Thành lập cách đây 2 năm, song, đến nay, HTX Dịch vụ môi trường xã Trường Lộc (Can Lộc) vẫn gặp không ít khó khăn. “Khó nhất là khâu thu phí. Xã miền núi nghèo, một bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Có hộ viện cớ nhà ít người, rác chẳng đáng bao nhiêu, có hộ bảo tự xử lý được… để tránh né nộp tiền” – chị Hồ Thị Thảo, Chủ nhiệm HTX cho hay.
Cũng theo chị Thảo, việc thu phí đã khó, ý thức của người dân cũng chẳng khá hơn. “Thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, HTX tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt, song nhiều hộ không biết vô tình hay cố ý không chú ý đến lịch, dẫn đến tình trạng “dọn rồi cũng như không”.
Với nguồn thu chật vật, các HTX môi trường rất khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong ảnh: Xã viên HTX môi trường thị trấn Nghèn (Can Lộc) thu gom rác thải. |
Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Trọng Quế – Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho rằng: Chính quyền địa phương còn có tư tưởng “đem con bỏ chợ”, mặc HTX tự xoay xở, tự thu chi trong lúc nhiều người dân chưa đồng thuận thì bản thân HTX khó giải quyết triệt để vấn đề.
Mức phí thấp cũng là thách thức đối với HTX. Tình trạng thu không đủ chi diễn ra thường xuyên tại nhiều đơn vị. Trong khi nhiều hộ dân chây lười đóng nộp, bản thân HTX không linh động trong phương thức kinh doanh, chỉ đơn thuần thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, thì thâm hụt về tài chính vẫn là bài toán khó tìm ra lời giải. Đó là chưa kể việc một số xã nghèo nguồn thu không đủ theo quy định. HTX Dịch vụ môi trường xã Thượng Lộc (Can Lộc) vận động mãi cũng chỉ được 80% hộ tham gia đóng nộp, chưa kể các hộ già cả, neo đơn, hộ nghèo xin miễn. “Phí rác thải sinh hoạt tỉnh quy định 10.000 đồng/hộ/tháng, nhưng chúng tôi chỉ thu được 5.000 đồng/hộ vào năm 2013, nay tăng lên 8.000 đồng/hộ. Với nguồn thu chật vật, lương của xã viên chỉ 500-800 ngàn đồng/người/tháng, nhưng không phải tháng nào cũng đều đặn” – anh Hà Văn Huế, Chủ nhiệm HTX cho biết.
Khi kinh phí eo hẹp thì khó có thể đảm bảo quyền lợi người lao động. Đó cũng là lý do tỷ lệ HTX môi trường tham gia đóng nộp BHXH, BHYT cho xã viên thấp. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung – Chuyên viên Phòng Kế hoạch – Hỗ trợ Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Thu không đủ chi, bộ máy HTX không có khả năng nuôi mình và chính quyền địa phương cũng không đủ kinh phí trợ cấp, nên nhiều HTX môi trường phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí một số chờ giải tán…”.
Bên cạnh đó, nhiều HTX chưa trang bị được xe ô tô chở rác, công nhân làm việc rất vất vả, một số HTX đã nỗ lực mua xe, song lại thấp thỏm vì nợ. “Thời gian trước, chị em chở rác bằng xe máy, lương không đủ tiền xăng. HTX đành vay mượn mua chiếc ô tô trị giá 270 triệu đồng chuyên chở rác thải. Từ khi làm hồ sơ đến nay đã gần nửa năm, nhưng không hiểu vì sao chúng tôi vẫn chưa nhận được trợ cấp 100 triệu đồng của tỉnh và 50 triệu đồng từ huyện?” – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ môi trường xã Trường Lộc băn khoăn.
Bên cạnh đó, đến nay, nhiều xã chưa có bãi rác, nên các HTX phải mất thêm kinh phí vận chuyển. Chị Phạm Thị Hà – Chủ nhiệm HTX Vệ sinh môi trường Sơn Kim 1 (Hương Sơn) chia sẻ: “Mỗi ngày, HTX huy động 4-5 xe chở rác tới bãi rác thị trấn Tây Sơn cách xã hơn 5 km. Mỗi tháng, chi phí xăng dầu lên đến tiền triệu”.
Nhân tố mới
“Nếu HTX không xây dựng phương án kinh doanh cụ thể và linh động kết nối các lĩnh vực khác thì khó mà khá lên được” – anh Nguyễn Xuân Miễn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp xã Kỳ Liên (Kỳ Anh) chia sẻ.
Bắt đầu từ hoạt động VSMT, thu gom và xử lý rác thải, hiệu quả kinh tế chẳng đáng là bao, anh Miễn cùng anh em luôn trăn trở, tìm hướng đầu tư vào dịch vụ môi trường như vệ sinh, làm cỏ… cho các đơn vị trong huyện. Đồng thời, tập trung quản lý chợ, nghĩa trang của xã và “lấn sân” sang trồng nấm… Năm 2013, doanh thu của HTX lên tới 3 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 22 thành viên. Thành quả đó đã được Liên minh HTX Việt Nam cũng như chính quyền địa phương ghi nhận với nhiều bằng khen, giấy khen.
HTX Dịch vụ VSMT và cung cấp phân bón Thạch Bằng (Lộc Hà) cũng đa dạng các lĩnh vực hoạt động và làm dịch vụ môi trường, đó là việc đảm nhận cung ứng phân bón cho người dân trong, ngoài xã. Hiện đơn vị đã phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
“HTX Dịch vụ tổng hợp Kỳ Liên, HTX Dịch vụ VSMT và cung cấp phân bón Thạch Bằng chỉ là 2 trong số những nhân tố mới, xóa bỏ kiểu hoạt động trì trệ, đơn thuần phụ thuộc vào môi trường, khâu nối cùng lúc nhiều lĩnh vực, tạo động lực phát triển. Vấn đề đặt ra là, HTX phải tự vận động, đổi mới, bắt kịp xu hướng chung. Thế nhưng, để HTX môi trường phát triển bền vững, rất cần sự vào cuộc thực sự của chính quyền địa phương” – Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh khẳng định.
Thu PHƯƠNG