Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: H.T |
Ngày 7.4, ông Bùi Hồng Nhật - Trưởng phòng Quản lý Thu BHXH tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, tính đến cuối tháng 3.2021, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.442 đơn vị, doanh nghiệp nợ 93 tỉ đồng (gồm cả tiền lãi) tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, nợ BHXH 59,8 tỉ đồng, BHYT 4,5 tỉ đồng, BHTN 1,7 tỉ đồng, nợ lãi chậm đóng 26,7 tỉ đồng. Đặc biệt, có một số doanh nghiệp nợ lớn, kéo dài nhiều năm như Công ty TNHH MTV đóng tàu Bến Thủy nợ 22,7 tỉ đồng; Công ty CP Sông Đà 27 nợ 5,9 tỉ đồng tính đến tháng 9.2015. Hiện công ty này không còn lao động, đã tạm ngừng hoạt động. Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Hà Tĩnh nợ 2,58 tỉ đồng; Công ty CP 474 nợ 1,25 tỉ đồng…
Theo ông Bùi Hồng Nhật, số nợ trên so với các năm trước thì đã cao hơn. Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị gặp khó khăn. “Từ năm ngoái đến nay, phần lớn các đơn vị vẫn để nợ vậy chứ không nộp được bao nhiêu” - ông Nhật nói. Ông Nhật còn cho hay, phía BHXH Hà Tĩnh cũng đã thực hiện các giải pháp để thu hồi nợ, gồm cả lập đoàn thanh tra đi đến 20 doanh nghiệp nợ để đôn đốc, phối hợp với công đoàn, với công an kinh tế để thu hồi… nhưng kết quả thu hồi vẫn “không ăn thua”.
“Cơ bản các doanh nghiệp khó khăn thật sự chứ không phải cố tình trây ỳ trốn đóng bảo hiểm. Bởi thực tế doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ một số ít là doanh nghiệp lớn, còn lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ lẻ hoạt động không hiệu quả” - ông Nhật lý giải. Ông Nhật cũng thừa nhận, dù là nguyên nhân gì thì rõ ràng việc chậm đóng bảo hiểm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, khi họ cần giải quyết những chế độ về quyền lợi của mình liên quan đến bảo hiểm sẽ không giải quyết được.
Ông Lê Văn Chí - Trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, liên quan đến vấn đề nợ đóng bảo hiểm, tổ chức công đoàn Hà Tĩnh cũng rất quan tâm nhưng chỉ với vai trò cùng tham gia, chứ từ khi Luật BHXH mới có hiệu lực, bên cơ quan BHXH chủ yếu phối hợp với công an để thu hồi nợ. “Về cơ bản, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì người lao động được đóng bảo hiểm đạt cao, chiếm tỉ lệ gần 80%” - ông Chí chia sẻ. Cũng theo ông Chí, LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên đôn đốc và giao chỉ tiêu về số lượng đoàn viên, người lao động được đóng bảo hiểm cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nên cơ bản lao động trong doanh nghiệp có tổ chức công đoàn được đóng bảo hiểm đầy đủ, đạt cao. Còn doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì tỉ lệ đóng đạt thấp.
Tác giả: TRẦN TUẤN
Nguồn tin: Báo Lao Động