Bệnh viện huyện quá tải
Tại BVĐK Hương Khê, không khí ngột ngạt, người đến khám đông nghịt. Người bệnh chờ khám kín hành lang và các phòng khám chuyên khoa. Còn tại các giường bệnh, tình trạng nằm đôi khá phổ biến, đặc biệt là tại khoa Hồi sức cấp cứu, Nội, Nhi… Các y, bác sỹ cho biết: lúc cao điểm, không ít bệnh nhân nhẹ phải nằm giữa lối đi của phòng, thậm chí là hành lang phòng bệnh.
Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà) phải kê thêm giường dọc lối đi cho bệnh nhân nằm |
Theo bác sỹ Phan Trường Sang – Giám đốc BVĐK Hương Khê thì quá tải ở bệnh viện tuyến huyện là thực trạng chung ở tỉnh ta, đã tồn tại từ lâu và ngày càng trở nên trầm trọng. Đối với Bệnh viện Hương Khê, Sở Y tế chỉ giao 120 giường bệnh nhưng trên thực tế, số người điều trị nội trú luôn duy trì mức 180– 200 bệnh nhân. Do quá đông bệnh nhân nên bệnh viện phải mua thêm giường kê vào các phòng bệnh. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng 2 người/giường ở một số khoa.
Không chỉ nội trú mà ngay cả điều trị ngoại trú cũng đã trở nên quá tải. Trung bình mỗi ngày, BVĐK Hương Khê tiếp nhận 220-250 lượt người đến khám. Vào những lúc cao điểm như mùa nắng nóng thì số người đến khám còn lớn hơn nhiều. “Cũng may, BVĐK Hương Khê có nhiều bác sỹ nhất trong hệ thống bệnh viện tuyến huyện (39 bác sỹ) nên dù bệnh nhân đông nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bố trí khoảng 7 bàn khám để khám hết trong ngày” – Giám đốc Bệnh viện Phan Trường Sang cho biết thêm.
BVĐK Thạch Hà cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo chỉ tiêu của Sở Y tế thì bệnh viện chỉ có 150 giường bệnh nhưng trên thực tế, số lượng bệnh nhân đến điều trị lớn hơn nhiều. Để có thể đáp ứng được nhu cầu, bệnh viện đã phải trích kinh phí mua thêm giường. Thậm chí, một số phòng của trưởng khoa, hoặc những phòng hành chính có thể thu xếp được đều được tận dụng để kê giường cho bệnh nhân. Còn đối với việc thăm khám ngoại trú, hiện trung bình 1 bác sỹ ở BVĐK Thạch Hà phải thăm khám cho hơn 50 bệnh nhân/ngày, vượt xa so với mức quy định chung của ngành Y tế (35 bệnh nhân/ngày).
Các bệnh viện tuyến huyện khác như: Lộc Hà, Đức Thọ, Hương Sơn… cũng đang rơi vào tình cảnh quá tải. Theo dự báo, tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến huyện sẽ còn diễn ra trầm trọng hơn vào thời gian tới do nắng nóng, tiềm ẩn nhiều loại bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trạm y tế vắng hoe
Trong khi các bệnh viện tuyến huyện rơi vào tình trạng quá tải thì các trạm y tế xã, phường lại vắng hoe. Trạm Y tế Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) được xếp vào tốp những trạm có số người đến thăm khám và điều trị đông. Theo thống kê, trung bình 1 tháng, trạm khám và tiếp nhận khoảng 250–300 người, trong đó khoảng 70-80 người đến xin giấy chuyển tuyến, số còn lại chủ yếu là truyền dịch, mua thuốc và một số ít sinh đẻ. Ngay tại thời điểm chúng tôi có mặt, trong trạm không có bệnh nhân nào. Đó cũng đang là tình cảnh chung của hầu hết các trạm y tế cấp xã, phường ở tỉnh ta.
Bác sỹ Hoàng Thanh Lực – Giám đốc BVĐK Thạch Hà cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến bệnh viện tuyến huyện quá tải là do các trạm y tế xã, phường không phát huy được vai trò. Cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ y, bác sĩ ở các trạm y tế còn hạn chế, người dân chưa tin tưởng. Khi có bệnh, dù nhẹ hay nặng, họ cũng thường lên bệnh viện tuyến trên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, Thạch Hà còn có 5 trạm y tế ở các xã Thạch Hải, Thạch Sơn, Thạch Ngọc, Thạch Điền, Thạch Lưu chưa có bác sỹ. Còn tại Hương Khê chỉ có 16/22 trạm y tế xã có bác sỹ.
Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng lực KCB cho các trạm y tế xã, phường, như: luân chuyển đội ngũ y, bác sỹ tuyến trên về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Tuy nhiên, việc chuyển giao kỹ thuật cho các trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn. Bởi để chuyển giao kỹ thuật thành công thì cần có con người đủ năng lực chuyên môn để tiếp nhận, trong khi đội ngũ y, bác sỹ ở trạm còn nhiều hạn chế nên không dễ thực hiện.
Muốn giải quyết tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến huyện thì chỉ có cách nâng cao năng lực KCB cho các tuyến y tế cơ sở. Chỉ khi người dân yên tâm khám và điều trị những bệnh thông thường tại các trạm y tế, không vượt tuyến tùy tiện thì may ra việc quá tải mới được giải quyết phần nào. Cùng với đó là tiếp tục đầu tư, mở rộng năng lực KCB của các bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn kinh phí hạn hẹp như hiện nay thì việc thực hiện sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến huyện đang là câu chuyện chưa có hồi kết.
Hồ Phúc Quang