Nghị quyết một đàng, thực hiện một nẻo

Nghị quyết số 136/2010 ngày 24.12.2010 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, “Mục VIII. Chi cho sự nghiệp giáo dục” ghi rõ “Phân bố định mức chi/1 biên chế cán bộ viên chức sự nghiệp giáo dục cấp huyện; tính đủ tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, đảm bảo chi hoạt động sự nghiệp mức 15% trên tổng chi thường xuyên”.

Nghị quyết 136 được giao cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện, áp dụng trong giai đoạn 2011 – 2015. Mặc dù quy định như vậy, nhưng trong thực tế ngân sách hoạt động sự nghiệp GD cấp cho các trường ở nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ 15%, mà thấp hơn nhiều.

Nhiều hiệu trưởng và kế toán của các trường phổ thông cho hay họ không biết đến quy định mức ngân sách cấp cho hoạt động sự nghiệp. “Phòng tài chính phân bổ ngân sách cho bao nhiêu chúng tôi biết vậy thôi, chứ bao nhiêu năm nay chưa hề nghe nói định mức chi được bao nhiêu cả” cô Trần Thị L., kế toán 1 trường ở huyện Hương Khê cho biết.

hatinh24h
Một trường học ở Hương Khê đang cần kinh phí tu sửa

Hiệu trưởng Lê Ánh Dương và kế toán Phan Thị Hà Trường Tiểu học thị trấn Hương Khê cho biết: “Trường có 939 học sinh, ngân sách năm 2014 là 5,747 tỉ đồng; chi khác 625 triệu đồng, như vậy so với quy định của HĐND tỉnh vẫn còn thiếu …”.

Nếu tính 15% trên tổng ngân sách 5,74 tỉ đồng tiền “thiếu” đó là 130 triệu; còn nếu tính tổng chi không bao gồm các khoản phụ cấp khác thì vẫn còn thiếu khoảng 50 triệu.

Trong khi đó tại Trường tiểu học Xuân Lộc (Can Lộc), năm 2015 tổng chi 3.503.406.000 đồng, chi thường xuyên 250 triệu đồng (khoảng 7,5%). Tại Trường tiểu học Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh năm 2015, tổng kinh phí được cấp 5.736.952.000 đồng, chi thường xuyên 644.737.232 đồng (khoảng 12%) , còn tại Trường tiểu học Nam Hồng năm 2015, tổng kinh phí 4.653.377.000 đồng, chi thường xuyên 628.200.000 đồng (khoảng 14%).

Báo cáo số 43/BC-HĐND ngày 29.6.2012 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh nêu: “Ngoài ngân sách cấp chi lương và các khoản theo lương, bố trí dự toán chi khác cho các cơ sở giáo dục không đồng đều, tỷ lệ khác nhau, dao động từ 6 – 15%. Một số huyện giao dự toán chi khác cho các trường thấp, chưa đảm bảo theo tỷ lệ quy định, có trường chỉ đạt 6%; có huyện giao nguồn tăng lương năm 2012 lấy trong nguồn chi khác”.

Thiếu tiền, trường chuẩn quốc gia “biến mất”?

Do ngân sách cấp không đủ, nhiều trường rất khó khăn trong tổ chức hoạt động. Cô Nguyễn Thị V., Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Lĩnh phân trần: “Vì chi khác không đủ nên các trường phải vận động hỗ trợ từ phụ huynh học sinh. Nếu thực hiện không đúng Hướng dẫn 1702 dẫn đến sai sót một vài khoản như trường bạn lại bị kỷ luật, chúng tôi rất lo”.

Nghị quyết 136 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về phân bổ ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp

Nhiều cơ sở giáo dục xuống cấp không có kinh phí tu bổ. Năm 2014, tại Hà Tĩnh có 59 trường đạt chuẩn Quốc gia bị rút danh hiệu. Huyện Hương Khê, một huyện miền núi có phong trào làm trường chuẩn quốc gia tiêu biểu bị rút 11 trường từ chuẩn Quốc gia xuống không đạt chuẩn.

“Một năm chúng tôi có hàng chục hoạt động cần tiền nào là khai giảng, tổng kết; nào là đại hội, các ngày lễ: 8/3, 26/3, 19/5, 27/7, 20/10, 20/11, 22/12; nhiều cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao, thi HSG, thi tìm hiểu, triển khai chương trình VNEN… nên rất khó khăn về kinh phí”, cô Phạm Thị P. – Hiệu trưởng Trường Tiểu học ở Đức Thọ – chia sẻ.

Thầy Lê Khắc H. (thị trấn Hương Khê) bức xúc: “Trong 3 năm, trường chúng tôi có 2 đợt nhập trường. Đợt 1 nhập 152 em từ xã Hương Xuân; đợt 2 nhập 204 em từ xã Lộc Yên nâng số lớp lên 24 và số học sinh lên 818 em mà không được cấp thêm đồng nào. Hiện trường phải lấy phòng bộ môn làm phòng học mới đủ một ca, bàn ghế chủ yếu kiểu cũ ngồi 4 em/bàn. Nhiều cuộc họp, tôi đã kiến nghị, nhưng chẳng có thay đổi gì”.

Theo bà Trần Thị Nga, Phòng tài chính huyện Can Lộc, số tiền 15% chi cho hoạt động sự nghiệp giáo dục không tính theo tổng toàn bộ ngân sách cấp cho hoạt động thường xuyên mà phải trừ phụ cấp đứng lớp, thâm niên. Như tại Trường tiểu học Xuân Lộc, 15% không phải trong tổng chi 3,503 tỉ đồng, mà theo tổng 2, 224 tỉ đồng (sau khi đã trừ phụ cấp).

Dù tính bằng cách nào thì chi thường xuyên cho trường tiểu học Xuân Lộc cũng dưới 15%. Vậy số còn lại nằm ở đâu? Bà Trần Thị Nga cho biết: “Một phần chi cho quỹ khen thưởng, một phần chi nâng bậc lương, một phần cho phòng GDĐT điều hành chung và một phần chi trả lương cho giáo viên thừa biên chế ”. Một cán bộ Phòng Tài chính huyện Hương Khê cũng cho biết là trong số 15% đó phải trích lại một phần chi cho các hoạt động của Phòng giáo dục.

Ngân sách cấp không đủ, nhiều trường khó khăn

Ông Đoàn Đình Anh- Trưởng ban VHGD HĐND tỉnh Hà Tĩnh: Trong 4 năm, Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức 2 cuộc giám sát việc thực hiện các khoản thu chi trong các cơ sở giáo dục công lập, phát hiện việc cấp ngân sách chi khác cho các CSGD chưa đảm bảo theo quy định của Nghị quyết 136/2010/HĐND và đã kiến nghị đối với HĐND và UBND các cấp. Sau giám sát việc phân bổ ngân sách cho các CSGD đã được HĐND các huyện quan tâm, tuy vậy so với quy định thì một số huyện chưa đảm bảo, nên các trường gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Lê Văn Vỵ / Lao Động