Kinh tế

Hà Tĩnh: Người xây “thiên đường” tôm trên cát

Nụ cười của “vua tôm” Nguyễn Thị Hạnh khi nhìn thấy thành quả sau những ngày chăm sóc.

“Đây thực sự là thiên đường nuôi tôm trên cát” – một bậc thầy trong lĩnh vực thủy sản ở Quảng Nam đã đúc rút điều này khi tận mắt chứng kiến “cơ ngơi” của chị Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương (Thạch Trị – Thạch Hà). Bí quyết “vẽ” nên bức tranh hoàn mĩ ấy chính là tập thể những con người đang gắn bó máu thịt với từng hồ tôm, với niềm tin tuyệt đối vào tấm lòng và bản lĩnh của nữ giám đốc này.
Người xây “thiên đường” tôm trên cát

Nhìn người phụ nữ với nước da bánh mật đang nở nụ cười từ tốn, khó có thể hình dung, chị là người nắm giữ bí quyết “gieo vàng” trên cát bạc và là tỷ phú nuôi tôm tại Hà Tĩnh.

Chị Hạnh hồi tưởng lại quãng thời gian mới bước chân vào nghề: năm 2003, chị chân ướt chân ráo làm đại lý thức ăn chăn nuôi. Những ngày vất vả ngược xuôi cung cấp hàng, chị nhận ra người nuôi tôm ở Hà Tĩnh chỉ chạy theo số lượng mà không có sự đầu tư và tư duy KHKT. Nỗi trăn trở ấy từng ngày làm đầy lên hành trang kiến thức, kinh nghiệm và khát vọng mở lối đi mới.

Năm 2007, dự án nuôi tôm của Công ty Việt – Mỹ thất bại, khiến những người có ý định bước chân vào nghề hoang mang. Từng là bạn hàng thân thiết của công ty, chị Hạnh mượn một phần diện tích nuôi thử nghiệm. Quyết định táo bạo của chị khiến ai cũng cảm thấy ái ngại bởi nuôi tôm “có thể từ nhà lầu biến thành nhà lá trong nháy mắt”. Song, chị Hạnh đã suy ngẫm và phân tích nguyên nhân dẫn đến sự thất bại liên tiếp của các dự án. Chìa khóa mở ra thành công mà chị xác định đầu tiên chính là con người.

Chị tâm niệm: “Nuôi tôm không chỉ đầu tư cho tôm mà trước tiên, phải đầu tư con người”. Chị chọn lựa những người giỏi, tâm huyết với nghề và dày công xây dựng sự đoàn kết, gắn bó giữa người lao động với công ty. Đến nay, Công ty TNHH Sao Đại Dương đã có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp với 11 kỹ sư và hơn 30 công nhân. Trong số đó, một tổ trưởng và một công nhân xuất sắc đã từng khoác áo kẻ sọc. Bên trong quá khứ đầy mặc cảm, tự ti của họ, chị nhìn thấy sự tận tâm, sáng tạo, nhạy bén và ước mong hòa nhập cuộc sống.

Điểm lại thành công, chị Hạnh không khỏi ám ảnh khi cuối năm 2009, 14 ao tôm đồng loạt chết trong một đêm. Công sức ngày đêm chăm bẵm của hàng chục con người bỗng chốc trôi sông, đổ bể. Thất bại, xót xa nhưng chị không gục ngã, nản chí. Không chỉ động viên anh em đồng cam cộng khổ mà ngay trong thời điểm khó khăn nhất, chị vẫn chăm lo đời sống anh em, tạo cho họ niềm tin về sự hồi sinh một vùng nuôi với những kinh nghiệm, bài học quý. “Thất bại năm 2009 cho tôi hiểu và thêm trân trọng những người anh em. Qua đó, tôi càng coi trọng việc xây dựng môi trường làm việc văn hóa, tính nhân văn để con người tự tin, chủ động phát huy được thế mạnh” – chị Hạnh chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Hùng – kỹ sư “đầu não” của Công ty TNHH Sao Đại Dương quen chị Hạnh từ khi còn là công nhân ở Công ty Việt – Mỹ. Chính sự gần gũi nhưng không kém phần quyết đoán, bản lĩnh của người phụ nữ này đã khiến anh quyết định đầu quân cho Sao Đại Dương sau khi dự án nuôi tôm ở công ty cũ thất bại. Thời gian chủ yếu anh “bám” ở đầm tôm, theo dõi tôm từ những biểu hiện nhỏ nhất.

“Chúng tôi được tạo điều kiện để thường xuyên cập nhật kỹ thuật, thiết bị nuôi tôm mới trên thế giới và đã có những chuyến tham quan, tập huấn ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên, tiến bộ kỹ thuật mới chỉ có thể phát huy giá trị khi con người đổ mồ hôi, nước mắt, thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi tôm trên cát” – anh Hùng tâm sự.

Tôm là “mũi nhọn” của nông nghiệp – nông thôn, là một trong những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa hàng đầu của tỉnh với những chính sách hỗ trợ khá hấp dẫn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, “với tôi, động lực lớn không phải là đồng tiền hỗ trợ từ chính sách mà là quan điểm, định hướng và sự đồng hành của chính quyền đối với nghề nuôi tôm”, nữ giám đốc nhấn mạnh. Năm 2013, Công ty TNHH Sao Đại Dương đạt tổng sản lượng xấp xỉ 400 tấn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, Công ty đã thu hoạch 300 tấn tôm, bán ra thị trường với giá 120 ngàn đồng/kg, thu về hơn 40 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2014, tổng sản lượng đạt khoảng 800 tấn, doanh thu khoảng 100 tỷ đồng. Con số khổng lồ này bắt nguồn từ việc mở rộng diện tích nuôi và thay đổi công nghệ, áp dụng KHKT.

Mong muốn lớn nhất của Giám đốc Nguyễn Thị Hạnh là được chia sẻ kinh nghiệm cho những người nuôi tôm, giúp họ không giẫm vào “vết xe đổ”. Đã có lúc, chị tự vấn: “Mình là phụ nữ, liệu có đáng phải lăn lộn như thế này?”. Nhưng, nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh đang nhìn về chị. Vì vậy, chị sẽ tiếp tục cuộc hành trình đầy tâm huyết, đam mê với ước mong về một vùng nguyên liệu tôm bền vững trên những dải đất cát bạc màu.

Thùy Dương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP