Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: PV GAS muốn đầu tư kho cảng LNG tại KKT Vũng Áng

Phó Tổng giám đốc PV GAS Huỳnh Quang Hải cho rằng, việc xây dựng kho cảng có công suất từ 1- 3 triệu tấn/năm tại Hà Tĩnh là phù hợp khi địa phương này được quy hoạch đầu tư kho cảng LNG.

Mới đây, Tổng Công ty Khí Việt Nam - Công ty cổ phần (PV GAS) đã có văn bản đề xuất với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về phương án đầu tư kho cảng LNG tại Khu kinh tế Vũng Áng (KKT Vũng Áng).

Phó Tổng giám đốc PV GAS Huỳnh Quang Hải cho biết, qua khảo sát khu vực bến cảng Sơn Dương (KKT Vũng Áng) có nhiều yếu tố thuận lợi, hạ tầng sẵn có và phù hợp với việc tiếp nhận tàu LNG có trọng tải đến 150.000 tấn mà không cần phải đầu tư cải tạo nâng cấp luồng, vũng quay tàu..

Một góc cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng.


Về mặt bằng quỹ đất, KKT Vũng Áng hiện có khoảng 150ha dành cho nhà máy điện Vũng Áng III là khu đất sạch đã được đền bù giải tỏa và khu vực làm cảng khoảng 42ha xây dựng kho cảng LNG. Do đó, việc xây dựng kho cảng tại Hà Tĩnh là phù hợp khi địa phương này được quy hoạch đầu tư kho cảng LNG. Theo quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trung tâm nhập khẩu và phân phối khí LNG được xây dựng tại KKT Vũng Áng.

PV GAS đề xuất được đầu tư kho cảng LNG công suất từ 1- 3 triệu tấn/năm, có tính đến khả năng nâng công suất phù hợp với nhu cầu khách hàng; đầu tư ống dẫn khí tái hóa LNG từ kho cảng đến các hộ tiêu thụ trong khu vực.

Được biết, cuối tháng 8 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với PV Power và PV GAS, 2 doanh nghiệp này đề xuất xây dựng Nhà máy nhiệt điện khí LNG và kho khí LNG tại KKT Vũng Áng.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh này triển khai lập dự án đầu tư đối với nhà máy Điện - khí LNG Vũng Áng III, thay thế Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III, quy mô công suất trước năm 2030 là 1.500 MW và công suất sau năm 2030 là 3.000 MW.

Theo tìm hiểu, dự án điện khí LNG Vũng Áng III tại Hà Tĩnh hiện nay đang được nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước như: Liên doanh Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T - Tổng Công ty Điện lực Dầu Khí Việt Nam; Liên doanh Tập đoàn Vingroup- SK E&S (Hàn Quốc); Liên doanh Công ty TNHH Siemens Gas & Power (CHLB Đức) - Công ty Samsung C&T (Hàn Quốc); Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng….đặc biệt quan tâm và muốn thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Cụ thể, Tập đoàn T&T tiếp cận với dự án tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng III từ năm 2018 và được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý về nguyên tắc cho phép doanh nghiệp này nghiên cứu, khảo sát dự án. T&T Group đề xuất đầu tư xây dựng tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng III với diện tích khoảng 123,8 ha, chưa bao gồm 100ha diện tích mặt nước, có tổng công suất phát điện 3.000 MW với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD.

Tháng 10/2020, Tập đoàn Vingroup cũng đã đề xuất thực hiện dự án nhà máy điện khí LNG Vũng Áng III, bao gồm xây dựng hệ thống cảng tiếp nhận LNG, kho chứa và nhà máy điện khí LNG. Hệ thống cảng tiếp nhận LNG có công suất 1,5 triệu tấn/năm, gồm nhà máy điện tubin khí chu trình hỗn hợp với tổng công suất 1.600MW. Diện tích xây dựng dự kiến, gồm 160 ha đất liền và 100 ha đất mặt nước. Tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 2,2 tỷ USD), trong đó vốn chủ sở hữu 15.000 tỷ đồng chiếm 30% tổng vốn đầu tư, vốn từ nguồn huy động khác là 35.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 10/2019, đại diện lãnh đạo Công ty điện khí Siemens (CHLB Đức) đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề xuất được nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng dự án nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III từ nguyên liệu than sang khí tại KKT Vũng Áng, với tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD.

Tác giả: Nguyễn Phượng

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP