Mặc dù thời gian cách tết Nguyên đán không bao xa nữa, nhưng thời điểm này tại Cảng cá Cửa Sót lại rất đông đảo tàu thuyền cập bến. Họ (ngư dân-pv) cho rằng năm nay thời tiết đẹp, thuận lợi cho những chuyến đi đánh cá, tôm… để kiếm tiền về sắm tết.
Đang xắn từng tay lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi, bà Thịnh một ngư dân Hà Tĩnh có thâm niên trong nghề lưới vó cho biết, “tôi xuất phát trong gia đình làng chài, theo bố mẹ từ hồi còn nhỏ. Đến nay chúng tôi luôn xem biển là nhà, thuyền là giường, mặc dù năm nay đối mặt với bao nhiêu khó khăn như sự cố môi trường biển, sau sự cố đó nhiều lần ra khơi nhưng không ít lần trở về với con thuyền nhẹ tênh”.
Cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh |
Về nơi đây mới biết, nghề đi biển không phải chỉ là những người đàn ông, thanh niên vạm vở mà còn có nhiều chị em phụ nữ, trẻ nhỏ đang theo nghề nối nghiệp.
Chiều những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về bên bờ Cảng chứng kiến cảnh nhiều em nhỏ có khuôn mặt đen sạm, đang cần mẫn gỡ những chiếc lưới bị rách, để chuẩn bị cho một đêm ra khơi sắp tới.
Đang cùng mẹ gỡ những chiếc lưới sau một đêm bám biển về, em Lương Văn Chính (SN 2004), quê ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chia sẻ, sau khi học hết lớp 6 Chính đã nghỉ học, rời quê hương, ra bám biển theo nghề cùng bố mẹ.
Học hết lớp 6 Chính đã nghỉ học, rời quê hương, ra bám biển theo nghề cùng bố mẹ |
“Bình thường cứ 12 giờ trưa cập cảng, thì đến tầm 5h chiều em lại đi cùng bố ra biển để đánh ghẹ, cua, đến sáng lại về. Dù mệt nhọc, nguy hiểm nhưng được bên bố mẹ, được đi biển em vẫn thích”, Chính tâm sự.
Cạnh thuyền gia đình em Chính, chiếc thuyền của hai mẹ con em Nguyễn Văn Huy (SN 2002), quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), cũng vừa cập bờ sau một đêm trên ròng rã mưu sinh trên biển. Dưới cái lạnh tê tái của mùa đông, nhưng trên khuôn mặt của Huy vẫn đổ những giọt mồ hôi.
Đang tất bật dọn rửa thuyền giúp mẹ, Huy kể về cuộc sống của mình, sau khi học hết lớp 9, do hoàn cảnh khó khăn, nên ra biển cùng mẹ đi biển kiếm thêm thu nhập.
“Gia đình em có 3 anh chị em, hai anh chị đã lập gia đình, còn mình em ở nhà, vì không có điều kiện nên em nghỉ học theo mẹ đi biển đến nay đã được gần 2 năm”, Huy nói.
Bé Đặng Đông mới hơn tuổi đời đã cùng bố mẹ ra khơi bám biển |
Tại đây, không những có nhiều em đang ở độ tuổi đến trường đã phải nghỉ học, mà còn có nhiều em mới chập chững bước đi đã cùng mẹ ra biển.
Do hoàn cảnh gia đình, dù mới hơn một tuổi, chưa biết đi, chưa biết nói nhưng bé Đặng Đông (SN 2015) trú tại Quỳnh Phương (Nghệ An) đã phải lên thuyền sinh sống cùng bố mẹ.
Chia sẻ về cuộc sống, chị Nguyễn Thị Hoa (mẹ bé Đông) cho biết, “điều kiện khó khăn nên cưới chồng sinh con xong là đi theo nghề biển luôn. Hoàn cảnh khó khăn, không có ai chăm con để hai vợ chồng đi làm, đành phải đưa cháu ra khơi cùng”.
Theo nghề biển nay đã được hơn 30 năm, cô Hoàng Thị Tuyết (56 tuổi), quê Nghệ An chia sẻ, phụ nữ mà làm nghề biển thì quá vất vả, nhưng để cho con cái ăn học đầy đủ, hai vợ chồng phải cố gắng làm.
Những người phụ nữ chung sống với nghề bám biển lâu năm |
“Nghề này không chỉ cật lực mà còn nguy hiểm, có nhiều hôm sống to thuyền bị lật, may mà có người cạnh đó cứu chứ không thì chết cả gia đình. Mỗi đêm trừ chi phí ra thì cũng được khoảng 2 triệu, nhưng vất vả lắm, ai mà không yêu nghề thì đã bỏ từ lâu rồi!”, cô Tuyết vui vẻ nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tuấn Sơn, GĐ Ban quản lý các Cảng cá Hà Tĩnh cho biết, tại khu tránh bão dành cho các ngư dân ngoại tỉnh có 50 tàu thuyền đánh bắt và trú đậu, đa phần là các ngư dân tại Quỳnh Lưu (Nghệ An), họ thường làm theo mùa vụ, đánh bắt khoảng 2 tháng là họ lại di dời. Trong những chiếc thuyền đó, phần lớn là các hộ gia đình sinh sống ngay trên thuyền. Cứ chiều ra biển, đánh trong đêm, sáng lại về.
Trên những chiếc thuyền đó có rất nhiều đứa trẻ mới học hết cấp 1 đã nghỉ học ra phụ giúp bố mẹ. Đa phần những đứa trẻ đó là có cuộc sống khó khăn, không đủ tiền để tiếp tục theo học nên phải nghỉ ra biển cùng bố mẹ, ông Sơn nói.
Nguyễn Đạt