Trong căn nhà xây trống trải, cô quạnh, cỏ mọc khắp nơi, những cánh cửa cũng không còn nguyên vẹn để có thể đóng lại được mỗi khi đêm về, gió thổi hay mưa bão ập đến ở rìa đầu ngôi làng nhỏ; anh Nguyễn Đình Thái – vốn bị bệnh tâm thần, năm nay 46 tuổi một mình ngồi hút điếu thuốc lá, khuôn mặt vô hồn lâu lâu lại nói những câu vô nghĩa.
Tình yêu vợ con vô bờ từ những bức thư
Thầy giáo – Liệt sĩ Nguyễn Đình Xước từng sống, chiến đấu và hy sinh ở chiến trường Quảng Trị – một trong những chiến trường ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thầy giáo – Liệt sỹ Nguyễn Đình Xước |
Giữa khói lửa mịt mùng của bom đạn chiến tranh, không lúc nào ông không nghĩ về và quan tâm, dành tình yêu thương, lòng chung thủy son sắt đối với người vợ và người con nhỏ yêu thương ở hậu phương. Điều này được thể hiện qua gần 40 bức thư ông gửi về từ cách đây hơn 43 năm mà đến nay gia đình ông còn giữ lại được.
Sau một thời gian dài yêu nhau, hai ông bà kết hôn vào năm 1959 nhưng chưa có con. Đến năm 1965, ông nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc.
Trong bức thư đề “ngày…tháng 10 năm 1967”, ông viết: “...bây giờ ta hãy đề cập đến chuyện con cái: nói cho chí lý thì chuyện ấy rất dễ mà cũng rất khó em ạ….Cũng không ai lấy chồng vợ mà trông không có con cái cả…còn ta thì không ai muốn sự việc đó. Nhưng rồi đây chúng ta có thể một là do em, hai là do anh, ba là do điều kiện công tác chung mà không thể có con được thì sao, ý nghĩ của em lúc đó sẽ thế nào? Cuộc tình chúng ta có bị sứt mẻ không? Chúng ta có lạc lõng với nhau không? Chuyện đó thì lập trường trước sau như một của anh là như anh đã trao đổi với em đêm nào đó: không có gì thay đổi… chúng ta hãy yêu nhau trọn đời, chung thủy với nhau suốt đời. Số người như ta trong xã hội không phải là ít….”.
Tập thư của liệt sỹ Nguyễn Đình Xước được gửi về cho vợ và con từ chiến trường khốc liệt Quảng Trị |
Trong một về phép hiếm hoi trên hành trình dài của cuộc chiến ông lại lao vào chiến trường mà không bao giờ nghĩ tới việc mình sắp có được niền hạnh phúc lớn lao.
Số là, khi một người đồng đội vừa từ quê trở vào báo tin vợ mình bị ốm nhưng đã có thai, chính ông cũng không tin : “…cuối cùng anh nói dở thật dở hay anh đoán em có khả năng có thai rồi nhưng anh không tin thật vì em bị đau nặng. Nhưng nếu có thì càng hay – sướng biết là bao”, ông viết trong một bức thư gửi về.
Và cuối cùng lòng khát khao cháy bỏng có con của ông bà cũng được đền đáp. Năm 1968, đứa bé Nguyễn Đình Thái, kết quả tình yêu của vợ chồng ông cất tiếng khóc chào đời.
Ở ngoài chiến trường, rất ít khi được gặp con, nhưng ông luôn quan tâm, dặn dò vợ nuôi nấng, chăm sóc và dạy dỗ con thật tốt: Trong bức thư đề “ngày 5 tháng 6 năm 1969” ông viết: “…Em nhớ cố gắng chăm sóc con chóng lớn là điều mong ước lớn nhất của anh – vì rằng vợ chồng xây dựng gia đình đã 10 năm chẵn nay mới được tý con, đó là nguồn hạnh phúc chung”.
Trong những ngày chiến đấu ác liệt nhất, ông lại nhớ vợ con da diết: “…Tình cảm vợ chồng lúc xa nhau thật là khao khát. Hằng ngày đưa mắt nhìn về phương Bắc gợi nhớ cơn sầu lòng thương con nhớ vợ. Hình ảnh đứa con thơ chạy lon ton, miệng bô gọi Ba…ba…từng giờ mong ước được gặp cha để thấy mặt, chắc nó mong cha về để được tặng kẹo…” ( thư đề “Quảng Trị ngày 6 tháng 6 năm 1970”). tất cả các bức thư gửi về sau đó đều thấm đẫm tình yêu, sự lo lắng ông dành cho đứa con còn nhỏ dại của mình, mong nó ngày một lớn khôn và sẽ luôn tự hào vì có một người bố luôn trung thành với cách mạng, với Tổ quốc.
Nhưng chưa kịp trở về và được tận tay chăm sóc, dạy dỗ con nên người thì vào ngày 26 tháng 6 năm 1971, ông đã hy sinh tại Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị. Đến bây giờ, phần mộ của ông vẫn chưa tìm được.
Giấy báo tử và sơ đồ mộ chí củ liệt sỹ Xước |
Có thể mong ước lớn nhất là đứa con trai yêu thương của mình khôn lớn nên người, trở thành một người có ích cho xã hội có thể đã được thực hiện nếu như anh Nguyễn Đình Thái – con trai duy nhất của ông từ lâu đến nay không bị bệnh tâm thần.
Nỗi đau người con bị bệnh tâm thần
Anh Nguyễn Đình Thái bị bệnh tâm thần phân liệt thể di chứng “F 20.5” vào cuối những năm 80 của thế kì XX.
Mẹ của anh, bà Trần Thị Sỹ – người từng là nữ y tá, công tác 27 năm ở bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh – đã mất vì bệnh tật vào tháng 3 năm 2006. Hiện tại, người nhận nuôi và chăm sóc, nấu ăn hằng ngày cho anh là bà Ngô Thị Chu, – ở cùng làng, là người Mự của anh.
Bà Chu cho biết, từ năm 1986 đến năm 1989, hai người chú ruột thân yêu còn lại của anh, một chú thì mất vì tai nạn lao động trong giờ làm việc (1986), còn một chú là thương binh cũng mất (1989), đây thực sự là những cú sốc tinh thần lớn đối với anh. “Và chính trong khoảng thời gian này, không biết ngoài những cú sốc về tinh thần như trên thì còn vì nguyên nhân gì nữa không mà anh phát bệnh tâm thần từ đó cho đến bây giờ”(bà Chu không biết rõ, trong khi mẹ anh đã mất nên rất khó xác định nguyên nhân anh bị bệnh).
Bà Chu, vốn chồng mất sớm, làm ruộng vườn, một mình vất vả nuôi ba người con khôn lớn – hiện tại đang kiếm sống và đã xây dựng gia đình ở TP Hồ Chí Minh, hoàn cảnh cũng không lấy gì làm khá giả. Bà nhận nuôi anh Thái vì ngoài bà ra, anh không còn một ai nương tựa để có thể nhờ cậy.
Sau khi mẹ anh mất, ngoài việc đưa đi bệnh viện Hà Tĩnh khám, bà Chu còn gom góp tiền đưa anh đi Bệnh viện tâm thần Trung ương ở ngoài Hà Nội khám và chữa trị hai lần vào các năm 2006 và 2009, tuy nhiên không có kết quả. Từ đó đến nay, bà thường bảo và bắt anh đi khám lại tiếp nhưng anh nhất quyết không đi, cũng không chịu uống thuốc.
Người con trai duy nhất của liệt sỹ Xước bị bệnh tâm thần và người thân duy nhất còn sống |
Bà Chu cho biết, hiện tại bệnh của anh vẫn vậy, không hề thuyên giảm. “Khi nói chuyện, thường những câu đầu anh vẫn còn nhận thức được, một số sự việc anh vẫn biết, nói chuyện được, nhưng sau đó thì không còn để ý và nhận thức, giao tiếp được bình thường với mọi người. Đã vậy, bây giờ đến hai hàm răng của anh cũng không còn nguyên vẹn, răng hàm dưới đã rụng hết, răng hàm trên của anh còn mười mấy chiếc, rất khó trong ăn uống và thường xuyên bị đau. Tội lắm”. Bà Hồng, hàng xóm của anh nói “Nhất là vào những ngày trái gió trở trời, anh thường nói lảm nhảm, chửi bới và bỏ đi linh tinh, bà Chu thường phải nhờ người cùng chạy đi tìm khắp nơi”.
Hiện tại anh ở trong ngôi nhà tình nghĩa của đơn vị Sư đoàn 361 và ngành giáo dục xã Cẩm Yên trao tặng vào năm 2004. Tuy nhiên, do xây dựng cách đây khá lâu căn nhà nhỏ của anh đã bị xuống cấp, đầy bụi bặm như không có nhà ở. Nhưng điều khiến tôi đau xót nhất khi biết, đến cái nhà vệ sinh anh cũng không có, không đủ tiền để làm. Tiền hưởng theo chế độ gia đình liệt sĩ và nuôi dưỡng hằng tháng chỉ vừa đủ để chăm lo ăn ở, lo giỗ, ma chay và cuộc sống hằng ngày cho anh, không đủ để làm hay sửa sang lại ngôi nhà cho anh được. Chị Vân, một hàng xóm của anh nói: “Nhà vệ sinh không có, lại bị tâm thần không biết gì nên anh thường đi vệ sinh ngoài đồng, thậm chí đi linh tinh…”.
Ông Trần Đình Đại, bí thư chi bộ thôn Minh Lạc cho biết: “Trường hợp anh Thái thì cả xóm, thậm chí cả xã đều biết. Là con trai duy nhất của liệt sĩ, lại bị bệnh tâm thầm, tuy đã được sự quan tâm theo chế độ của nhà nước nhưng không thể đáp ứng được cuộc sống, nhà cửa dột nát, không có nơi nương tựa về sau, bệnh tình thì ngày càng nặng”. Ông mong sẽ có một cơ quan, đơn vị nào đó giúp anh có thể chữa được lành bệnh.
Riêng bà Chu, người hằng ngày vẫn nấu cơm ở nhà mình cho anh về ăn mong ước: ” Tôi bây giờ đã 60 tuổi, không còn đủ sức khỏe và điều kiện để có thể đưa cháu đi chữa bệnh nữa. Bây giờ tôi không có mong ước gì hơn, chỉ mong cháu được môt cơ quan, đơn vị nào đó giúp đỡ, đưa đi chữa bệnh; ít nhất để cháu có thể tự nhận thức được bản thân, lo được những cái tất yếu cho mình, có thể hòa nhập và tiếp xúc bình thường với xã hội bên ngoài là tôi vui lắm rồi”.
Mai Nguyễn – Hà Vũ