>> Hà Tĩnh: Nhịp cầu nối yêu thương, những niềm vui chưa trọn vẹn (Bài 1)
Chưa sử dụng đã xuống cấp
Tin tức cho hay, đó là thực trạng đang xảy ra tại hai cây cầu nằm trong dự án “Nhịp cầu yêu thương” được triển khai tại tỉnh Hà Tĩnh.
Qua quan sát của chúng tôi, cầu treo Chợ Quánh, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang và cầu treo MaKa tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê đã bắt đầu có tình trạng sụt lún, rạn nứt ở hai bên mố cầu. Đặc biệt, ở cầu MaKa, những tảng bê tông và đá móng sụt lún theo từng thớ, chân cầu phía trên hầu như sụt lún hoàn toàn.
Chính quyền địa phương tại đây cho biết, hai cây cầu này vẫn chưa được nghiệm thu để bàn giao cho UBND xã. Câu hỏi lại tiếp tục đặt ra, chất lượng các công trình trên liệu có đảm bảo?
Theo người dân địa phương phản ánh, chúng tôi tìm về tại xã Hương Thọ để “mục sở thị” sự việc. “Cô xem, cầu mới làm xong chưa gì đã nứt, rạn rồi. Không biết thế này đi lại có an toàn hay không?”, bác Phan Anh Dũng (SN 1962), trú tại xóm 2, xã Hương Thọ lo lắng nói. Được biết, gia đình bác sống ở bên kia cầu Chợ Quánh, việc đi lại trên cầu là thường xuyên, nên khi phát hiện mố cầu có dấu hiệu bị rạn nứt, bác rất hoang mang.
Theo quan sát, phía hai bên mố cầu bắt đầu có những đường rạn, chạy từ trên chân cầu xuống mố cầu, tạo ra những đường nứt, phía hai bên chân cầu bắt đầu có dấu hiệu bị sạt.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch xã Hương Thọ, được cho biết: “Bên xã chưa nghe phản ánh về sự việc này và địa phương không giám sát vì công trình thuộc quản lý của tỉnh và bộ”. Ông Cường còn cho biết thêm, công trình hiện tại đã xong nhưng chưa nghiêm thụ và bàn giao cho địa phương.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại cây cầu treo Ma Ka, xã Hương Giang (Hương Khê). Ở đây hiện tượng sụt lún có phần nghiêm trọng hơn. Hai bên chân cầu, những khối bê tông vỡ ra, sụt lún sâu thấy được cả nền đất cát phía dưới. Hai bên mố cầu, những đường nứt theo đá móng, tạo ra những đường rạn chạy thẳng xuống hầm cầu.
Anh Trần Văn Tuyên (SN 1985), sống tại xóm 6 (Hương Giang) lo lắng nói: “Cầu mới làm nhưng đã lún sạt như thế rồi. Nhà tôi ở bên kia khe nên đi qua cầu này suốt. Thấy cầu mới xong, đã hư hỏng, bà con quê tôi thấp thỏm hoang mang, nhưng cũng không biết làm thế nào”.
Được biết, số hộ dân được hưởng lợi từ cây cầu này bao gồm xóm 3, 4, 5 và 6. Vị trí cầu lại nằm trên trục chính đường liên thôn, lưu lượng người hàng ngày đi qua cầu rất nhiều. Bởi vậy, khi phát hiện cầu có dấu hiệu xuống cấp, anh Tuyên và bà con trong xóm rất lo.
Anh Trần Văn Tùng (SN 1985), sống ở bên cầu và cũng là công an xã Hương Giang cho biết, khi đơn vị thi công làm cầu, anh là người trực tiếp ở đó nhiều nhất. Bởi thế, anh rất lo ngại về chất lượng của cây cầu này. “Dưới không làm móng, chỉ kè đá hai bên, nếu lấy que chọt vào thành kè là vữa đã vỡ ra rồi. Giờ chưa đến mùa thì chưa thấy, chứ lụt là sẽ trôi ngay”, anh Tùng lo lắng nói.
Trao đổi với ông Phan Đình Hùng, Chủ tịch xã Hương Giang, chúng tôi được biết, hiện tại cầu đã xong nhưng chưa thấy nghiệm thu, bàn giao cho địa phương. Và, xã cũng không biết đơn vị nào thi công, giám sát. “Địa phương chỉ được làm việc một lần với bên sở về vấn đề giải phóng mặt bằng và tạm trú tạm vắng”, ông Hùng nói.
|
Cầu treo Ma Ka, xã Hương Giang (Hương Khê) đang có dấu hiệu sụt lún. |
Như vậy, vấn đề xung quanh những chiếc cầu nối yêu thương đến với người dân vùng lũ cần được kiểm tra, rà soát chặt chẽ. Đặc biệt là chất lượng công trình, để đảm bảo an toàn việc đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa lũ.
Trao đổi qua điện thoại với ông Phan Văn Trung, Giám đốc Ban QLDA phát triển vốn giao thông và sự nghiệp (Sở GTVT) thì được biết: “Bên đơn vị đã nắm được vấn đề này, nhưng công trình đang trong giai đoạn bảo hành. Sự việc này không trả lời với cơ quan báo chí được vì phải theo trình tự (?!)”.
Những niềm vui chưa trọn vẹn
Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa thể quên được vụ lật đò đau thương cách đây 10 năm, làm 40 người thiệt mạng tại bến thôn Liên Hòa, xã Đức Liên (Vũ Quang); hay một thầy giáo Trường THCS Hương Thọ do trời mưa, không có đò, bơi sang sông thăm học sinh ốm, rồi bị chết đuối. Gần đây nhất là cái chết thương tâm của bé gái Nguyễn Thị D. (SN 1999) tại xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)…chỉ vì đi qua cây cầu tạm, đã xuống cấp trầm trọng. Mặc dù địa phương lập tờ trình đã 3 năm nay, nhưng vẫn chưa được cấp trên phê duyệt. Và còn rất nhiều nơi khác, người dân đang mong ước có những cây cầu.
Vẫn biết, dự án đậm tính nhân văn, mang tên “Nhịp cầu yêu thương’’ đã thực sự có ý nghĩa với cuộc sống của những người dân vùng lũ, đảm bảo được tính an sinh xã hôi. Tuy nhiên, giá như đề án mang tính thực tiễn này hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con hơn, thì những niềm vui đó sẽ được san sẻ và giá trị nhân văn của dự án thực sự trọn vẹn hơn.