Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Nhiều gia đình lao đao vì bị lừa xuất khẩu lao động? (Bài 1)

Vì nhận thức kém, không hiểu rõ về thủ tục xuất khẩu lao động, nhiều người dân nghèo ở Hà Tĩnh đã bị một công ty dùng thủ đoạn lập lờ giữa đi du lịch và xuất khẩu lao động để lừa phỉnh. Kết cục, những người dân này nộp hàng trăm triệu đồng để rồi ngày ngày đi tìm vị giám đốc kia để đòi lại tiền như tìm… bóng chim tăm cá.

Đầu tháng 11/2015, phóng viên TC VTOTO và Dailo.vn nhận được phản ánh của nhiều người dân ở các huyện Lộc Hà, Thạch Hà (Hà Tĩnh) về việc họ bị một công ty xuất khẩu lao động lừa gạt. Theo đó, họ đã nộp hàng trăm triệu đồng cho công ty này để làm thủ tục đi lao động ở Hàn Quốc, nhưng đến hết thời hạn cam kết lại không đi được, họ đi đòi lại tiền cũng chỉ liên tục nhận được những lời hứa.

Bản cam kết đưa người đi Hàn Quốc.

Bà Trần Thị Hoa (trú xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) là một trong những nạn nhân trên.

Bà Hoa cho biết, khoảng đầu tháng 10/2014, bà đi chăm người nhà ốm ở bệnh viện, tại đây bà gặp ông Đàn (ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà). Qua trò chuyện, bà Hoa bộc bạch về hoàn cảnh có con trai ở nhà không có việc làm, ông Đàn đã mách cho bà một mối đi lao động ở Hàn Quốc mà ông đang làm thủ tục cho con trai ông đi, đó là Công ty Tiến Phát ở TP. Hà Tĩnh.

Sau đó, ngày 20/10/2014, bà Hoa cùng con trai là Nguyễn Ngọc Sang đến trụ sở Công ty TNHH cung ứng lao động và thương mại Tiến Phát (tại số nhà 11, đường Vũ Quang, TP. Hà Tĩnh) để làm thủ tục cho con đi lao động Hàn Quốc. Tại đây, đại diện của công ty Tiến Phát là ông Phạm Văn Tiến đã ký một bản cam kết với anh Nguyễn Ngọc Sang  là đưa anh Sang “đi du lịch Hàn Quốc xuất cảnh chậm nhất trong tháng 11/2014, ở lại lưu trú tai Hàn Quốc trong vòng một tháng kể từ ngày xuất cảnh”.

Xấp phiếu thu tổng cộng 205 triệu đồng mà bà Hoa nộp cho Cty Tiến Phát.

Theo cam kết, phí xuất cảnh là 11.500 USD, trong  đó phải nộp trước 2000 USD, số tiền còn lại sẽ nộp sau khi lao động có visa và lịch xuất cảnh.

Tuy nhiên, sau đó phía công ty Tiến Phát liên tục thúc giục bà Hoa, muốn con trai được xuất cảnh sớm thì nộp đủ tiền để đi.

Vì mong muốn con trai sang Hàn Quốc tìm việc làm, bà Hoa đã chạy vạy, vay mượn của bà con, anh em được số tiền 205 triệu đồng, nộp cho công ty Tiến Phát trong 6 lần kể từ ngày 20/10/2014 đến ngày 09/01/2015.

Bản cam kết đã bị phá vỡ, con trai bà Hoa không được đi Hàn Quốc mặc dù thời hạn đã kéo dài thêm hai tháng. Bà Hoa đi tìm đại diện công ty Tiến Phát để đòi lại tiền. Qua nhiều lần lặn lội đi đòi tiền, bà Hoa được công ty Tiến Phát trả lại 90 triệu đồng trong 5 lần. Đến thời điểm này, công ty Tiến Phát còn nợ 115 triệu đồng, nhưng mỗi lần bà Hoa đến công ty để đòi thì đều không gặp ông giám đốc, gọi điện thì ông này cứ hứa lần lữa mà không hề ra mặt.

“Bây giờ tôi như ngồi trên đống lửa, con trai thì không xuất cảnh được, tiền thì cũng không đòi được, hàng ngày người ta đến đòi nợ và thu tiền lãi khiến tôi không biết xoay xở thế nào. Tự dưng dễ tin người quá mà thành con nợ”, bà Hoa rầu rĩ nói.

Nhà số 11 đường Vũ Quang, TP. Hà Tĩnh là trụ sở Cty Tiến Phát luôn luôn đóng cửa.

Cũng như bà Hoa, bà Nguyễn Thị Thúy Vân (ở xóm Đông Hà 2, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà) cũng đang cuống cuồng đi tìm ông giám đốc công ty Tiến Phát để đòi tiền.

Bà Vân cho biết, con tra bà là Dương Hải Quân và người anh họ là Nguyễn Bảo Quốc cùng đến làm thủ tục đi Hàn Quốc tại Công ty Tiến Phát. Sau khi làm cam kết, ông Tiến bảo rằng nên nộp đủ tiền một lần để được xuất cảnh sớm, nên gia đình bà Vân và anh Quốc đã vay mượn được hơn 200 triệu đồng mang đến nộp cho ông Tiến.

Đến nay, khi biết công ty này không hề đưa người đi Hàn Quốc mà chỉ lần lựa để sử dụng đồng tiền của mình, bà Vân nhiều lần đến đòi lại tiền và đã lấy lại được 1.000 USSD và 53,5 triệu đồng; số tiền còn lại khoảng 27 triệu đồng đang “mất dạng” cùng ông giám đốc Tiến.

Bà Vân nói: “Không đi xuất khẩu lao động được mà còn phải mang một cục nợ, nên thằng Quân phải đi Thái Lan làm thuê rồi, chứ nếu ở nhà không có việc làm thì không biết lấy gì mà trả tiền lãi”.

Bà vân cũng cho biết, trong những lần đi nộp tiền và đòi tiền tại Công ty Tiến Phát, bà chứng kiến rất nhiều người tương tự, cũng lỡ nộp tiền rồi phải chầu chực chờ ông Tiến quay về để lấy lại tiền. Nhưng ngày này qua ngày khác, ông Tiến không hề về công ty, còn gọi điện thì vị giám đốc này toàn… hứa.

Trường hợp ông Nguyễn Mạnh Thịnh (ở xóm Văn Minh, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà) có lẽ do “chậm chân” hơn, nên đến thời điểm này mới đòi lại được 60 triệu trên tổng số 238 triệu đồng đã nộp cho công ty Tiến Phát.

Còn tiếp…

Quang Cường – Huy Lâm – Bùi Trung/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP