Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Khắc Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phát, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh, sau khi xem xét toàn bộ vụ việc trong bài viết “Nghi án tài xế máu lạnh cố tình cán chết nam sinh” mà báoDân trí phản ánh.
“Cố tình tước đoạt tính mạng của người khác”
– Phóng viên: Như lời khai, tường trình của nhiều nhân chứng, sau khi gây tai nạn, tài xế thừa nhận xuống kiểm tra thấy nạn nhân nằm dưới gầm xe nhưng không cứu nạn nhân mà nhảy lên cho xe chạy tiếp, gây ra cái chết oan nghiệt cho nạn nhân. Trong trường hợp này tài xế sẽ bị khép vào tội gì của BLHS quy định, thưa luật sư?
– Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn: Theo thông tin báo nêu thì trong vụ việc này, lời khai, tường trình của những nhân chứng cũng như tài xế lái xe ô tô có thể hiện một điểm chung là sau khi có sự va chạm giữa xe ô tô và xe đạp điện, bị ngã xuống giữa gầm xe nhưng đang còn sống và đang kêu cứu. Các lời khai này chỉ khác nhau ở chỗ, lái xe nói rằng việc cho xe chạy là do hoảng loạn, còn người làm chứng nói rằng việc cho xe chạy là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho nạn nhân.
Đánh giá hai nguồn chứng cứ này có thể khẳng định rằng, hành vi của tài xế xe tải khi xuống xe nhìn thấy nạn nhân đang sống và kêu cứu mà không dừng xe, tìm cách khắc phục mà lại lên xe và tiếp tục cho xe chuyển bánh cán qua đầu bị hại là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho bị hại.
Vấn đề ở đây là cơ quan điều tra cần xem xét, làm sáng tỏ lời khai của nhân chứng kết hợp với đối chiếu các tài liệu chứng cứ khác như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản khám nghiệm tử thi… Đây là một trong những nội dung quan trọng để làm căn cứ xác định hành vi của tài xế gây tai nạn có dấu hiệu của tội giết người hay không?
Nếu như lời khai của nhân chứng Hùng thể hiện, khi xảy ra tai nạn, bị hại nằm phía trước của bánh sau bên trái xe ben là đúng sự thật, phù hợp với lời khai của các nhân chứng khác và Biên bản hiện trường, Kết luận giám định… thì hành vi cho xe tiến lên chèn qua người nạn nhân của tài xế là có dấu hiệu của “tội giết người” theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự hiện hành.
Rất dễ để chứng minh điều này. Khi tài xế xuống xe quan sát chứng kiến được bị hại đang còn sống nằm vị trí như trên thì người tài xế hoàn toàn nhận thức được rằng nếu cho xe tiến lên sẽ gây nên cái chết cho bị hại. Vậy mà tài xế vẫn cho xe tiến lên thì hành vi này là hành vi cố tình tước đoạt tính mạng của người khác, có dấu hiệu của tội giết người.
Tài xế ngụy biện?
– Các nhân chứng khẳng định tài xế bình tĩnh đến lạnh lùng, từ việc nhảy xuống xe nhìn ngó nạn nhân, nhảy lên xe chạy tiếp cán chết nạn nhân đến việc cho tháo thành thùng xe sau đó, nhưng tài xế lại nói đó là do quá hoảng loạn. Luật sư nhìn nhận sự việc như thế nào?
Đến thời điểm này, gia đình nạn nhân cho biết, tài xế gây tai nạn chỉ lo liệu 70 triệu đồng tiền chi phí mai táng, hoàn toàn không thăm hỏi gia đình nạn nhân.
– Việc tài xế gây tai nạn khai rằng: “Khi đó em hoảng sợ cho xe nổ máy chạy lên trước để cứu thằng cu” là hết sức vô lý, mang tính chất ngụy biện cho hành vi của mình. Trong trường hợp này, người bình thường ai cũng nhận thức được và buộc phải biết rằng, nếu chạy lên trước thì xe sẽ cán qua người nạn nhân, không thể cứu được nạn nhân mà sẽ gây nên cái chết cho nạn nhân.
Vì thế, theo tôi, hành vi của tài xế cho xe cán qua nạn nhân dẫn đến cái chết cho nạn nhân trong khi nạn nhân đang trong tình trạng không thể tự vệ được là hoàn toàn có thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 48 BLHS “phạm tội đối với người trong tình trạng không thể tự vệ được”.
Chị Hường, mẹ nạn nhân Phượng đau đớn bên di ảnh của con trai. Chị cho biết kẻ gây ra cái chết cho con trai chị vẫn chưa một lần đến thắp nén nhang.
– Luật sư có tư vấn gì cho người nhà nạn nhân để vụ việc sớm được đưa ra trước ánh sáng của pháp luật?
– Như tôi được biết, liên quan đến vụ tai nạn này, cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế xe ben về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp nhận thấy rằng việc cơ quan điều tra công an huyện Kỳ Anh khởi tố vụ án, khởi tố bị can không đúng sự thật khách quan, gia đình với tư cách đại diện hợp pháp của bị hại có quyền làm đơn kiến nghị yêu cầu điều tra, xác minh làm rõ nội dung như báo chí phản ánh và cung cấp cho cơ quan điều tra những tình tiết liên quan đến vụ án như lời khai của các nhân chứng… để làm sáng tỏ sự thật, để việc điều tra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
– Xin cảm ơn luật sư!
Trước đó, như Dân trí phản ánh, chiều ngày 31/5, cháu Hoàng Đức Phượng, (trú xóm Tân Khê, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đi dự liên hoan chia tay lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp PTTH, khi đến ngã ba cổng chào xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh thì bị một ben chở đất đi cùng chiều vượt ẩu, cua gấp tông vào gây tai nạn.
Các nhân chứng khẳng định, tài xế xe ben là Phan Đình Quân, trú tại thôn Đồng Phú, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh sau khi gây tai nạn đã không cứu nạn nhân bị thương, mà còn còn cố tình nhảy lên xe nổ máy cho xe chạy cán nam sinh này chết hẳn.
Gia đình nạn nhân đã có đơn thư đề nghị Công an huyện Kỳ Anh điều tra, làm rõ, đưa tài xế này ra xét xử hành vi cố ý giết người.
Công an huyện Kỳ Anh đã khởi tố vụ án vụ tai nạn giao thông, hiện đang mở rộng điều tra, thẩm vấn các nhân chứng.
Dân trí sẽ tiếp tục theo sát vụ việc này.
Văn Dũng – Tiến Hiệp