Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Hàng nghìn mét đê biển sạt lở, người dân làm kè chống trôi nhà

Người dân dọc bờ biển thuộc xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang đổ đất, xây kè để bảo vệ tài sản cũng như tính mạng của chính mình trước nguy cơ bị biển xâm thực, xói mòn nghiêm trọng.

Hơn 1.000m bờ biển tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi bị sạt lở nghiêm trọng.


Người dân thấp thỏm lo âu vì sạt lở

Sau cơn bão số 10, tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển tại các xã ven biển TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) liên tiếp diễn ra với tốc độ nhanh chóng (nhất là tại xã Kỳ Lợi); tình trạng này khiến người dân vô cùng lo lắng trong khi mùa mưa bão vẫn chưa qua.

Ngày 12/10, PV Báo điện tử Infonet có mặt tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, nơi có hơn 200 nhân khẩu là ngư dân. Hiện, người dân ở đây đang thấp thỏm, lo âu vì tình trạng bờ biển xâm thực vào đất liền và bị sạt lở nghiêm trọng.

Đặc biệt, từ sau cơn bão số 10 và áp thấp nhiệt đới vừa qua, sóng to, gió lớn kèm theo triều cường đã dẫn đến tình trạng nước biển dâng tràn vào nhà dân.

Người dân tự làm kè để bảo vệ tài sản và tính mạng của chính mình.

Phần lớn nhân dân sống chủ yếu dựa vào nghề biển, hơn nữa, hiện nay bờ biển của xã Kỳ Lợi hầu như không còn rừng phòng hộ để bảo vệ, sóng biển đánh trực tiếp vào kè đê, do đó nguy cơ xâm thực, sạt lở diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và nghiêm trọng. Điều này khiến bà con nơi đây không khỏi lo lắng về sự an toàn và sinh kế của gia đình.

Bên cạnh đó, đa số các hộ dân ở đây thuộc diện hộ nghèo, cả đời dành dụm mới cất được căn nhà nhỏ che chắn nắng mưa. Chớp nhoáng nhìn lại, thấy bờ biển đã tiến gần vào, nhiều hôm biển nổi sóng dữ dội, nước dâng cao và đổ ầm ầm vào bờ khiến bà con thức thâu đêm lo lắng sợ nhà sập.

Theo ông Võ Xuân Thịnh (trú ở thôn Hải Phong) băn khoăn: “Gia đình tôi sống ở đây từ bao đời, nối nghiệp ông cha làm nghề chài lưới để kiếm sống. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, biết là nguy hiểm nhưng cũng phải ở. Nay nước biển đã lấn sát vào bờ. Với tốc độ sạt lở nhanh như thế này, không biết mùa mưa bão năm nay ngôi nhà của tôi có còn trụ được không...”.

Gia đình ông Nhàn tại thôn Hải Phong đang xây bờ kè trước cửa nhà mình. Nước biển dâng cao đã làm sập một căn nhà của ông Nhàn nên giờ phải kè lại vì lo sợ nhà sẽ bị trôi lần nữa.


“Chúng tôi rất mong chính quyền cấp trên và các cơ quan sớm có biện pháp khắc phục, gia cố bờ biển, làm bờ kè kiên cố để hạn chế hiện tượng sạt lở bờ biển, mở cửa biển mới... để người dân an tâm sinh sống và làm ăn” - ông Nguyễn Văn Tiến (trú ở thôn Hải Phong) không khỏi lo lắng nói.

Nhiều lần kiến nghị xây kè, đê biển chống sạt lở

Những năm gần đây, hiện tượng nước biển xâm thực vào đất liền thường xuyên xảy ra ở gần 13km đường bờ biển của xã Kỳ Lợi.

Bình quân mỗi năm, nước biển ăn sâu vào đất liền 5-7m, riêng những ngày sau bão, nước biển đã ăn sâu vào đất liền có đoạn hơn 10m. Tại thôn Hải Phong đã có hơn 1.200m, thôn Hải Thanh hơn 1.000m bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Tại các điểm sạt lở dọc tuyến bờ biển, hàng loạt cây phi lao đã bị sóng biển “quật ngã” bật gốc, bờ cát bị sạt lở dựng đứng “ăn” vào sát khu dân cư.

Biển xâm thực, bờ biển sạt lở không chỉ đe dọa hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản mà còn gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của hàng trăm hộ dân cũng như các công trình công cộng, nhà ở dân cư trên địa bàn. Biển ăn sâu vào đất liền còn khiến nhiều ngư dân lo lắng vì khu vực neo đậu thuyền của họ có nguy cơ bị sóng biển cuốn phăng bất cứ lúc nào.

Anh Nguyễn Văn Duyễn, thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi chia sẻ: “Mỗi lần con nước lên (thủy triều), chúng tôi lại phải kéo thuyền sâu vào đất liền hơn, trước đây chỉ cần vài người là đủ, nhưng hiện nay do sóng đánh vào bờ có khi hơn 10m nên phải đưa thuyền lên cao hơn, mỗi chiếc thuyền cần hơn 10 lao động, cuộc sống của chúng tôi lại càng vất vả hơn..”.

Trước thực trạng xâm thực, sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị đề xuất phương án xây kè, đê biển và khảo sát số hộ dân trong vùng nguy hiểm bị sạt lở để trình các cấp xem xét, hỗ trợ kinh phí di dời đến vùng an toàn. Tuy nhiên, do đặc thù địa phương nằm trong quy hoạch di dời, tái định cư, mặt khác do đường bờ biển dài, kinh phí để xây bờ kè, đê biển quá lớn nên chính quyền các cấp chưa có phương án thống nhất.

Trao đổi với PV, ông Chu Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết thêm: “Cần có một dự án theo hướng bền vững như dùng kè cứng và phải được xử lý rốt ráo thì khả năng chống sạt lở mới có hiệu quả cao. Vì nguồn vốn rất lớn, chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là Trung ương cấp ngân sách để cứu hỗ trợ dự án này”.

Mưa lũ, sạt lở bãi biển ở xã Kỳ Lợi còn kéo dài, nỗi lo âu của người dân nơi đây còn thổn thức theo những biến động khôn lường của thời tiết. Vì vậy, nhân dân Kỳ Lợi đang rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp để họ yên tâm bám biển, bám làng.

Một số hình ảnh PV ghi lại được về tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển tại xã Kỳ Lợi:

Sóng đánh mạnh vào bờ, các hàng cây đổ, trơ cả gốc rễ.

Ông Liến (thôn Hải Phong) đứng bên ngôi mộ đã bị sóng cuốn trôi.

Hàng trăm ngôi mộ của nhân dân xã Kỳ Lợi đứng trước nguy cơ bị trôi do sạt lở.

Mỗi năm, nước biển ăn sâu vào đất liền 5-7m. Sau cơn bão số 10, có những đoạn nước biển ăn sâu vào đến 10m.

Tác giả: Minh Hằng – Hà Vũ

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP