Kỳ Anh

Hà Tĩnh: Nhiều núi đất “không cánh mà bay” và “bí mật” sau những công trình (Bài 1)

Thời gian gần đây, nhiều núi đất trên địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang xảy ra tình trạng “không cánh mà bay”, điển hình là khu vực núi Cao tại thôn Sơn Bắc (xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh). Theo đó, một số công trình đang lập lờ có dấu hiệu gian lận trong thời gian thi công.

Nhận được phản ánh của người dân, chiều 1/3, PV đã có mặt tại khu vực núi Cao tại thôn Sơn Bắc (xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh). Đập vào mắt chúng một cảnh tan hoang, núi đồi bị “xẻ thịt” không thương tiếc, theo người dân địa phương cho biết thì trước đây khi chưa bị tàn phá và nơi đây có phong cảnh rất đẹp, là biểu tượng của thôn từ muôn đời nay.

Theo như một người dân sống gần khu vực núi Cao cho biết: “Từ khi huyện Kỳ Anh xây dựng công trình đê Kỳ Thọ và đường thì chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công đem máy móc, phương tiện, xe cộ đến đây lấy cả năm trời nên dẫn đến như thế này, lượng đất phía dưới chân núi họ đã lấy hết. Người dân nơi đây luôn sống trong tình trạng lo sợ mỗi khi mưa to, gió lớn vì lượng đất đá phía trên lở trôi xuống rất nguy hiểm”.

Bà Ái – người dân nhà sát bên vách núi cho hay: “Thấy xã bán thì người dân xung quanh khu vực đó cũng bán theo nên mới mất nhiều đất như thế đó”.

Khu vực núi Cao tan hoang do bị khai thác trái phép

Trước vấn đề trên, PV đã có cuộc làm việc với ông Lê Thanh Bình- Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ông Bình cho biết: “Công trình  đê Kỳ Thọ từ gói số 1 đến gói số 7 đều có lấy đất ở đó nhưng một ít thôi”.

Khi PV đề cập vấn đề tình trạng khu vực Núi Cao bị tan hoang như thế sao lại lấy ít thì ông Bình phân trần là do các thôn xây dựng NTM nên cũng có lấy đất ở đó để làm đường.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Minh Diễn – Trưởng phòng TN&MT huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nói: “Tôi và phòng cũng chưa nắm được tình hình này”.

Ông Nguyễn Giang Đông – Phó phòng TN&MT huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khẳng định: “Tại khu vực núi đất đó thì không có cấp phép gì hết, ai khai thác như thế là vi phạm pháp luật”.

Được biết, theo luật xây dựng thì một hồ sơ liên quan đến một công trình hoặc dự án nào đó có sử dụng đất, đá thì phải lấy mẫu đất, đá tại một mỏ có giấy phép đưa đi thí nghiệm, nếu đạt chất lượng thì sẽ được các bên phê duyệt cho lấy tại đó để làm dự toán, chi phí cho công trình.

Đồi núi bị “xẻ thịt” không thương tiếc, nguy cơ sạt lỡ đất, đá ảnh hưởng đến an toàn của người dân

Theo thời gian gần đây, nhiều công trình trên địa bàn huyện Kỳ Anh lấy hồ sơ của mỏ đất có giấy phép để làm hồ sơ nhưng rồi sau đó một số đơn vị thi công lại không hề lấy một khối đất đúng như trong hồ sơ dự toán ban đầu đã ký kết nhưng công trình của vẫn nghiệm thu đạt chất lượng, thanh toán như trong hồ sơ.

Ông Phạm Văn Dũng – Trưởng Ban Quản Lý Các Dự án Đầu Tư XDCB huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh): “Khi lập hồ sơ dự toán như thế nhưng sau khi thi công họ có thể lấy chỗ khác miễn sao mỏ đó được cấp phép”.

Trong cuộc phỏng vấn với ông Dũng (Trưởng ban quản lý các dự án huyện Kỳ Anh), chúng tôi đưa ra những ý kiến sau: Ban quản lý dự án là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát hồ sơ, giám sát chất lượng vật liệu, chất lượng công trình,đảm bảo các yếu tố khi thanh quyết toán công trình đúng như hồ sơ dự toán thì tại sao ông Dũng lại nói có thể lấy chỗ khác là sao? Thế thì việc thí nghiệm chất lượng vật liệu, dự toán và chi phí để làm gì?

Thiết nghĩ, các câu hỏi này chúng tôi dành cho các cơ quan quản lý kinh tế nhà nước trả lời.

Hiện nay UBND tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực cùng các sở ban nghành, địa phương, siết chặt quản lý nạn khai thác khoáng sản trái phép để nhằm chống thất thoát nguồn tài nguyên cũng như ngân sách nhà nước thì còn đâu đó nhiều đơn vị thi công và chủ đầu tư, Ban quản lý dự án vẫn làm trái quy định, “rút ruột” ngân sách, gây thất thoát lớn đến kinh tế của Nhà nước.

(Còn nữa)

Hoàng Hiệp – Trọng Dân/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP