Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Hơn 200 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở Kỳ Anh kêu cứu và tiết lộ mức chi khủng ‘chạy’ việc

Trước việc sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 30.9 tới, tập thể 214 giáo viên của hai đơn vị Thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã viết “Đơn kêu cứu” gửi tới Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT cũng như nhiều cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn Hà Tĩnh tìm kiếm sự giúp đỡ.

Các giáo viên trình bày hoàn cảnh, nguyện vọng với PV
Các giáo viên trình bày hoàn cảnh, nguyện vọng với PV

“Đơn kêu cứu” của 214 giáo viên

Như Tầm Nhìn đã đưa tin, ngày 23.4.2015, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (huyện cũ) đã ký văn bản số 570/UBND-NV về việc thực hiện công tác đối với cán bộ hợp đồng. Trong đó, yêu cầu các trường lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được UBND huyện ký hợp đồng vào làm việc.

Theo đó, vào ngày 30.9 tới đây, 214 giáo viên của cả hai huyện sau khi chia tách sẽ chính thức bị chấm dứt hợp đồng.

Đơn kêu cứu của 214 giáo viên gửi các cơ quan chức năng liên quan cũng như tới các cơ quan báo chí bày tỏ hoàn cảnh và nguyện vọng của mình.

Trước nguy cơ mất việc cận kề, các giáo viên trên đã làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng liên quan cũng như tới các cơ quan báo chí bày tỏ hoàn cảnh và nguyện vọng của mình.

Trong “đơn kêu cứu”, nhiều giáo viên có thâm niên công tác lâu năm, có người đến 12 năm cho rằng trong quá trình giảng dạy họ đều đã cống hiến hết mình và tâm huyết với nghề . Hơn nữa, dù là giáo viên hợp đồng nhưng họ luôn hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

“Với chúng tôi, có những giáo viên đã có thâm niên công tác 12 năm đã từng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Nhiều trong số những giáo viên này được giao những nhiệm vụ quan trọng như: Bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, công tác tuyển sinh, thậm chí có những giáo viên đã được các đồng nghiệp tin tưởng giao trọng trách là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Ở bất cứ vị trí nào chúng tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, trong đơn viết.

Đơn kêu cứu còn cho biết, ngày 25.8.2015, các giáo viên đã được triệu tập đến hội trường UBND huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh để lắng nghe UBND huyện đọc quyết định của UBND tỉnh về việc yêu cầu xử lý giáo viên đôi dư, hợp đồng tại hai địa phương này. Tại cuộc họp, nhiều giáo viên đã đề xuất nguyện vọng muốn được tiếp tục công tác và ổn định đời sống nhưng phía lãnh đạo không có câu trả lời.

Đơn thư khẳng định việc chấm dứt hợp đồng đã khiến hơn 200 giáo viên này rơi vào hoàn cảnh khó khăn và khủng hoảng tâm lý.

“Các thầy cô nên rẽ sang hướng khác!”

Việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với hơn 200 giáo viên của cả hai địa phương đang gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống và tâm lý của những người trong cuộc. Ảnh hưởng, không chỉ về mặt kinh tế, khiến cuộc sống người giáo viên và gia đình vốn đã khó khăn nay càng vất vả hơn. Nhưng hơn hết là ảnh hưởng về mặt tinh thần.

“Nhiều giáo viên có thâm niên công tác lâu dài, thậm chí có người tới 12 năm nay bỗng dưng bị chấm dứt hợp đồng khiến ai cũng khủng hoảng tâm lý. Về gia đình, làng xóm có người không hiểu thì lại nghĩ chúng tôi bị đuổi việc. Phụ huynh thì nhiều người cho rằng có lẽ do chúng tôi dạy không đảm bảo chất lượng nên phải nghỉ. Trên lớp thì học sinh hoang mang, dị nghị, thắc mắc rằng vì sao tự nhiên cô lại không đi dạy nữa…tất cả khiến chúng tôi áp lực đủ đường…”, cô Lương Thị Hải, giáo viên trường THCS Giang Đồng chia sẻ.

Tình trạng sắp bị mất việc đã đẩy nhiều thầy cô giáo vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Cô Trần Thị Hồng, vốn là giáo viên dạy văn của trường THCS Kỳ Khang. Cô đã có thâm niên 9 năm công tác (hợp đồng tại trường 4 năm, tại huyện 5 năm). Hiện chồng cô chưa có việc làm, con cái còn nhỏ, cô lại chuẩn bị mất việc khiến cuộc sống rất vất vả. Hay trường hợp của cô Trần Thị Nga, giáo viên trường THCS Kỳ Xuân. Cô Nga có thâm niên công tác tới 12 năm, cũng vốn là con của thương bệnh binh.

“Có thâm niên công tác tới 12 năm, nay lại mất việc, phải làm lại từ đầu thực sự khiến tôi bây giờ không biết nên làm thế nào”, cô Nga tâm sự.

Một số giáo viên cho biết, trong cuộc họp chiều 25.8 vừa qua, ông Nguyễn Minh Hoàn, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh sau khi phát biểu nói lời cảm ơn và xin lỗi đã khuyên giáo viên: “Đứng giữa ngã ba đường các đồng chí nên rẽ sang hướng khác”.

Cô Hoàng Thị Ngọc Anh, giáo viên trường Tiểu học Kỳ Tiến đã thể hiện sự bế tắc : “Sau khi nghe ông Hoàn nói, tôi đã đứng lên phát biểu bày tỏ ý kiến ngay trong cuộc họp. Ông ấy nói chúng tôi nên rẽ sang hướng khác, nhưng là hướng nào đây? thực sự, chúng tôi đang mất phương hướng. Với tấm bằng sư phạm và đã đi dạy bao nhiêu năm nay, nay bị nghỉ việc thì biết nên làm nghề gì. Ngay cả ngành giáo dục cũng đã “từ chối”, “đuổi khéo” chúng tôi sau bao năm gắn bó thì giờ nên đi hướng nào…??”.

Các giáo viên cho biết, nếu như đã bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng, thì nguyện vọng lớn nhất hiện nay của các cô, các thầy là trong các đợt xét và thi tuyển giáo viên sắp tới, phải có sự ưu tiên nào đó đối với các giáo viên có thâm niên.

“Các cán bộ huyện cũ làm sai, nhưng người chịu hậu quả lại là các giáo viên. Nên có một sự ưu tiên và tạo điều kiện việc làm cho những giáo viên có thâm niên công tác lâu trong ngành. Nếu như thi tuyển thì phải dựa trên giờ dạy, còn xét tuyển thì phải được đánh giá trên năng lực của giáo viên đó. Còn dựa trên bằng cấp, nhất là ưu tiên bằng giỏi theo chúng tôi thấy sẽ không công bằng. Vì bằng cấp mỗi thời kỳ khác nhau. Trước đây khi chúng tôi học, để có tấm bằng khá đã rất khó chưa nói đến bằng giỏi, nhưng hiện nay bằng giỏi quá nhiều và không khó để đạt được…nếu dựa trên bằng cấp vậy sẽ rất thiệt thòi cho giáo viên đi trước…”, cô Lương Thị Hải (Trường THCS Giang Đồng) chia sẻ.

“Chúng tôi phải bỏ tiền để có hợp đồng?”

Nhiều người trong số 214 giáo viên chia sẻ thêm, để được một suất vào dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn Kỳ Anh, rất nhiều giáo viên đã phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn. Người ít thì cũng 40 -50 triệu, nhiều phải 80 -100 triệu, tuy nhiên do hoàn cảnh bắt buộc nên đành phải chấp nhận. Bây giờ, tiền thì bị mất, hợp đồng thì bị cắt, đúng là “tiền mất, tật mang”.

Cô Nguyễn Thị H tâm sự, sau khi ra trường biết không thể có công chức vì thế để có một suất hợp đồng đi dạy chờ thời cơ thi tuyển đã phải bỏ ra hơn 50 triệu đồng lo lót, mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng cũng đành phải chạy vạy, vay mượn. Ai ngờ, mới hợp đồng được 4 năm thì đùng một cái có thông báo chấm dứt làm tôi như chết đứng, không biết rồi đây sẽ như thế nào khi việc làm không có, số tiền vay để lo việc đến nay cũng chưa trả hết. Nhiều giáo viên ngẹn ngào khi bị huyện Kỳ Anh cho ăn quả đắng, bây giờ không biết kêu ai…

Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin về việc này…

Mai Nguyễn – Hà Vũ – Đình Sơn

Theo Tầm Nhìn

[dailymotion id=”x32swcg”]

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP