Kinh tế

Hà Tĩnh: Đưa hàng hóa vào siêu thị: “Thua trên sân nhà”

Hà Tĩnh có nhiều đặc sản nổi tiếng toàn quốc, nhưng việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định vẫn là bài toán khó. Đặc biệt, nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh đang “thua trên sân nhà” khi cạnh tranh vào các siêu thị.

Nhiều cơ hội

Sau khi Siêu thị Sài Gòn Co.op Mart đi vào hoạt động tại TP Hà Tĩnh, Sở Công thương đã đứng ra khâu nối các nhà sản xuất, doanh nghiệp (DN) cung ứng và Siêu thị Sài Gòn Co.op Mart tổ chức ký kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm giúp các nhà sản xuất, nhà cung ứng đưa sản phẩm Hà Tĩnh vào bán trong hệ thống. Tuy nhiên, khi siêu thị đã ký kết và sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm cho phía Hà Tĩnh thì rất nhiều DN, nhà sản xuất hàng hóa trên địa bàn lại không có sản phẩm đạt yêu cầu để cung cấp.

Đưa hàng hóa Hà Tĩnh vào siêu thị: “Thua trên sân nhà”
Chỉ có một số ít sản phẩm sản xuất tại Hà Tĩnh có mặt ở Siêu thị Co.op Mart.

Phải nói rằng, việc tổ chức khâu nối, ký kết với siêu thị để tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại Hà Tĩnh là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Việc các sản phẩm hàng hóa Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng có thể sẽ được tiêu thụ ở tất cả các siêu thị trong chuỗi chứ không riêng gì Siêu thị Co.op Mart Hà Tĩnh. Vì vậy, việc siêu thị ký cam kết bao tiêu sản phẩm sẽ là động lực để người sản xuất, nhà cung cấp mạnh dạn đầu tư SXKD quy mô, bài bản, phát triển bền vững.

Hơn thế, nếu thực hiện theo đúng tinh thần ký kết với siêu thị, các nhà sản xuất sẽ áp dụng tiến bộ KHKT và tổ chức sản xuất bài bản, chuyển dần sang sản xuất tập trung, quy mô lớn. Lúc đó có thể thay đổi cơ bản về tư duy để tiến đến một nền sản xuất hàng hóa hiện đại. Nếu làm được như vậy, cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây… có thể mở rộng diện tích lên gấp nhiều lần; nhiều sản phẩm nông nghiệp, TTCN có thể tăng quy mô trồng trọt, sản xuất, góp phần nâng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích lên đáng kể. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nhiều sản phẩm Hà Tĩnh, nhiều DN đã “thua trên sân nhà” khi không thể đưa được sản phẩm vào siêu thị, hoặc chỉ đưa được một khối lượng rất ít.

Anh Bùi Thanh Nguyên – Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Tĩnh cho biết, năm 2013, có đến 20 DN, nhà sản xuất hàng hóa Hà Tĩnh đưa sản phẩm vào siêu thị Co.op với tổng doanh số bán hàng đạt 6 tỷ đồng. Năm 2014, có 30 DN, nhà sản xuất ký kết đưa 50 sản phẩm vào siêu thị, nhưng đến nay, chỉ có 10 đơn vị cung ứng, với chưa đầy 20 sản phẩm. Tổng giá trị hàng hóa sản xuất tại Hà Tĩnh tiêu thụ ở siêu thị trong 6 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 2,3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Về nguyên nhân, nhìn chung, các DN, nhà sản xuất của Hà Tĩnh chưa thực sự mặn mà với việc đưa sản phẩm vào siêu thị. Về tổ chức sản xuất, nhiều đơn vị tổ chức chưa đảm bảo, nên khi yêu cầu các loại giấy tờ liên quan về chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận đảm bảo các điều kiện về ATVSTP, an toàn giết mổ… thì các đơn vị cung cấp hàng không có. Một số DN khi chào hàng, siêu thị hướng dẫn làm các thủ tục để có giấy chứng nhận bán hàng vào siêu thị, thì sau đó không thấy quay lại.

Đưa hàng hóa Hà Tĩnh vào siêu thị: “Thua trên sân nhà”
Kẹo cu đơ Phong Nga là mặt hàng đã thâm nhập sâu vào gần 10 siêu thị trong hệ thống của Sài Gòn Co.op.

Thậm chí, nhiều nhà sản xuất khá lớn, như: Công ty CP Dược Hà Tĩnh, Công ty XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh, cơ sở chế biến gạo của các HTX Cẩm Thành, Đức Lâm… và một số cơ sở khác, sau khi ký xong, vẫn có sản phẩm đạt chất lượng nhưng lại không cung cấp cho siêu thị! Một số sản phẩm khác như rượu nếp Hương Bộc, sản phẩm bột canh của Công ty CP Muối và Thương mại Hà Tĩnh… không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại khác. Bên cạnh đó, một số sản phẩm chỉ mang tính thời vụ như cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch… chỉ bán được trong một thời gian ngắn…

Hiện nay, các sản phẩm của Hà Tĩnh chỉ có duy nhất kẹo cu đơ Phong Nga là mặt hàng đã thâm nhập sâu vào gần 10 siêu thị trong hệ thống của Sài Gòn Co.op. Còn các sản phẩm khác cũng chỉ bán lẻ tẻ, trong đó, nhiều sản phẩm mỗi tháng doanh số chỉ đạt mức dưới 10 triệu đồng.

Xung quanh việc nhiều sản phẩm đã được ký kết nhưng không có hàng đưa vào siêu thị, bà Nguyễn Thị Nhâm – Chủ nhiệm HTX TTCN&DVTM Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) cho biết: “HTX sản xuất được 3 ha lúa RVT và ký kết thêm với nông dân khoảng 7 ha, đưa sản lượng gạo RVT mỗi vụ cỡ trên 40 tấn. Tuy nhiên, cái khó là, khi vào siêu thị, họ quy định nhập lô nào, phải có giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP lô đó, trong khi, mỗi lần làm thủ tục kiểm nghiệm để được cấp giấy, HTX phải bỏ ra 8 triệu đồng. Với chi phí này, chúng tôi sẽ lỗ, vì siêu thị không thể nhập mỗi lần mấy chục tấn. Vì vậy, chúng tôi chọn phương án đi tiếp thị và bán bên ngoài”.

Giám đốc Sở Công thương Trần Nhật Tân cho rằng, việc ký kết, đưa hàng hóa Hà Tĩnh vào tiêu thụ tại chuỗi siêu thị có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển sản xuất, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng NTM như hiện nay. Tuy nhiên, với thực tế sản xuất, cung ứng hiện nay, đây đang là một vấn đề khó. Đầu tiên là nguyên liệu không ổn định; thứ nữa là do chưa có DN nào đứng ra thu gom sản phẩm một cách quy mô; các DN chưa ý thức được việc xây dựng thương hiệu với đầy đủ quy chuẩn; các chính sách thúc đẩy tiêu thụ còn hạn chế… Theo ông Trần Nhật Tân, để giải quyết vấn đề này, trước tiên, các DN, nhà sản xuất cần thay đổi tư duy, tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm; tổ chức sản xuất đúng quy trình, quy mô; phải có chiến lược dài hơi để thâm nhập sâu vào hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ các sản phẩm chủ lực; giúp DN xây dựng thương hiệu… để sản phẩm Hà Tĩnh tiếp cận và có chỗ đứng trong chuỗi siêu thị, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Chính Thu/baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP