Quả đúng như lời những người chỉ đường đã nói, trải qua một cánh đồng xanh bất tận, nhà Lão Sái đông nghịt những người và xe.
Rất đông người tới thăm khám
Thấy chúng tôi vào, Lão Sái không ngước lên, vẫn miệt mài chỉnh khớp cho một người phụ nữ, miệng nói: “Cô chú cứ xếp hàng, nếu gẫy xương thì chuẩn bị phim chiếu chụp để tôi xem”.
Khi biết ý định của chúng tôi về viết bài, ông nói: “Đừng hỏi tôi, cô chú cứ nhìn tôi làm, rồi hỏi bệnh nhân”. Lão Sái có dáng người nhỏ, khuôn mặt hiền từ phúc hậu, miệng luôn luôn mỉm cười với bệnh nhân. Ông không khoác trên mình chiếc áo blu trắng sáng mà chỉ bận bộ đồ bình thường giản dị. Miệng ông chẩn bệnh, tay ông thoăn thoắt nắn đều cho từng bệnh nhân, đôi chân thì luôn đi lại bốc thuốc để tiết kiệm thời gian cho người ở xa và tránh người ở lại ngồi đợi lâu.
Nhà Lão Sái tọa lạc trên một mảnh đất rộng, khu vực ông bốc thuốc là ngôi nhà 3 gian bằng gỗ có kiến trúc cổ kính. Gian chính ông đặt chiếc giường dành cho bệnh nhân, gian buồng dùng để chế thuốc và bốc thuốc, gian còn lại dùng để chứa nguyên liệu làm thuốc.
Rất nhiều bì đựng nguyên liệu làm thuốc
Hơn 10 tuổi, Lão Sái đã cùng ông nội lên núi hái thuốc, theo Lão nghề này đã truyền qua 5 đời, mỗi đời chỉ duy nhất một người kế nghiệp, ông vốn thông minh, lại chịu khó học hỏi nên lọt vào mắt của bố ông và ông nội.
Năm 1965, ông được cử đi học trung cấp y tế để đào tạo nguồn cho cán bộ xã. Học xong, ông vào bộ đội 3 năm, sau đó về làm Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Nga Lộc, chuyên trách đông y của xã. Năm 1995, ông nghỉ việc nhằm chuyên tâm cho bài thuốc gia truyền.
“Các bài thuốc của ông cha mình chưa phát huy được hết vì trước đây do chiến tranh nên sách vở ghi chép bị thất lạc. Những bài thuốc bây giờ là những gì mình kế thừa được kết hợp với những điều mình học sau này”, Lão Sái nói.
Lúc chữa trị cho bệnh nhân, ông cực kỳ chăm chú, những người tìm đến ông chủ yếu bị bong gân, trật khớp, sái tay, chân…, chỉ vài động tác đơn giản như xoa, nắn, bóp, co duỗi, lập tức bệnh nhân cảm thấy thoải mái với hiệu quả tức thì. Chắc cũng vì thế mà người dân nơi đây gọi “Lão Sái” là người có “bàn tay thần”, không những tay ông như có phép mà đôi bàn chân cũng kỳ diệu không kém. Những người bị vẹo hông, vẹo xương chậu lập tức ông bắt nằm xuống giường rồi dùng chân đạp đạp mấy cái là mọi chuyện lại đâu vào đó.
Các phương pháp chữa xương của “Lão Sái”
Những người bị gẫy xương, ông xem phim chụp, xem bệnh án, xem tình trạng hiện tại xong rồi kê đơn bốc thuốc, dặn dò kỹ lưỡng bệnh nhân rồi mới cho ra về. Thuốc ông bán rất rẻ chỉ 5.000 đồng/thang, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông miễn phí không lấy tiền, và giữ lại tại nhà điều trị đến khỏi bệnh.
Xem phim, bệnh án, kê đơn và bốc thuốc cho người dân
Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên phụ giúp ông Nghị cho hay: “Người ta điện thoại đặt thuốc nhiều lắm. Mỗi ngày, ông cho chuyển ra bưu điện ít nhất một chuyến xe kéo, gửi tới mọi nơi, Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Tây Nguyên…”
Để thuận tiện cho những người ở xa, ông đã tổ chức nấu cơm cho họ ăn, “bác sỹ” và bệnh nhân cùng mâm rôm rả cười nói. Ai ai cũng yêu quý ông, bởi ông tốt bụng và có lòng thương người, cứu người.
Anh Nguyễn Văn Sáng (SN 1978) trú tại xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết: “Mấy tháng trước, tôi nâng càng xe bò, bị hất văng, trật khớp vai, nghe tiếng ông Nghị liền chạy sang, chỉ vài động tác đơn giản của ông, vai tôi lập tức đỡ đau. Ông cắt cho 5 thang thuốc, uống vừa hết thì vai tôi cũng phục hồi khỏe khoắn. Hôm nay tôi đưa thằng em bị vẹo hông sang đây chữa trị, ông Nghị chữa tài lắm”.
Anh Nguyễn Văn Sáng
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Trọng Hữu – Chủ tịch UBND xã Nga Lộc cho hay: “Có thể nói, ông Nghị là một lương y, đã cứu giúp được rất nhiều người. Ông chữa bệnh dựa trên cơ sở khoa học, đông, tây y kết hợp. Hi vọng sẽ có người tiếp nối bài thuốc gia truyền, y thuật diệu kỳ của ông để giúp đời, giúp người”.