Bất thường các hộ bán dưa, cà có tên trong danh sách?
Theo phản ánh của người dân tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), rất nhiều đối tượng tại địa phương dù không bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền bồi thường.
Trong khi đó, nhiều đối tượng kinh doanh, buôn bán hải sản đông lạnh thì đến nay dù thiệt hại lớn nhưng vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Và họ cho rằng, những người buôn cà, dưa ở chợ dù không liên quan đến biển nhưng vẫn được nhận tiền bồi thường. Việc đó, với họ là rất nực cười. Họ đã làm đơn, yêu cầu chính quyền địa phương phải làm rõ, tránh gây ra sai sót cũng như bất công trong đền bù.
Người dân đã minh bạch, công khai tên những ai không nằm trong đối tượng đền bù nhưng vẫn nhận tiền.
Cụ thể, ở thôn Hải Bắc có bà Nguyễn Thị B (chuyên nấu rượu bán) chị Lại Thị D (bán cửa hàng tạp hóa) và bà Nguyễn Thị S, không buôn bán gì cũng được nhận tiền đền bù.
Rồi có chị Hoa bán thịt bò, bà Th bán dưa, cà muối ở chợ dù họp xóm không liệt kê vào danh sách, nhưng sau đó không hiểu bằng cách nào vẫn “lọt” tên vào danh sách bồi thường – một người dân địa phương cho biết.
Ngoài ra còn có trường hợp Nguyễn Thị N.Q (ở thôn Trung Hải, xã Cẩm Nhượng) làm ở địa bàn khác cũng được nhận tiền bồi thường tại thôn. Và theo người dân, còn rất nhiều đối tượng bị chi sai bồi thường, nhưng họ chưa thể thống kê hết và yêu cầu các các cấp địa phương cần minh bạch danh sách này cho người dân – ông Lê Xuân Bé (thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng) phản ánh.
Số tiền bồi thường mỗi người là 17.460.000 đồng. Việc này, đã được người dân xã Cẩm Nhượng phát giác, làm đơn tố cáo lên cấp lãnh đạo.
Ông Nguyễn Tiến Hoan, Trưởng thôn Xuân Bắc, thừa nhận chị Hoa bán thịt bò có được nhận tiền bồi thường đợt 1 vì xác nhận làm thủ quỹ ở hợp tác xã đóng tàu của chồng.
Chủ tịch tỉnh chỉ đạo báo cáo sớm về vụ việc
Sáng 21/3, ông Nguyễn Sỹ Huyền – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), cho biết: Sau khi nhận đơn thư phản ánh của người dân về việc chi trả bồi thường “bất thường” chúng tôi đã gọi những người liên quan lên trụ sở xã để nắm rõ tình hình.
Sáng nay (21/3) đại diện lãnh đạo tỉnh, Sở NN&PTNN, huyện, xã, thôn đang họp tập trung xử lý vụ việc trên nếu có vấn đề.
Có ý kiến phản ánh, để kê khai các đối tượng vào danh sách nhận tiền bồi thường (dù không nằm trong đối tượng được bồi thường – PV) thì cán bộ thôn, xã “biến tấu” cho họ là “Bán nước mắm. Làm nghề biển”. Nghĩa là chỉ cần liên quan tới biển là được nhận bồi thường.
Ông Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh
Trả lời cho vấn đề trên, ông Lê Đức Nhân – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Sở đã báo lên lãnh đạo tỉnh. Yêu cầu huyện chỉ đạo, kiểm tra làm rõ vấn đề phản ánh của người dân, báo cáo sự việc ngay trong ngày 20/3. Nếu địa phương có vấn đề trong chi trả tiền đền bù sự cố môi trường biển, đúng như dân phản ánh sẽ xử lý nghiêm, đưa lại sự công bằng, minh bạch cho người dân”.
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tôi đã nắm được thông tin. Tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu huyện kiểm tra làm rõ sự việc và báo cáo ngay trong ngày hôm nay”.
“Sự cố môi trường biển đã gây thiệt hại lớn cho tỉnh Hà Tĩnh. Theo kết quả kê khai bước đầu toàn tỉnh có 6.983 tàu cá; 2.259 ha ao, hồ, bãi triều; 31.692 m² nuôi lồng bè; 127 ha sản xuất muối; 47.960 lao động, trong đó lao động trực tiếp 44.280 người, lao động gián tiếp 3.680 người bị ảnh hưởng, thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại kê khai bước đầu là 1.947,2 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ trên 6.240 tấn gạo cho gần 19.250 hộ dân (67.988 khẩu); hỗ trợ cho các chủ tàu, thuyền không lắp máy và lắp máy dưới 900 CV trên 5.000 chiếc, tổng số tiền trên 23 tỷ đồng; hỗ trợ mua 100% phí mua thẻ bảo hiểm y tế với 2.847 thẻ được cấp mới; hỗ trợ 2 năm học phí cho học sinh…
Kết quả chi trả bồi thường đến tháng 3/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt được 1.029 tỷ đồng/1.200 tỷ đồng Trung ương cấp ứng; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chi trả được 977,7/1.029 tỷ đồng được phê duyệt”.
Trương Hoa – Đặng Sơn/Theo Infonet