1,1% và bình quân chung cả nước 3,11%.

Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Hà Tĩnh đạt gần 3.000 tỷ đồng, bằng 33,6% kế hoạch.


Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 (được Quốc hội cho phép kéo dài) đạt 229/357 tỷ đồng, bằng 64% kế hoạch; kế hoạch vốn năm 2023 (giao vốn cuối tháng 3/2023) đạt 44/389 tỷ đồng, bằng 11% kế hoạch.

Đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội: Giải ngân đạt 176/810 tỷ đồng, bằng 21,8% kế hoạch (các dự án mới được giao kế hoạch trung hạn vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 nên thời gian này đang tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư, khối lượng thi công còn thấp).

Mặc dù, giá trị giải ngân cao hơn cùng kỳ và bình quân chung cả nước, song cử tri tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, con số này chưa đạt được như kỳ vọng và đang khá thấp.

Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân giữa các nguồn vốn vẫn có sự chênh lệch, nhiều công trình, dự án tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Đơn cử, một số dự án trọng điểm như: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C đoạn Thiên Cầm - Quốc lộ 1 và đoạn từ Quốc lộ 8 đến đường Hồ Chí Minh, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 0,3% kế hoạch; Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Kỳ Anh (vay vốn WB), giải ngân mới đạt tỷ lệ 13,8% kế hoạch vốn năm 2023; Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp cải tạo, mua sắm trang thiết bị 4 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện, giải ngân đạt 2,2% kế hoạch vốn năm 2023…

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, để giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao, thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư; khẩn trương đấu thầu, triển khai thi công đối với các dự án khởi công mới, dự án ODA, dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội…

Tác giả: Uyên Uyên

Nguồn tin: Báo Xây Dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP