Kinh tế

Hà Tĩnh: Lộn xộn trong quản lý chợ nông thôn!

Hệ thống chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong việc mua bán, trao đổi hàng hoá của người dân và giữa các vùng, miền.

Hiện nay, ngoài vấn đề về cơ sở hạ tầng không đảm bảo thì hoạt động giao thương hàng hóa ở đây có rất nhiều điều đáng lưu tâm…


Đến chợ Biền, xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là người phụ nữ nhỏ nhắn đứng chào bán thuốc chữa bệnh cho gia súc ngay ở cổng ra vào. Tìm hiểu thì biết chị tên là Trần Thị Kim Oanh ở thôn 6, xã Cẩm Lộc. Ở nhà, chị cũng đã có một cửa hàng nhỏ để bán thuốc gia súc nhưng rất ít người đến mua nên thường chọn các buổi họp chợ ở vùng nông thôn để bán.


Đi sâu vào chợ thì thấy tới 2 điểm bán thuốc chữa bệnh cho người được bày trên 2 cái bàn cũ nát, xung quanh ẩm thấp và chật chội. Ấy vậy nhưng người mua lại khá đông. Khi đi chợ, người dân thường đến đây để mua thuốc đau bụng, đi ngoài, ho, sốt và cả thuốc bổ nữa. Anh Lê Văn Cung ở thôn Quang Trung, xã Cẩm Lạc cho biết: “Người dân chúng tôi thường đến chợ mua thuốc là vì thấy rất tiện, vừa mua được thức ăn và các đồ dùng khác lại mua thuốc luôn khi bản thân hoặc gia đình có người bị ốm. Chúng tôi cứ nói ra biểu hiện của việc đau ốm là các cô bán thuốc sẽ cắt thuốc cho. Nếu uống thuốc lâu không lành thì sẽ đến viện. Dù là bán thuốc thúng, thuốc mẹt ở chợ nhưng thấy họ cũng có nghiệp vụ và những người này đều có người nhà làm ở bệnh viện nên chúng tôi tin tưởng, không nghi ngờ gì cả”.


Chợ Ba Giang nằm ở thôn Ba Giang, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà họp cả ngày. Dù không thật đông người đến mua nhưng chợ ở đây do nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến đường có đông người qua lại nên họ thường ghé qua chợ cho tiện. Nơi đây có khoảng 30 hộ tiểu thương buôn bán ổn định nhiều mặt hàng thực phẩm như: thịt, cá, rau quả… Song, điều đáng nói là do chợ đã xuống cấp, chưa có Ban quản lý (UBND xã Phù Việt giao cho thôn Ba Giang quản lý) nên khi đến đây bán hàng, người dân thường lựa chọn địa điểm phía lề đường để bày hàng hóa. Điều đó đã gây nên tình trạng mất an toàn giao thông. Chợ cũng họp cả ngày, thực phẩm cũng không có ai kiểm dịch nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh rất cao. Bà Lê Thị Thế ở thôn Trung Tiến, xã Phù Việt cho biết: “Tôi ngồi ở đây bán cả ngày, thịt, cá hay các mặt hàng khác cũng cứ bày bán suốt từ sáng đến tối. Việc an toàn thực phẩm ở đây dựa trên ý thức của người bán hàng và sự lựa chọn tinh thông của khách hàng thôi”.

Lộn xộn trong quản lý chợ nông thôn!

… và cả thuốc chữa bệnh giành cho người

Chúng tôi cũng đã đến chợ Sơn ở xã Thạch Đỉnh, các chợ ở xã Cẩm Mỹ, Cẩm Nam, Cẩm Lĩnh và Cẩm Lộc… Ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm tự làm ra của những người nông dân, là nơi giao thương hàng hóa cho nhân dân địa phương thì hầu hết các chợ nông thôn mà chúng tôi đến đều không có người quản lý cố định mà chỉ giao trách nhiệm cho một tổ chức, cá nhân nào đó của thôn có chợ đóng trên địa bàn. Vì vậy ở đây mới tồn tại thực trạng thuốc chữa bệnh bày bán tràn lan, không tuân theo quy định. Còn người dân nông thôn với thói quen tiêu dùng tùy tiện thì cứ tiện là mua.


Mặt khác cũng do không có sự quản lý nên đến chợ nhiều người tiện đâu bầy hàng bán ở đó gây nên tình trạng lộn xộn mất an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Lê Thị Minh ở thôn 1, xã Cẩm Thăng, nói: “Hàng gà, vịt được bày bán ngay cạnh hàng bánh, hàng bún và hàng thịt nên việc lông gà, vịt bay lung tung từ hàng này sang hàng khác là chuyện thường ngày ở đây. Tuy nhiên, không thấy ai nhắc nhở, không bị ai phạt gì cả nên người dân cứ vậy mà làm thôi. Chỗ nào tiện, chỗ nào đông người là đặt hàng ngồi bán”.


Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chợ nông thôn ở tỉnh ta còn tồn tại khá nhiều bất cập, hạn chế. Một số chợ do không khai thác tốt nguồn thu, không đầu tư cải tạo, nâng cấp và buông lỏng quản lý nên hoạt động kém hiệu quả, hàng hóa lưu thông ít, số người mua, bán trong chợ rất hạn chế; người dân thì lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ theo hướng tự phát ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông và cảnh quan trong khu vực. Các mặt hàng thực phẩm như thịt tươi sống, bún chả bày bán ở nhiều chợ nông thôn không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm do khâu kiểm dịch chưa được quan tâm và ít có sự kiểm tra của lực lượng chức năng.


Với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn thì việc buôn bán và tiêu dùng các loại thực phẩm của nhân dân là hết sức quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, khi sản phẩm do nhân dân làm ra ngày càng nhiều và đa dạng thì chính quyền các xã, thị trấn cần quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý để vừa đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân mà vẫn đảm bảo an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và quan trọng nhất là bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người dân.


Nguyễn Tâm

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP